Giá vàng hôm nay 23/2/2024: Giá vàng trong nước lại tăng vùn vụt, thị trường thế giới đối mặt áp lực bán; lý do Nga và nhiều nước ồ ạt dự trữ vàng?
Giá vàng hôm nay 23/2/2024, trong nước, giá vàng miếng SJC bất ngờ có diễn biến mới, tăng mạnh; trong khi giá vàng thế giới có xu hướng hạ nhiệt trước áp lực bán ra. Triển vọng ngắn hạn đối với vàng là trái chiều, với sự chậm trễ trong thời hạn hạ lãi suất của Fed phần nào bị cản trở bởi nhu cầu trú ẩn an toàn từ bức tranh địa chính trị.
BẢNG CẬP NHẬT TRỰC TIẾP GIÁ VÀNG HÔM NAY 23/2 và TỶ GIÁ HÔM NAY 23/2
Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 23/2/2024
Giá vàng trong nước lại tăng rất mạnh, là diễn biến khá bất ngờ sau ngày vía Thần Tài.
Giá vàng miếng SJC bán ra phiên chiều 22/2 đã đắt thêm gần 1 triệu/lượng. Tuy nhiên, diễn biến bất ngờ là tăng mạnh ở chiều mua vào và giảm ở chiều bán, khiến chênh lệch giá mua - giá bán được thu hẹp đáng kể, xuống còn khoảng 1,2 triệu đồng/lượng.
Tại Công ty VBĐQ Sài Gòn, giá vàng miếng SJC niêm yết ở mức 76,30 – 78,52 triệu đồng/lượng, tăng 800 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và giảm 200 nghìn đồng/lượng so với phiên mở cửa.
Tập đoàn Doji giao dịch giá mua - bán ở mức 76,25 triệu đồng/lượng và 78,45 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng theo cả hai chiều.
Giá vàng nhẫn, giá vàng trang sức diễn biến khá ổn định, không có nhiều thay đổi sau phiên giảm mạnh khi "cắt cơn sốt" cầu ngày vía Thần Tài.
Tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, đến cuối ngày 22/2, giá vàng nhẫn thương hiệu Vàng rồng Thăng Long giao dịch tại 64,52 - 65,62 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Giá vàng trang sức 9999 hương hiệu Vàng rồng Thăng Long giao dịch tại 64,15 - 65,35 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra dao động trong khoảng 1,1-1,25 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới có xu hướng hạ nhiệt trước áp lực bán ra sau 4 phiên tăng liên tiếp.
Tuy nhiên, giá vàng thế giới vẫn neo khá ổn ở trên ngưỡng 2.020 USD/ounce và được dự báo chưa thể tăng tiếp sau khi đồng USD ổn định trở lại. Ngoài ra, mùa cao điểm tiêu thụ vàng mạnh ở các thị trường châu Á đang xa dần. Thị trường cũng có thể tiếp tục trầm lắng khi kỳ vọng về chu kỳ nới lỏng tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục bị đẩy lùi.
Ghi nhận của Báo Thế giới & Việt Nam, lúc 21h15 ngày 22/2 (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới niêm yết ở mức 2.024,10 - 2.025,10 USD/ounce, giảm 1,6 USD/ounce so với phiên giao dịch liền trước.
* Giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá USD ngân hàng hiện tương đương 60,9 triệu đồng/lượng (bao gồm thuế và phí), thấp hơn khoảng 17,3 triệu đồng/lượng so với giá vàng miếng SJC chiều bán ra.
Giá vàng thế giới hiện cao hơn khoảng 11,1% (204 USD/ounce) so với đầu năm 2023. Hiện giới đầu tư tìm kiếm manh mối về thời điểm Fed cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ tháng 3/2022. Nhiều dự báo cho rằng, Fed sẽ hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 6.
Về lâu dài, đồng USD sẽ giảm theo những đợt cắt giảm lãi suất của Fed. Giá vàng theo đó tăng nhanh. Vàng còn được hỗ trợ bởi những bất ổn có thể kéo dài tại Ukraine và Trung Đông. Chưa có tín hiệu nào cho thấy, căng thẳng địa chính trị tại các khu vực này sẽ sớm hạ nhiệt. Giá vàng được dự báo sẽ còn được hỗ trợ bởi sức cầu vàng vật chất tại nhiều quốc gia.
Tổng hợp giá vàng miếng SJC giao dịch tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên ngày 22/2/2024:
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC ở 76,30 – 78,52 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng miếng SJC tại: 76,25 – 78,45 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC tại: 76,50 – 78,45 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết giá vàng miếng tại: 76,30 – 78,50 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 76,75 – 78,60 triệu đồng/lượng.
Lý do Nga và các nước tăng dự trữ vàng?
Trên thị trường thế giới, không chỉ các nhà đầu tư đang tìm kiếm sự an toàn tại kênh đầu tư vàng, nhiều quốc gia, trong đó có Nga đã tăng mạnh mức dự trữ kim loại quý.
Theo tính toán của RIA Novosti dựa trên dữ liệu từ các ngân hàng trung ương quốc gia, các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã tăng dự trữ vàng của họ lên tổng cộng 213 tấn vàng vào năm 2023, trong đó có khoảng 16 tấn vàng ở Nga. Như vậy, trữ lượng vàng của Nga đã tăng lên 2.351 tấn - cao thứ 5 thế giới.
Mỹ có trữ lượng vàng lớn nhất. Trung Quốc mua nhiều vàng nhất trong năm ngoái - 224 tấn (nước này có tổng trữ lượng vàng là 2.236 tấn). Tiếp theo là Australia và Ấn Độ. Mexico mua khoảng 1 tấn, hiện có 121 tấn vàng. Pháp bổ sung dự trữ thêm 0,3 tấn, lên 2.437 tấn.
Thổ Nhĩ Kỳ giảm lượng dự trữ 60 tấn và Đức giảm 2,5 tấn vàng, còn lại lần lượt là 726,5 và 3.356 tấn vàng. Mỹ duy trì lượng vàng dự trữ ở mức 8.133 tấn. Dự trữ của Italy (2.452 tấn), Nhật Bản (846 tấn) và Anh (310 tấn) không thay đổi.
Saudi Arabia có 323 tấn vàng, Hàn Quốc có 104,5 tấn, Brazil có 130 tấn vàng, Indonesia có 79 tấn, Argentina có 62 tấn. Quốc gia G20 duy nhất không có dự trữ vàng là Canada.
Ngân hàng Trung ương Nga (BoR) hiện có hơn 2.000 tấn vàng, đứng thứ 5 thế giới. Theo một tài liệu được công bố trên nền tảng Internet NetEase của Trung Quốc, Nga đã tăng mạnh lượng dự trữ vàng trong những năm gần đây.
Và khi trữ lượng kim loại quý trong kho tăng lên, chiến lược của Nga cũng bắt đầu thay đổi. Tài liệu lưu ý rằng việc tiếp tục tăng dự trữ vàng là để giảm khả năng bị tổn thương trước các rủi ro địa chính trị. Dự trữ vàng là một loại “đệm an toàn” cho kinh tế Nga.
Từ lâu, người ta tin rằng Nga cất giữ vàng ở nước ngoài cũng như nhiều quốc gia khác giữ vàng dự trữ trong các ngân hàng Mỹ và Anh. Nhưng Ngân hàng Trung ương Nga đã bác bỏ thông tin này và nói rằng toàn bộ lượng vàng dự trữ đều nằm trong các hầm ở Nga, NetEase cho biết.
Một khía cạnh quan trọng khác liên quan đến trữ lượng vàng của Nga là tình hình khai thác vàng. Nga là một trong số những quốc gia khai thác vàng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, không có thông tin chi tiết về ngành kinh tế này. Và các tác giả đã giải thích lý do tại sao mặc dù những lời giải thích này còn khá nhiều tranh cãi.
Trước hết, Nga cất vàng trong nước là để đảm bảo an toàn. Thứ hai, là để giấu kín sản lượng khai thác. Quá trình phi đô la hóa sẽ buộc nước Nga phải có một lượng vàng đáng kể, việc ngụy trang sẽ giúp họ tránh thu hút sự chú ý không mong muốn.
Và cuối cùng, Nga có thể tạo ra một động thái bất ngờ đối với Mỹ. Rốt cuộc, Nga và các đối tác BRICS càng có nhiều vàng thì đồng tiền mới (trong khối này) sẽ càng mạnh, việc tạo ra loại tiền này đã được thảo luận.