Giá vàng hôm nay 23/7: Đạt mức cao nhất trong 2,5 tháng
Giá vàng hôm nay 23/7 tăng 500 - 700 nghìn đồng/lượng đối với cả vàng miếng và vàng nhẫn SJC, đạt mức cao nhất trong 2,5 tháng. Trong khi đó, thị trường quốc tế tiếp tục tăng mạnh.
Giá vàng hôm nay 23/7
Giá vàng hôm nay 23/7 tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết đầu giờ tăng 700 nghìn đồng ở cả hai chiều so với hôm qua. Giá vàng miếng ở mức 120,7 – 122,7 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Đây là mức cao nhất kể từ đầu tháng 5 đến nay.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn SJC sáng nay cũng tăng 50 đồng/chỉ ở cả hai chiều, hiện ở mức 11,55 – 11,8 triệu đồng/chỉ (mua vào – bán ra).
Giá vàng hôm nay 23/7 miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới khoảng 11 – 13 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Bên cạnh vàng SJC, giá vàng nhẫn tại một số doanh nghiệp cũng ghi nhận mức tăng đáng kể so với hôm qua. Tại PNJ, giá vàng nhẫn tăng 50.000 đồng/chỉ ở chiều mua vào và 100.000 đồng/chỉ ở chiều bán ra, lên mức 11,65 – 11,91 triệu đồng/chỉ. DOJI điều chỉnh tăng 90.000 đồng/chỉ ở cả hai chiều, hiện niêm yết ở mức 11,7 – 11,95 triệu đồng/chỉ.
Bảng giá vàng hôm nay 23/7 tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC (lúc 9h00)

Giá vàng thế giới đêm qua
Giá vàng tiếp tục đà tăng mạnh vào hôm qua, khi hàng loạt yếu tố vĩ mô cùng lúc tạo lực đẩy cho thị trường kim loại quý. Giá vàng giao ngay đóng cửa ở mức 3.431, 56 USD/ounce, tăng tiếp 1%, đây là vùng giá chưa từng được chạm tới kể từ giữa tháng Sáu.

Sự bứt phá của vàng được hỗ trợ mạnh mẽ bởi đà suy yếu đáng kể của đồng USD. Chỉ số ICE Dollar Index giảm 0,62 điểm, xuống còn 97,86, khi đồng bạc xanh mất giá trên hầu hết các cặp tiền tệ chủ chốt. Đây là một bước lùi rõ rệt so với mức đỉnh ba tuần mà chỉ số này vừa thiết lập vào tuần trước. Diễn biến này ngay lập tức tạo điều kiện thuận lợi cho các hàng hóa định giá bằng USD, trong đó vàng là tâm điểm.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng đồng loạt giảm. Trái phiếu kỳ hạn 2 năm giảm 2,6 điểm cơ bản, về mức 3,854%, trong khi lợi suất trái phiếu 10 năm – thước đo quan trọng về kỳ vọng lãi suất dài hạn – giảm tới 5,7 điểm cơ bản, còn 4,366%. Sự sụt giảm này khiến các kênh đầu tư sinh lãi kém hấp dẫn hơn, đồng thời làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng – một tài sản không sinh lãi.
Trên thị trường quyền chọn, tín hiệu về áp lực tiếp tục với đồng USD đang rõ ràng hơn. Theo dữ liệu từ Bloomberg, các quyền chọn đảo chiều rủi ro trong một tháng đã chuyển sang vùng âm, cho thấy giới đầu tư đang ưu tiên bảo vệ trước khả năng USD còn yếu hơn trong tháng tới.
Peter Kinsella, Trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ tại Union Bancaire Priveé, nhận định: “Chúng ta có thể chứng kiến một đồng USD yếu hơn nữa” và rằng “có lẽ đồng USD vẫn chưa chạm đáy”.
Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị đang đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn lên cao. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick tuyên bố thời hạn 1/8 là “thời hạn cứng” cho các cuộc đàm phán thương mại với châu Âu, đồng thời nhấn mạnh mức thuế 10% sẽ tiếp tục được duy trì trong suốt tiến trình thương lượng. Lập trường cứng rắn này càng làm dấy lên lo ngại về khả năng bế tắc thương mại kéo dài, nhất là khi EU đã bắt đầu chuẩn bị các biện pháp đáp trả.
Tình hình thêm phức tạp khi kỳ vọng về chính sách tiền tệ của Fed trở nên dao động. Thị trường hiện đang định giá khoảng 60% khả năng Fed cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9, một phần do những đồn đoán về thay đổi lãnh đạo tại ngân hàng trung ương và hướng đi chính sách trong thời gian tới. Kỳ vọng này đã góp phần kéo đồng USD xuống và hỗ trợ cho đà tăng giá của vàng.
Trong bối cảnh lãi suất giảm, đồng USD yếu đi, rủi ro thương mại gia tăng và chính sách tiền tệ không rõ ràng, vai trò truyền thống của vàng như một “tấm khiên” chống lại bất ổn đang trở lại rõ nét. Với nhiều yếu tố bất định vẫn còn phía trước, các nhà đầu tư dường như đang tìm đến kim loại quý như một kênh trú ẩn an toàn – và giá vàng đang phản ánh điều đó.