Đề án 1 triệu ha hướng tới phát triển nông nghiệp theo hướng thuận thiên

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, tăng trưởng xanh giữ vững vai trò nòng cốt của sản xuất lúa gạo bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Đề án hướng tới phát triển nông nghiệp ĐBSCL theo hướng bền vững, thuận thiên, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.

Ngày 23/7 tại Cần Thơ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp – Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam tổ chức “Hội thảo sơ kết mô hình canh tác lúa chất lượng cao giảm phát thải tại vùng đồng bằng sông Cửu Long” năm 2025.

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và suy giảm tài nguyên đất đang đặt ra thách thức đối với sản xuất lúa ở vùng ĐBSCL vựa lúa quốc gia và khu vực. Bên cạnh đó là yêu cầu tất yếu về sản xuất có trách nhiệm với môi trường và xã hội.

Trước thực trạng trên, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh”, một chiến lược mang tầm quốc gia, định hình lại tư duy sản xuất lúa trong bối cảnh mới.

Mô hình được triển khai tại An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp và Vĩnh Long trong năm 2025 với nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được ứng dụng. Với những kết quả đạt được ở các mô hình, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo để cùng thảo luận, tìm giải pháp để triển khai nhân rộng mô hình trong thời gian tới.

Bà Huỳnh Kim Định, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục làm đầu mối để nhân rộng mô hình, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý canh tác, thúc đẩy hợp tác công – tư, mở rộng mạng lưới đối tác trong và ngoài nước.

"Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào một chặng đường chuyển mình quan trọng – từ sản xuất đơn thuần sang nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn và phát triển xanh. Tôi tin rằng, chúng ta sẽ có thêm niềm tin, quyết tâm và giải pháp cụ thể để đưa “một triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh” không chỉ là con số mà là biểu tượng của nền văn hóa lúa nước Việt Nam, của trí tuệ Việt và trách nhiệm tái tạo một hành tinh xanh.", bà Huỳnh Kim Định nói.

Đề án 1 triệu hecta ở vùng ĐBSCL

Đề án 1 triệu hecta ở vùng ĐBSCL

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, tăng trưởng xanh giữ vững vai trò nòng cốt của sản xuất lúa gạo bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Đề án hướng tới phát triển nông nghiệp ĐBSCL theo hướng bền vững, thuận thiên, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. Tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, áp dụng các quy trình canh tác bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đề án 1 triệu ha tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện các trung tâm hậu cần và đổi mới sáng tạo, đồng thời cải tiến các gói kỹ thuật dựa trên kỹ thuật 1 phải 5 giảm, hỗ trợ tái tổ chức sản xuất nông hộ thông qua tăng cường các tổ chức nông dân và hợp tác xã, đào tạo và chuyển giao công nghệ cho nông dân về canh tác bền vững, quản lý trang trại, áp dụng công nghệ kỹ thuật số và các lĩnh vực liên quan khác bao gồm giám sát, báo cáo và thẩm định tín chỉ các bon (MRV). Huy động các nguồn lực tài chính và kỹ thuật trong nước và quốc tế, bao gồm Quỹ hỗ trợ khí hậu và carbon (RBC/CF), quỹ chi trả tài chính carbon dựa trên kết quả, để hỗ trợ sản xuất lúa gạo carbon thấp và thực hiện hệ thống MRV để cấp tín chỉ carbon cho các vùng trồng lúa carbon thấp. Phát triển thị trường gạo carbon thấp, bao gồm xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường cho gạo carbon thấp của ĐBSCL cũng như gạo carbon thấp của Việt Nam.

Phạm Hải/VOV ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/de-an-1-trieu-ha-huong-toi-phat-trien-nong-nghiep-theo-huong-thuan-thien-post1217082.vov