Giá vàng hôm nay 25/2/2025: Giá vàng tăng, cần gì để chạm mốc 3.000 USD/ounce? Mỹ có thể định hình lại nền kinh tế từ kho vàng dự trữ?

Giá vàng hôm nay 25/2/2025, Giá vàng tăng, giao dịch gần mức đỉnh kỷ lục, dòng tiền đổ vào các quỹ giao dịch trao đổi được hỗ trợ bằng vàng. Giá vàng nhẫn và SJC dắt tay nhau tăng. Mỹ có thể sử dụng kho vàng dự trữ để định hình lại nền kinh tế như thế nào?

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 25/2/2025

Giá vàng trong nước sáng 24/2 giảm nhẹ.

Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá bán vàng miếng SJC ở mức 89,2 - 90,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 200 nghìn đồng ở cả hai chiều mua vào - bán ra so với chốt phiên trước.

Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng ở mức 90,1 - 91,6 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), tăng 700 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 100 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên trước.

Tương tự, giá vàng nhẫn cũng giảm nhẹ. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 89,1 - 91,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 200 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào - bán ra so với chốt phiên trước.

Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 90,1 -91,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 200 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên trước.

Giá vàng hôm nay 25/2/2025: Giá vàng tăng, cần gì để chạm mốc 3.000 USD/ounce? Mỹ có thể định hình lại nền kinh tế từ kho vàng dự trữ? (Nguồn: Reuters)

Giá vàng hôm nay 25/2/2025: Giá vàng tăng, cần gì để chạm mốc 3.000 USD/ounce? Mỹ có thể định hình lại nền kinh tế từ kho vàng dự trữ? (Nguồn: Reuters)

Tổng hợp giá vàng tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại các thời điểm chốt phiên giao dịch chiều 24/2:

Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC: Vàng miếng SJC 89,7 – 92,0 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn SJC 89,7 – 91,8 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn DOJI: Vàng miếng SJC 89,7 – 92,0 triệu đồng/lượng; Nhẫn tròn 9999 (Hưng Thịnh Vượng) 90,5 – 92,0 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ: Vàng miếng SJC 89,7 – 92,0 triệu đồng/lượng; Vàng nhẫn trơn PNJ 999.9: 90,5 – 92,0 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý: Vàng miếng SJC 90,0 – 92,0 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn tròn Phú Quý 999.9: 90,6 – 92,1 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại 90,0 – 92,0 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn tròn trơn Vàng Rồng Thăng Long niêm yết tại 90,6 – 92,1 triệu đồng/lượng.

Như vậy, so với phiên sáng 24/2, chốt phiên chiều cùng ngày, tại thị trường trong nước, giá vàng miếng và vàng nhẫn đều có xu hướng tăng.

Ghi nhận của Báo Thế giới & Việt Nam, thông tin trên Kitco, tính đến 19h51 giờ Việt Nam ngày 24/2, giá vàng thế giới niêm yết ở mức 2.948,3 USD/ounce, tăng 12 USD/ounce so với phiên giao dịch trước đó.

Quy đổi theo giá USD tại Vietcombank ngày 24/2, 1 USD = 25.670 VND, giá vàng thế giới tương đương 91,18 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới gần mức đỉnh

Giá vàng thế giới ngày 24/2 tăng và giao dịch gần mức đỉnh kỷ lục, nhờ đồng USD yếu hơn, trong khi các nhà đầu tư hướng đến báo cáo lạm phát quan trọng sẽ được công bố vào cuối tuần này để đánh giá quỹ đạo lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Vàng giao ngay tăng 0,4% lên 2.947 USD/ounce tính đến 12h11 phút GMT sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.954,69 USD/ounce vào tuần trước.

Giá vàng tương lai của Mỹ tăng 0,3% lên 2.961,80 USD/ounce.

Ông Han Tan, nhà phân tích thị trường chính của Exinity Group cho biết: “USD giảm trong tháng này đã giúp vàng giao ngay được giữ quanh mức cao kỷ lục, được hỗ trợ bởi dòng tiền đổ vào các quỹ giao dịch trao đổi được hỗ trợ bằng vàng thỏi".

Đại diện SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch trao đổi vàng lớn nhất thế giới, cho biết lượng nắm giữ của họ đã tăng lên 904,38 tấn vào hôm 21/2, mức cao nhất kể từ tháng 8/2023.

Chỉ số USD (.DXY), đã đi ngang, khiến vàng thỏi định giá bằng đồng bạc xanh trở nên rẻ hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Mối đe dọa về một cuộc chiến tranh thương mại, do các kế hoạch áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump gây ra, đã đẩy giá vàng lên trên mức lịch sử 2.950 USD/ounce vào tuần trước và đưa mức 3.000 USD/ounce vào tầm ngắm của các nhà đầu tư nhiều hơn bao giờ hết.

Giám đốc Ajay Kedia tại Kedia Commodities có trụ sở tại Mumbai, cho rằng những yếu tố hỗ trợ hiện tại là không đủ, cần một sự kiện hoặc tin tức "bom tấn" để vàng có thể bứt phá mốc 3.000 USD/ounce.

Vàng được coi là khoản đầu tư an toàn trong thời kỳ bất ổn, nhưng lãi suất cao hơn làm giảm sức hấp dẫn của tài sản không sinh lời này.

"Những người đầu cơ giá vàng thỏi dường như đang chờ thời cơ trước khi đạt được mức 3.000 USD/ounce, lưu ý rằng rủi ro là đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo của Fed có thể phải lùi lại thậm chí vào cuối năm nay", nhà phân tích Han Tan nói thêm.

Các nhà giao dịch dự báo rằng đợt nới lỏng lãi suất đầu tiên của Fed trong năm nay sẽ diễn ra vào tháng 9 tới.

Để dự đoán chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ sâu hơn, những người tham gia thị trường sẽ xem xét báo cáo Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng, dự kiến công bố vào thứ Sáu tuần này. Nếu áp lực lạm phát khiến Fed giữ lãi suất ở mức cao, sức hấp dẫn của vàng như một tài sản không sinh lời có thể giảm đi.

Trước đó cùng phiên chiều 24/2, tại thị trường châu Á, giá vàng dao động gần mức cao kỷ lục.

Nhà phân tích thị trường Tim Waterer tại KCM Trade cho biết dữ liệu kinh tế vĩ mô đáng thất vọng của Mỹ vào cuối tuần trước đã tác động đến đồng USD, tạo cơ hội cho giá vàng tăng cao hơn. Trong bối cảnh những bất ổn thương mại dường như chưa có dấu hiệu giảm bớt, vàng vẫn có thể hướng tới việc đạt mức cao kỷ lục mới trong tuần này.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa áp thuế mới trong tháng tới hoặc sớm hơn, trong đó bổ sung mặt hàng gỗ và các sản phẩm lâm nghiệp vào các kế hoạch đã công bố trước đó về việc áp thuế đối với ô tô, chất bán dẫn và dược phẩm nhập khẩu.

Mỹ có thể sử dụng kho vàng dự trữ để định hình lại nền kinh tế như thế nào?

Trong một cuộc phỏng vấn với Kitco News, Thorsten Polleit, Giáo sư danh dự về kinh tế tại Đại học Bayreuth và là chủ biên của Báo cáo BOOM & BUST, cho biết không có gì ngạc nhiên khi Mỹ chứng kiến dòng vàng và bạc vật chất đổ vào đáng kể khi các ngân hàng đang xây dựng kho dự trữ để phòng ngừa rủi ro về thuế quan. Ông nói thêm rằng mặc dù rủi ro về thuế quan đối với các kim loại quý này là thấp, nhưng vẫn đủ để các ngân hàng và nhà đầu tư phải chủ động.

Tuy nhiên, khi xem xét những tác động dài hạn, Polleit nhận định, một lượng vàng và bạc dự trữ ngày càng tăng tại Mỹ, cùng với sự tập trung trở lại của chính phủ vào dự trữ, có thể làm tăng kỳ vọng về việc cả hai kim loại quý này sẽ được công nhận là tiền tệ cùng với đồng USD.

Ông nói thêm rằng, việc sử dụng vàng và bạc làm tiền tệ cứng kết hợp với đồng bạc xanh có thể khắc phục được lạm phát, vốn đã trở thành mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, trong kịch bản này, giá vàng và bạc sẽ phải cao hơn nhiều để phù hợp với quy mô của nền kinh tế Mỹ.

Giáo sư Polleit giải thích, sự gia tăng không bền vững của nợ công Mỹ đã đẩy Fed và tiền pháp định đi xa nhất có thể.

"Trong tương lai, Fed không còn có thể hành động linh hoạt như trước đây nữa", ông nói. "Ví dụ, nếu có khủng hoảng, Fed có thể mở cửa xả lũ và bơm tiền mới vào để hỗ trợ nền kinh tế. Họ không thể làm như vậy nữa vì điều đó sẽ đẩy lạm phát lên cao hơn. Chúng ta bắt đầu nhận ra rằng cơ quan này không thể chỉ giải cứu nữa".

Polleit cho biết các biện pháp của Fed nhằm giải cứu nền kinh tế Mỹ đã định giá sai đáng kể rủi ro trên thị trường. Ông chỉ ra rằng lợi suất trái phiếu doanh nghiệp có rủi ro cao hơn đang thấp hơn nhiều so với mức trung bình dài hạn. Chênh lệch lợi suất tín dụng giữa trái phiếu doanh nghiệp hạng "B" và trái phiếu kho bạc Mỹ hiện ở mức 1,45%, mức thấp nhất kể từ giữa năm 1979.

Polleit cho biết những rủi ro thị trường này phải được định giá lại một cách hợp lý - đây sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng - và đây là một lý do khiến nhiều nhà đầu tư chuyển sang vàng.

"Tôi nghĩ mọi thứ có thể trở nên khá hỗn loạn khi chính quyền tiếp tục cắt giảm chi tiêu và cải thiện triển vọng tín dụng của chính phủ", ông cho biết. "Sẽ có sự định giá lại nợ doanh nghiệp và ý tưởng về một tài sản trú ẩn an toàn ở đâu đó nhanh chóng đưa vàng vào chương trình nghị sự".

Một loại bản vị vàng mới có thể là giải pháp.

Polleit lưu ý rằng bản vị vàng truyền thống sẽ tạo ra các vấn đề giảm phát cho nền kinh tế toàn cầu vì chi tiêu tín dụng sẽ bị giới hạn ở sản lượng vàng toàn cầu; tuy nhiên, ông nói thêm rằng có một giải pháp khác.

"Chính quyền Mỹ có thể cho phép hoặc khuyến khích thị trường tiền tệ tự do. Điều này có thể thay đổi hệ thống tiền tệ fiat của nước này thành một chế độ lành mạnh hơn", ông nói. "Chúng ta đang sống trong một thế giới mà xét về mặt công nghệ, điều này có thể được thực hiện khá dễ dàng".

Polleit lưu ý rằng trong hàng nghìn năm lịch sử, vàng đã chứng minh giá trị của nó hết lần này đến lần khác. Cho đến nay, vàng đã là một thế lực thống trị trên thị trường tiền tệ toàn cầu, đạt mức cao kỷ lục mới so với tất cả các loại tiền tệ chính.

Bình luận của Polleit được đưa ra khi chính phủ Mỹ xem xét lại dự trữ vàng của chính mình. Đầu tháng này, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết ông đang tìm cách "tiền tệ hóa mặt tài sản của bảng cân đối kế toán" khi chính phủ bàn tới việc thành lập một quỹ đầu tư quốc gia.

Nhiều nhà phân tích đã suy đoán rằng điều này có thể có nghĩa là chính phủ sẽ định giá vàng dự trữ của mình trên thị trường, vốn ở mức 42 USD/ounce kể từ năm 1972. Việc định giá lại kho vàng có thể làm tăng tài sản của chính phủ Mỹ lên gần 800 tỷ USD.

(theo Kitco, Reuters)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-vang-hom-nay-2522025-gia-vang-tang-can-gi-de-cham-moc-3000-usdounce-my-co-the-dinh-hinh-lai-nen-kinh-te-tu-kho-vang-du-tru-305420.html