Giá vàng hôm nay 26/4/2024: Giá vàng trong nước vượt 84 triệu đồng/lượng, đấu giá vàng gặp vấn đề gì? thị trường khó xuống vì 'lực mua khủng'
Giá vàng hôm nay 26/4/2024: Giá vàng miếng SJC vụt tăng mạnh trở lại trên 84 triệu đồng/lượng, sau khi phiên đấu giá vàng thứ hai thất bại. Giá vàng thế giới neo vững trên 2.300 USD/ounce, cú sụt giảm vừa qua nên là cơ hội để mua vào cho dài hạn?
BẢNG CẬP NHẬT TRỰC TIẾP GIÁ VÀNG HÔM NAY 26/4 và TỶ GIÁ HÔM NAY 26/4
Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 26/4/2024
Giá vàng trong nước bất ngờ "quay xe" tăng mạnh.
Giá vàng miếng SJC tăng cho dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa vàng ra đấu thầu và thị trường đồn đoán về khả năng Nghị định 24 quản lý vàng có thể sẽ được thay đổi. Tuy nhiên, sau phiên đấu thầu vàng lần thứ hai bị hủy, đến cuối phiên 25/4 giá vàng miếng SJC tại VBĐQ Sài Gòn lại tăng lên 84,3 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng nhẫn, giá vàng trang sức tiếp tục rớt giá, thị trường bán ra khoảng 75 triệu đồng/lượng.
Tại Bảo Tín Minh Châu cuối phiên 25/4, giá vàng nhẫn thương hiệu Vàng rồng Thăng Long niêm yết ở mức 73,62 - 75,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng trang sức 9999 thương hiệu Vàng rồng Thăng Long giao dịch tại 72,85 - 75,05 triệu đồng/lượng.
NHNN hôm nay đã thông báo hủy đấu thầu vàng miếng sáng (25/4) đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, lý do hủy được nêu rõ - do chỉ có một đơn vị nộp phiếu dự thầu. Trước đó, ngày 22/4, NHNN cũng đã hủy lịch đấu thầu vàng miếng lần thứ nhất do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định.
Trong phiên đấu giá vàng thành công nhất, NHNN đấu thầu được 3.400 lượng với giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng và thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng - cũng là mức giá mà Ngân hàng Nhà nước phát ra, ế 13.400 lượng vàng miếng SJC. Theo chuyên gia nên giảm mức giá khởi điểm xuống khoảng 80 triệu đồng/lượng để tạo sự hấp dẫn, thu hút các doanh nghiệp tham gia đấu thầu vàng tích cực hơn.
Giá vàng thế giới neo cao, vững chắc trên ngưỡng 2.300 USD/ounce.
Ghi nhận của TG&VN vào 21h30 ngày 25/4 (theo giờ Hà Nội), giá vàng thế giới trên sàn giao dịch Kitco ở mức2.324,80 - 2.325,80 USD/ounce, tăng 9,4 USD so với phiên giao dịch liền trước.
Sau hai phiên đầu tuần lao dốc mạnh, giá vàng thế giới đã tăng nhẹ trở lại, khi dữ liệu kinh tế Mỹ vừa công bố cho thấy tăng trưởng yếu hơn kỳ vọng. Các dữ liệu mới nhất này củng cố thêm kỳ vọng mờ nhạt về việc xoay trục giảm lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Vàng tăng giá trở lại còn do lực cầu bắt đáy gia tăng khi vàng chạm tới ngưỡng hỗ trợ mạnh 2.300 USD/ounce. Nhiều chuyên gia tin rằng, cú sụt giảm vừa qua là cơ hội để mua vào cho dài hạn.
Giá vàng thế giới còn tiếp tục giữ được ở mức cao do giới đầu tư vẫn lo ngại về tình hình khu vực Trung Đông cũng như tại Ukraine. Trong đó, leo thang căng thẳng ở Trung Đông có thể lên tới mức khó có thể tưởng tượng.
Các chuyên gia cũng cho rằng, về dài hạn, vàng vẫn nằm trong xu hướng tăng giá. Tuy nhiên, trong ngắn hạn kim loại quý có thể vẫn phải chứng kiến một đợt điều chỉnh giảm sâu hơn nữa bởi cú giảm trong hai phiên đầu tuần chưa thấm vào đâu so với đợt tăng kéo dài từ cuối tháng 12 năm ngoái.
Giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá USD ngân hàng thương mại ở mức 72 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 12,5 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước (bán ra).
Tổng hợp giá vàng miếng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên ngày 25/4:
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 82,00 - 84,32 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 82,30 - 84,30 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn DOji niêm yết tại 81,80 - 84,00 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn VBĐQ Phú Quý niêm yết tại: 82,30 - 84,30 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 82,40 - 84,30 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới còn tăng bởi lực mua khủng của Trung Quốc
Nhu cầu của Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường vàng sau khi giảm mạnh từ mức cao kỷ lục, đó là dự báo của Metals Focus.
Vàng đã chịu tổn thất đáng kể trong tuần này khi các nhà đầu tư đầu cơ tập trung vào việc Fed trì hoãn chu kỳ nới lỏng cho đến sau mùa Hè, hoặc thậm chí sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024. Mặc dù, giá vàng vẫn có khả năng giảm trong thời gian tới, một công ty nghiên cứu lưu ý rằng, nhu cầu cơ bản từ các nhà đầu tư Trung Quốc và châu Á khác vẫn mạnh và sẽ tiếp tục hỗ trợ giá cao hơn cho đến hết năm 2024.
Nhu cầu vàng ở Trung Quốc mạnh đến mức các nhà đầu tư bán lẻ phải trả mức chênh lệch cao kể từ cuối năm 2023. Giá chênh lệch giá vàng giao dịch trên Sàn giao dịch vàng Thượng Hải đã giao dịch ổn định ở mức khoảng 40 USD, cao hơn mức chuẩn vàng do Hiệp hội thị trường vàng thỏi London thiết lập đầu năm 2024.
Nhiều người hoài nghi rằng, lực lượng chính đẩy giá vàng liên tục cao hơn là nhu cầu không ngừng từ Trung Quốc, bao gồm cả người mua sắm lẻ, nhà đầu tư quỹ, nhà giao dịch trên các thị trường tương lai và thậm chí cả từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, tức ngân hàng trung ương).
Metals Focus cho biết, họ kỳ vọng nhu cầu vàng ở Trung Quốc sẽ tăng trưởng tốt trong năm nay, sau mức tăng 28% vào năm 2023.
Các nhà phân tích lưu ý một yếu tố quan trọng đằng sau nhu cầu vàng của Trung Quốc là các nhà đầu tư có rất ít lựa chọn để bảo vệ tài sản của mình khi tình trạng bất ổn kinh tế gia tăng, các loại tài sản đầu tư khác đều bị dự báo không chắc chắn. Tất cả những điều này đang mang lại lợi ích cho sự hấp dẫn của vàng như một nơi trú ẩn an toàn và đa dạng hóa danh mục đầu tư”.
Vàng có lịch sử lâu đời ở Trung Quốc như một công cụ tiết kiệm và quốc gia này tiêu thụ và sản xuất vàng hàng đầu thế giới. Mối quan tâm truyền thống đó đã được hồi sinh nhờ tình trạng hỗn loạn trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
"Việc Trung Quốc liên tục đa dạng hóa sang vàng có lẽ đã củng cố niềm tin của các nhà đầu tư địa phương vào kim loại này và củng cố vai trò của nó như một hàng rào chống lại tình trạng hỗn loạn thị trường và bất ổn tài chính”, các nhà phân tích cho biết.
Trung Quốc và Ấn Độ trong nhiều năm qua lần lượt thay nhau nắm giữ vị trí là người mua vàng lớn nhất thế giới. Nhưng tình hình đã thay đổi vào năm ngoái, khi mức tiêu thụ đồ trang sức, vàng miếng và tiền xu của Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục. Nhu cầu vàng trang sức của Trung Quốc đã tăng lên 10%, trong khi Ấn Độ giảm 6%.