Giá vàng lên đỉnh lịch sử 80,3 triệu đồng, đại gia kinh doanh vàng lãi kỷ lục
Doanh nghiệp kinh doanh vàng ghi nhận lợi nhuận ở mức cao kỷ lục trong một năm giá vàng bứt phá dữ dội và lên đỉnh cao lịch sử.
Báo lãi kỷ lục
CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) do bà Cao Thị Ngọc Dung làm Chủ tịch vừa có báo cáo sơ bộ kết quả kinh doanh quý IV/2023 và cả năm, với lợi nhuận tăng vọt lên mức cao kỷ lục. Đây là năm thứ 7 trong thập kỷ qua, doanh nghiệp sở hữu chuỗi bán lẻ vàng trang sức này ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh.
Cụ thể, PNJ ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong quý IV/2023 tăng hơn 34% so với cùng kỳ, lên 632 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2023 đạt 1.971 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm trước đó.
Cũng theo báo cáo, doanh nghiệp của bà Cao Thị Ngọc Dung hoàn thành 101,8% kế hoạch lợi nhuận sau thuế đề ra cho cả năm.
Đây là kết quả rất tích cực của doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc trang sức trong bối cảnh nền kinh tế trong năm 2023 gặp khá nhiều khó khăn. Tỷ giá có những thời điểm tăng mạnh, sức cầu tiêu dùng của người dân xuống thấp. Hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ đều gặp khó khăn và cổ phiếu sụt giảm do tiêu dùng suy giảm.
Trên thực tế, Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận cũng gặp khó khăn trong bối cảnh như vậy. Doanh thu của PNJ trong cả năm 2023 đạt 33.137 tỷ đồng, giảm 2,2% so với năm 2022 cho dù PNJ vẫn tiếp tục mở rộng mạng lưới bán hàng.
Trong 3 quý đầu năm, sự suy giảm doanh thu ở mức cao hơn. Tuy nhiên, doanh thu trong quý cuối năm bất ngờ tăng vọt thêm gần 18% so với cùng kỳ, lên 9.760 tỷ đồng nhờ thị trường vàng sôi động trong hơn một tháng cuối năm khi giá vàng bứt phá mạnh. Bên cạnh đó, đây cũng là thời kỳ cao điểm tiêu thụ vàng trong năm.
Riêng trong quý IV/2023, lợi nhuận của PNJ cũng tăng vọt trong bối cảnh giá vàng tăng một mạch từ ngưỡng 73,6 triệu đồng/lượng hồi giữa tháng 12/2023 lên đỉnh cao 80,3 triệu đồng/lượng hôm 26/12.
Theo giải trình của PNJ, doanh thu và lợi nhuận đạt mức cao là nhờ doanh nghiệp chiếm lĩnh thêm thị phần, gia tăng khách hàng mới, mở rộng mạng lưới, đưa ra thêm sản phẩm và tiếp cận khách hàng bằng nhiều phương thức mới. Hoạt động bán vàng 24K tăng mạnh, bù đắp cho bán vàng trang sức.
Nhưng có một điểm đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp trung bình năm 2023 tăng lên mức 18,3% so với 17,5% trong năm 2022 nhờ giảm giá vốn hàng bán.
Trong suốt một thập kỷ vừa qua, PNJ ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh, từ mức khoảng 150-200 tỷ đồng/năm lên gần 2.000 tỷ đồng như hiện tại.
Các doanh nghiệp khác như DOJI, SJC… chưa có kết quả kinh doanh cả năm 2023. Tuy nhiên, với sự sôi động của thị trường vàng trong tháng 12, nhiều khả năng các doanh nghiệp sẽ có kết quả tích cực trong quý IV. Mức chênh giá mua-bán vàng miếng SJC lên tới 4 triệu đồng/lượng, chênh với giá thế giới phổ biến ở mức 15-16 triệu đồng/lương, có lúc lên tới 20 triệu đồng/lượng,… là yếu tố giúp các doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro và có thể lãi đậm. Mức chênh giá vàng nhẫn cũng tăng mạnh trong vài tháng qua.
Trong nửa đầu năm 2023, CTCP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI (DOJI) ghi nhận lãi khá khiêm tốn, ở mức 154 tỷ đồng, kém xa con số 1.086 tỷ đồng của PNJ. Thu nhập trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt 2,4%.
Tuy nhiên, trong năm 2022 DOJI có kết quả ấn tượng, lãi khủng 1.017 tỷ đồng, gấp 4,3 lần năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 17,4%.
Trong năm 2022, theo báo cáo kiểm toán, SJC ghi nhận tổng doanh thu là 27.154 tỷ đồng (khoảng 1,1 tỷ USD) và lợi nhuận chưa tới 49 tỷ đồng. Trong khi đó, PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 là 1.811 tỷ đồng.
Giá vàng tăng mạnh trong 2023, có thể lập đỉnh mới trong 2024
Trong năm 2023, giá vàng thế giới và trong nước liên tục lập mức đỉnh mới. Giá vàng bứt phá vào những tuần cuối cùng của năm. Giá vàng miếng SJC mở đầu năm ở mức giá 67 triệu đồng/lượng (giá bán) và đóng cửa phiên cuối năm ở mức 76 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng hơn 13%. Ngày 26/12, giá vàng có lúc lên tới 80,3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước tăng mạnh trong năm 2023 chủ yếu theo thế giới và sự hạn chế nguồn cung vàng trong nước.
Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã ngừng tăng lãi suất trong 3 cuộc họp gần nhất vào tháng 9, 11 và 12 sau 11 lần nâng lãi suất kể từ tháng 3/2022 để kiềm chế lạm phát. Lạm phát Mỹ hiện đã chậm lại đáng kể so với đỉnh 40 năm hồi tháng 6/2022. Trong cuộc họp gần nhất vào cuối năm 2023, Fed phát đi tín hiệu có 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024 với tổng mức giảm là 75 điểm phần trăm.
Đồng USD quay đầu giảm là yếu tố đẩy vàng đi lên.
Bên cạnh đó, nguồn cung vàng hạn hẹp. Theo Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất quản lý thị trường vàng. NHNN đã không cho nhập vàng từ năm 2014.
Nguồn cung thấp dẫn tới chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới có lúc lên tới 20 triệu đồng/lượng, hiện mức chênh vẫn khoảng 15 triệu đồng/lượng.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ sửa Nghị định 24 để ổn định thị trường vàng nhưng gần đây giá vàng vẫn có xu hướng tăng trở lại, thậm chí ngược chiều với thế giới. Vàng miếng SJC hiện phổ biến ở mức 76,7 triệu đồng/lượng.
Mặt hàng kim loại quý cũng đang được hưởng lợi từ những bất ổn địa chính trị trên thế giới và mâu thuẫn giữa 2 cường quốc kinh tế Mỹ và Trung Quốc.
Vàng được dự báo sẽ tăng mạnh và lên mức cao chưa từng có trong năm 2024.
Ngay đầu năm mới, chiến lược gia hàng hóa cấp cao của Bloomberg Intelligence - Mike McGlone cho rằng, khi các điều kiện kinh tế vĩ mô tiếp tục xấu đi, giá vàng có thể sẽ đạt mức cao mới vào năm 2024 và thậm chí có khả năng đạt 3.000 USD (tương đương 89,5 triệu đồng/lượng).
Khi đó, nếu thêm khoản chênh khoảng 15 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC trong nước sẽ đạt gần 105 triệu đồng/lượng.
Các chuyên gia của Ngân hàng ANZ dự báo giá vàng sẽ lên 2.200 USD/ounce trong năm 2024. Còn quỹ WisdomTree dự báo mặt hàng kim loại quý sẽ chinh phục mốc 2.300 USD/ounce.