Giá vàng liên tục vượt đỉnh, Ngân hàng Nhà nước cần làm gì?

Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, NHNN sẽ tăng cung vàng bằng cách sản xuất thêm vàng miếng SJC nhằm giảm chênh lệch giá.

Tăng cường nhập khẩu vàng

Trong thời gian vừa qua, thị trường vàng trong nước và thế giới không ngừng diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước biến động mạnh, tăng nhanh, chênh lệch cao với giá quốc tế.

Tuần qua, giá vàng trong nước đã ghi nhận sự liên tục tăng chóng mặt. Ngay đầu tuần, giá vàng đã “bốc đầu” tăng khi giá vàng miếng SJC bán ra là 82,3 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn cũng tăng mạnh vượt mức 75 triệu đồng/lượng.

Đến ngày 9/4, vàng miếng SJC tiếp tục tăng lên mức 83,72 triệu đồng/lượng, tăng thêm 1,4 triệu đồng mỗi lượng. Ngày 10/4, nhà đầu tư tiếp tục chứng kiến giá vàng SJC leo lên hơn 1 triệu đồng mỗi lượng, lên mức 84,4 triệu đồng/lượng. Kết thúc phiên chiều 11/4, giá vàng trong nước vẫn ghi nhận neo ở vùng đỉnh với mức giá 84,4 triệu đồng/lượng.

Ngày 12/4, ngay sau khi NHNN thông tin về giải pháp bình ổn thị trường vàng, giá vàng SJC trong nước quay đầu giảm 500.000 đồng mỗi lượng, còn 84,5 triệu đồng/lượng. Theo đó, NHNN cho biết sẽ tăng cung ứng vàng miếng để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với thế giới.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Huỳnh Trung Khánh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam chỉ ra những nguyên nhân khiến giá vàng trong nước liên tục phá đỉnh trong thời gian qua. Theo đó, yếu tố đầu tiên tác động đến giá vàng trong nước là sự tăng giảm của giá vàng thế giới.

Hiện nay, tình hình địa chính trị căng thẳng, bất ổn về địa chính trị, kinh tế, giá vàng quốc tế tăng nhanh kéo theo giá vàng trong nước tăng, do thị trường trong nước khan hiếm nguồn cung, không có nguồn sản xuất vàng trong nước mà chủ yếu là nhập.

Thực ra, hiện tại nhu cầu vàng cũng có tăng nhưng không nhiều vì vàng đang trên giá đỉnh. Tuy nhiên, việc thiếu nguồn cung dẫn đến nhu cầu chỉ tăng nhẹ, đã ảnh hưởng mạnh đến giá.

Chính vì vậy, việc NHNN đưa ra giải pháp tăng cung vàng miếng để giảm chênh lệch giá vàng là phù hợp. Theo ông Khánh, như những năm trước, NHNN sẽ tăng cung vàng bằng cách cho nhập vàng nguyên liệu hoặc sản xuất thêm vàng miếng SJC.

Cần bỏ độc quyền vàng miếng SJC để cắt “cơn sốt” vàng

Dù vậy, ông Khánh cũng cho biết, trong suốt 12 năm qua, theo Nghị định 24, NHNN đã áp dụng biện pháp kiểm soát chặt chẽ độc quyền vàng miếng, độc quyền xuất nhập khẩu nhằm chấm dứt tình trạng thị trường vàng hóa.

Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, thị trường đã có những bước chuyển biến. Tình trạng vàng hóa hầu như không còn, chuyện độc quyền không còn có sức ảnh hưởng tích cực như trước, thay vào đó, nó tạo ra chênh lệch giữa giá vàng trong và ngoài nước.

Chính vì vậy, nên điều chỉnh lại Nghị định 24, bỏ độc quyền, cho thêm vài thương hiệu vàng miếng và nhập khẩu vàng nguyên liệu để tăng thêm nguồn cung vàng ra thị trường. Để cắt “cơn sốt” giá vàng, việc bỏ độc quyền sản xuất vàng và thương hiệu vàng miếng SJC là điều cần thiết.

Từ năm 2012, khi Nghị định 24 được ban hành, NHNN là đơn vị được giao tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) được chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia.

Ngoài độc quyền vàng miếng SJC, Nghị định 24 cũng không cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu, điều đó đã dẫn đến tình trạng thiếu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn phải dùng đến vàng SJC để sản xuất vàng trang sức, điều đó khiến cho giá vàng miếng SJC ngày càng leo thang.

Ông Huỳnh Trung Khánh nhấn mạnh, sau khi sửa đổi Nghị định 24, thị trường vàng sẽ phát triển minh bạch và bền vững hơn.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế nhận định, việc sửa đổi Nghị định 24 sẽ làm cho giá vàng Việt Nam gần hơn với giá vàng thế giới, đặc biệt là giá vàng miếng.

Tuy nhiên, về việc xóa bỏ cơ chế độc quyền vàng miếng SJC, ông Thịnh cho rằng, NHNN vẫn cần phải kiểm soát chặt chẽ về số lượng để tránh tình trạng đầu cơ. Song song với đó cũng cần đáp ứng nhu cầu chính đáng tích trữ của người dân.

Đồng thời, do vàng liên quan tới vấn đề dự trữ quốc gia và là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, chính vì vậy cần có sự kiểm soát kỹ càng từ phía các đơn vị quản lý, cơ quan chức năng.

“NHNN vẫn cần quản lý chặt chẽ thị trường vàng bởi nếu không kiểm soát việc sản xuất và nhập khẩu vàng nguyên liệu thì sẽ tăng khả năng vàng hóa nền kinh tế”, ông Thịnh nói.

Đưa ra dự báo về giá vàng trong nước thời gian tới, ông Thịnh cho biết, giá vàng Việt Nam sẽ rất khó đoán bởi nó đi theo giá vàng thế giới. Trong khi giá vàng thế giới hiện nay đang tăng theo tâm lý và kỳ vọng của nhà đầu tư.

Thời gian qua, Chính phủ đã liên tục có những văn bản chỉ đạo về vấn đề bình ổn thị trường vàng. Ngày 19/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu (NHNN) chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp ổn định thị trường vàng được giao tại công điện và chỉ thị của Thủ tướng và các công văn của Văn phòng Chính phủ.

NHNN không để chậm trễ hơn nữa, trong đó khẩn trương thực hiện ngay việc tổng kết thực hiện Nghị định số 24/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Sáng 12/4, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 160 ngày 11/4/2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 24 ngày 3/4/2012 của Chính phủ (Nghị định 24), trong đó theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới, trong nước và theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.

Thủ tướng yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác giám sát, quản lý, điều hành thị trường vàng.

Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ tác động, tổng kết đầy đủ việc thực hiện Nghị định 24 để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp, bảo đảm bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý thị trường vàng, phù hợp với tình hình thực tiễn, diễn biến kinh tế trong nước, khu vực, quốc tế.

Nguyễn Thị Thu Hương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/gia-vang-lien-tuc-vuot-dinh-ngan-hang-nha-nuoc-can-lam-gi-a658798.html