Giá vàng miếng 'bốc hơi' gần 2 triệu đồng/lượng trong hai ngày
Giá vàng thế giới sụt mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, kéo giá vàng miếng trong nước sáng nay (20/11) về ngưỡng 60 triệu đồng/lượng...
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 59,1 triệu đồng/lượng (mua vào) và 60,1 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm tương ứng 1 triệu đồng/lượng và 700.000 đồng/lượng so với sáng qua.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 52,9 triệu đồng/lượng và 53,6 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 58,9 triệu đồng/lượng và 60,1 triệu đồng/lượng.
Chỉ trong vòng hai ngày, giá vàng miếng đã giảm gần 2 triệu đồng/lượng, trượt sâu khỏi mức đỉnh 62 triệu đồng/lượng thiết lập hôm thứ Năm. Trước đó, giá vàng miếng đã tăng khoảng 4 triệu đồng/lượng trong vòng 1 tuần.
Những ngày gần đây, biến động của giá vàng trong nước mạnh hơn biến động giá vàng thế giới, cả khi giá tăng và giá giảm. Thận trọng với sự biến động này, các doanh nghiệp kim hoàn đang áp dụng mức chênh lệch lớn giữa giá mua vào và bán ra, với giá mua thấp hơn giá bán từ 1-1,2 triệu đồng/lượng.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 9,5 triệu đồng/lượng. Tuần này, có lúc chênh lệch giữa giá vàng miếng với giá quốc tế lên tới gần 11 triệu đồng/lượng.
Giá vàng giao ngay đóng cửa phiên giao dịch đêm qua tại New York với mức giảm 13,5 USD/oz, tương đương giảm hơn 0,7%, còn 1.846 USD/oz. Đây là mức giá thấp nhất của giá vàng thế giới trong vòng 1 tuần. Mức giá này tương đương 50,6 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.
Giá vàng chịu áp lực giảm từ đồng USD tăng giá sau khi thống đốc Christopher Waller của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kêu gọi đẩy nhanh tốc độ cắt giảm chương trình mua tài sản để mở đường cho việc thắt chặt chính sách tiền tệ.
Phát biểu cứng rắn này của ông Waller đẩy đồng USD tăng giá 0,5% so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt. Chỉ số Dollar Index chốt tuần ở mức 96,1 điểm, tăng gần 1% trong cả tuần.
“Giá vàng giảm vì một số thành viên cứng rắn trong Fed nói về việc đẩy nhanh tiến độ cắt giảm chương trình mua tài sản, khiến đồng USD tăng giá”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya thuộc Oanda nhận định. “Thời gian qua, lạm phát và sự mềm mỏng của Fed là chất xúc tác để vàng tăng giá. Lúc này, các nhà giao dịch muốn chờ xem điều gì sẽ xảy ra trong 2 tuần tới đây, để có một dự báo rõ ràng hơn về việc Fed sẽ làm gì với lãi suất”.
Diễn biến giá vàng thế giới 1 năm qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: TradingView.
Ông Waller nói Fed nên tăng tốc việc cắt giảm chương trình mua tài sản 120 tỷ USD mỗi tháng, để mở đường cho việc nâng lãi suất trở lại. Fed đã bắt đầu cắt giảm chương trình này từ tháng 11, với mức cắt giảm 15 tỷ USD mỗi tháng, dự kiến kết thúc chương trình từ giữa năm 2022. Lãi suất cơ bản đồng USD hiện ở khoảng 0-0,25%.
Giá vàng có độ nhạy cảm rất cao với lãi suất của Mỹ và tỷ giá đồng USD, vì vàng vừa là một tài sản không mang lãi suất vừa được định giá bằng USD. Lãi suất của Mỹ và tỷ giá USD tăng thường gây áp lực giảm lên giá vàng và ngược lại.
Theo nhà phân tích Ole Hansen của Saxo Bank, việc các nước châu Âu phải phong tỏa trở lại để chống làn sóng Covid mới có thể tạo ra một cú huých cho giá vàng. Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh phiên ngày thứ Sáu, sau khi có tin Áo trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên phong tỏa toàn quốc trở lại để chống Covid.
“Ngoài ra, lạm phát tăng nóng ở Mỹ cũng tiếp tục hỗ trợ cho giá vàng, chống lại sức ép từ đồng USD mạnh lên”, ông Hansen nói thêm.