Giá vàng miếng SJC tiếp tục neo cao

Giá vàng miếng SJC đang ở vùng đỉnh kể từ khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng loạt biện pháp mới ổn định thị trường vàng.

Ngày 22-8, giá bán vàng miếng SJC tiếp tục được Công ty vàng SJC và các ngân hàng thương mại giữ nguyên ở mức 81 triệu đồng/lượng.

Ở chiều ngược lại, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp mua vào 79 triệu đồng/lượng.

Đây là mức giá cao nhất trong gần 3 tháng qua của vàng miếng SJC, kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước chuyển sang phương án bán vàng trực tiếp cho công ty SJC và 4 ngân hàng thương mại để các đơn vị này bán lẻ lại cho người dân.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn và vàng trang sức 24K các loại được giao dịch quanh 77,1 triệu đồng/lượng mua vào, 78,4 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 50.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua.

Giá vàng miếng SJC đang ở vùng đỉnh cao nhất trong gần 3 tháng qua, thu hẹp cách biệt với giá thế giới

Giá vàng miếng SJC đang ở vùng đỉnh cao nhất trong gần 3 tháng qua, thu hẹp cách biệt với giá thế giới

Giá vàng trong nước biến động trong vùng hẹp trong bối cảnh giá vàng thế giới duy trì ở mức cao, trên 2.500 USD/ounce. Lúc 9 giờ 30, theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới được giao dịch ở mức 2.501 USD/ounce, giảm 10 USD mỗi ounce so với phiên trước.

Liên quan đến chính sách ổn định thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước sau gần 3 tháng, nhiều chuyên gia nhận định chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã thu hẹp như mục tiêu ban đầu. Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết khoảng 75,7 triệu đồng, thấp hơn giá vàng miếng SJC hơn 5 triệu đồng. Mức chênh lệch này rút ngắn rất nhiều so với mức kỷ lục 18-20 triệu đồng những tháng đầu năm.

TS Bùi Duy Tùng, giảng viên Kinh tế Đại học RMIT, nhận định bằng việc giữ giá vàng miếng SJC ổn định, Ngân hàng Nhà nước đã giúp tâm lý của người tiêu dùng và nhà đầu tư trong nước không bị lung lay, tránh được tình trạng đổ xô mua vàng dẫn đến các cơn sốt vàng không kiểm soát. Từ đó, giảm áp lực lên thị trường vàng và tránh các hệ lụy tiêu cực về kinh tế.

Dù vậy, chính sách bình ổn giá vàng vẫn tồn tại một số nhược điểm. TS Bùi Duy Tùng phân tích mạng lưới giao dịch vàng bị thu hẹp, quá trình mua bán vàng trở nên phức tạp và thị trường thiếu sự cân bằng cung cầu. Đặc biệt, giao dịch vàng giảm mạnh. Tuy nhiên, duy trì các biện pháp quản lý hành chính quá lâu có thể dẫn đến các vấn đề tiêu cực như hình thành thị trường chợ đen, xuất hiện vàng giả, vàng nhái và lừa đảo trong mua bán vàng…

"Chính sách bình ổn giá vàng miếng đã tạo ra hiện tượng "bóp chỗ này, lồi chỗ kia" khiến giá vàng nhẫn tăng mạnh. Khi giá vàng miếng bị kìm giữ ở mức thấp so với giá vàng nhẫn, có thể khuyến khích hành vi đầu cơ hoặc chuyển dịch dòng tiền không mong muốn, gây ra sự bất ổn dài hạn cho thị trường" - TS Tùng nêu quan điểm.

Báo Người Lao Động cũng nhiều lần ghi nhận ý kiến của các chuyên gia kinh tế, đề xuất về lâu dài, cần sớm sửa đổi Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng theo hướng xóa bỏ độc quyền vàng miếng, độc quyền thương hiệu vàng SJC. Đồng thời, xem xét cho nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ bởi đây cũng là ngành nghề kinh doanh. Cần có giải pháp đưa giá vàng trong nước liên thông với giá thế giới…

Thái Phương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/gia-vang-mieng-sjc-tiep-tuc-neo-cao-196240822095658152.htm