Giá vàng ngày 14/3: Tăng trở lại sau phiên rơi 'thẳng đứng', vàng SJC quay lại mốc 81 triệu đồng/lượng
Giá vàng thế giới hôm nay (14/3) phục hồi sau phiên giảm mạnh ngày hôm trước dữ liệu khi lạm phát tại Mỹ tăng, giao dịch ở mức 2,175 USD/ounce. Trong nước, giá vàng miếng SJC cũng tăng trở lại sau khi 'lao dốc không phanh' về mức hơn 80 triệu đồng/lượng hôm qua, hiện giao dịch quanh 81 triệu đồng/lượng.
Hôm qua, giá vàng trong nước đã chứng kiến phiên sụt giảm mạnh sau chuỗi ngày tăng “phi mã”. Chốt phiên giao dịch ngày 13/3, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 78,2-80,72 triệu đồng/lượng, giảm 2,3 triệu đồng/lượng chiều mua vào và giảm 1,8 triệu đồng/lượng chiều bán ra so chốt phiên trước.
Trước sức “nóng” của giá vàng, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên thận trọng bỏ tiền vào vàng thời điểm này vì rất khó để dự báo được mức tăng của kim loại quý do giá biến động nhanh chóng và “khó lường”. Hơn nữa, trong bối cảnh Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng sắp sửa đổi, giá vàng trong nước có thể sẽ “hạ nhiệt” nếu được tăng nguồn cung.
Tính đến 9 giờ sáng 14/3, giá vàng DOJI tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh niêm yết ở mức 78,9 triệu đồng/lượng mua vào và 80,9 triệu đồng/lượng bán ra, tăng lần lượt 900.000 đồng và 400.000 đồng/lượng so kết phiên hôm qua. Chênh lệch mua vào-bán ra ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC niêm yết mua vào-bán ra ở mức 79-81,02 triệu đồng/lượng, tăng lần lượt 800.000 đồng và 300.000 đồng/lượng so kết phiên trước đó. Chênh lệch mua vào-bán ra hơn 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn SJC 9999 hiện giao dịch mua vào 67,4 triệu đồng/lượng, bán ra 68,7 triệu đồng/lượng.
Vàng PNJ mua vào ở mức 67,6 triệu đồng/lượng và bán ra mức 68,9 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng so kết phiên hôm trước.
Tính đến 8 giờ 30 phút sáng 14/3 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới tăng 18 USD so kết phiên trước đó, hiện ở mức 2.175,07 USD/ounce. Giá vàng thế giới sáng nay đã phục hồi trong phiên giảm mạnh hôm qua.
Nhà phân tích thị trường tài chính tại StoneX Group Fawad Razaqzada cho biết, đợt giảm giá của vàng sau báo cáo CPI “nóng” ngày hôm qua có thể sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn vì xu hướng tăng vẫn được duy trì và các nhà giao dịch dường như mong muốn coi các đợt thoái lui là cơ hội mua vào.
Cụ thể, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ bất ngờ tăng trong tháng 2/2024, một diễn biến có thể khiến các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải tiếp tục cân nhắc thời điểm bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Bộ Lao động Mỹ cho biết, Chỉ số CPI tháng 2/2024 tăng 0,4% so tháng trước đó và tăng 3,2% so cùng kỳ năm ngoái. Các chỉ số này đều cao hơn dự báo của giới phân tích. Trong khi Chỉ số CPI cốt lõi (lạm phát cơ bản), không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng biến động, trong tháng 2 đã tăng 3,8% so cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so mức dự báo 3,7%.
Theo công cụ theo dõi lãi suất FedWatch của CME, các thị trường hiện đang dự đoán rằng có 65% khả năng FED sẽ bắt đầu đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 6.
Sáng nay, Chỉ số USD-Index ở mức 102,76 điểm; lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục giảm xuống 4,190%; chứng khoán Mỹ biến động trái chiều trong bối cảnh nhà đầu tư chờ đợi thêm dữ liệu kinh tế; giá dầu tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng do dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm, giao dịch quanh mức 84,18 USD/thùng đối với dầu Brent và 79,83 USD/thùng đối với dầu WTI.