Giá vàng nhẫn tăng mạnh lên mốc 57 triệu đồng/lượng

Giá vàng thế giới hôm nay (14/7) duy trì đà tăng tích cực khi đồng USD tiếp tục lao dốc xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022. Cùng chiều, giá vàng trong nước có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là vàng nhẫn lên mốc 57 triệu đồng/lượng, với mức chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra trong khoảng 1-1,65 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, khoảng 6 giờ 30 phút ngày 14/7 (giờ Việt Nam), theo Kitco, giá vàng giao ngay ở mức 1.960,51 USD/ounce, tăng 2,70 USD/ounce (+0,14%). Vàng tương lai tháng 8 giao dịch lần cuối ở mức 1.963,8 USD/ounce, tăng 1,8 USD.

Giá vàng trong nước có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là mặt hàng vàng nhẫn.

Giá vàng trong nước có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là mặt hàng vàng nhẫn.

Giá vàng thế giới duy trì đà tăng tích cực khi đồng USD tiếp tục lao dốc xuống mốc 99,76 - mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022, do lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt, thúc đẩy kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay, khiến đồng bạc xanh rớt giá so với các loại tiền tệ khác.

Dữ liệu mới được công bố hôm 13/7 đã củng cố quan điểm rằng lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt, với Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ tăng nhẹ 0,1% trong tháng 6, trong khi mức tăng hàng năm cũng là 0,1%. Đây là mức tăng hàng năm nhỏ nhất trong gần ba năm.

Trước đó, hôm 12-7, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được công bố cho thấy lạm phát tại Mỹ đã chậm lại hơn rất nhiều so với dự kiến, với mức 0,2% trong tháng 6, thấp hơn so với dự đoán của thị trường là 0,3%, trong khi CPI hàng năm giảm xuống 3%.

Giới phân tích nhận định, vàng đang hoạt động trong môi trường thuận lợi. Bên cạnh áp lực lãi suất giảm, nhu cầu từ các ngân hàng trung ương và xu hướng phi đô la hóa đang diễn ra trên toàn cầu. Mới đây, chính phủ Nga đã xác nhận, Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, còn được gọi là các quốc gia BRICS, sẽ giới thiệu một loại tiền tệ giao dịch mới được hỗ trợ bởi vàng. Thông báo chính thức dự kiến sẽ được đưa ra trong Hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 8 tại Nam Phi.

Kể từ giữa năm 2022, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã mua vàng với tốc độ lịch sử, một phần để đa dạng hóa nguồn dự trữ của họ, đồng thời nỗ lực rời khỏi đồng USD. Mặc dù bước đi của BRICS được cho là sẽ hỗ trợ đáng kể cho vàng, nhưng một số nhà phân tích cho rằng, sẽ còn phải mất một khoảng thời gian dài để thị trường cảm nhận được tác động của nó.

Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), vàng có thể sẽ được hỗ trợ trong nửa cuối năm trong bối cảnh USD suy yếu và lợi suất trái phiếu ổn định. Một cuộc suy thoái sâu sẽ thúc đẩy giá trị của vàng, nhưng một cuộc "hạ cánh mềm" có thể khiến kim loại quý gặp thách thức.

Tại thị trường trong nước, giá vàng nhẫn tăng mạnh, lên mốc 57 triệu đồng/lượng với mức chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra trong khoảng 1-1,65 triệu đồng/lượng. Sau 6 phiên tăng liên tiếp, giá vàng nhẫn ghi nhận tổng mức tăng 900 nghìn đồng/lượng ở cả 2 chiều.

Tương tự, giá vàng miếng cũng tiếp tục đi lên với mức tăng trong khoảng 70.000 - 150.000 đồng/lượng tại các hệ thống cửa hàng kinh doanh trên toàn quốc. Chênh lệch giá bán vàng vẫn duy trì ở mức 600.000 đồng/lượng.

Hiện giá vàng miếng SJC tại một số hệ thống kinh doanh được niêm yết như sau: Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết ở mức 66,75 – 67,37 triệu đồng/lượng; Tập đoàn Doji niêm yết tại 66,70– 67,35 triệu đồng/lượng; Hệ thống PNJ niêm yết tại 66,70 – 67,20 triệu đồng/lượng; giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại 66,77 – 67,33 triệu đồng/lượng.

Như vậy, quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (chưa thuế, phí), giá vàng thế giới tương đương gần 56,3 triệu đồng/lượng, chênh lệch với giá vàng trong nước gần 11 triệu đồng/lượng.

Châu Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/gia-vang-nhan-tang-manh-len-moc-57-trieu-dong-luong-1093889.html