Giá vàng nhẫn tăng vọt lên mức cao nhất lịch sử 92,83 triệu đồng/lượng
Giá vàng thế giới tiếp tục đà tăng kỷ lục, đẩy giá vàng nhẫn trong nước sáng 11/2 tăng mạnh vượt cả vàng miếng, lên mức 92,83 triệu đồng/lượng.
![Người dân mua vàng tại cửa hàng Phú Quý. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_324_51445390/e1d08ee8baa653f80ab7.jpg)
Người dân mua vàng tại cửa hàng Phú Quý. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN
Tại thời điểm 9 giờ 00 phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC, nêm yết giá vàng nhẫn ở mức 88,8 - 92,83 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 800 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 2,13 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tương tự, giá vàng miếng cũng tăng mạnh. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá bán vàng miếng SJC ở mức 89,8 - 92,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1,5 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 89,8 - 92,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1,5 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Trên thị trường thế giới giá vàng tiếp tục đà tăng kỷ lục trong phiên giao dịch ngày 10/2, lần đầu tiên vượt mốc quan trọng 2.900 USD/ounce.
Động lực chính cho đà tăng này là nhu cầu trú ẩn an toàn, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra các cảnh báo áp thuế mới, làm gia tăng lo ngại về nguy cơ chiến tranh thương mại và lạm phát.
Cụ thể, cuối phiên này, giá vàng giao ngay tăng 1,6%, lên 2.905,24 USD/ounce vào lúc 18 giờ 45 phút GMT (1 giờ 45 phút ngày 11/2 giờ Việt Nam), sau khi chạm mức cao kỷ lục 2.911,30 USD/ounce trong phiên. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ chốt phiên tăng hơn 1% lên 2.934,40 USD/ounce.
Hôm 9/2, ông Trump tuyên bố sẽ áp thêm thuế 25% đối với tất cả các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu. Ông cũng cho biết sẽ công bố thuế quan "có đi có lại" trong tuần này, áp dụng ngay lập tức và tương ứng với mức thuế mà những nước khác đang áp dụng lên hàng hóa Mỹ.
Việc tăng thuế có thể làm trầm trọng thêm tình hình lạm phát tại Mỹ. Giới đầu tư hiện đang chờ đợi dữ liệu Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) và Chỉ số Giá sản xuất (PPI) của Mỹ, dự kiến công bố trong tuần này.
Ông Edward Meir cho rằng, nếu số liệu CPI và PPI thấp hơn kỳ vọng, đồng USD có thể chịu áp lực, đẩy giá vàng lên cao hơn. Ngược lại, nếu số liệu vượt dự báo, lợi suất trái phiếu Mỹ có thể tăng, gây áp lực lên giá vàng, dù mức ảnh hưởng có thể không quá lớn do thị trường vẫn có lực mua mạnh trong các nhịp điều chỉnh.
Ngoài ra, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell dự kiến sẽ có phiên điều trần trước Quốc hội vào ngày 11 và 12/2.
Tính từ đầu năm 2025 tới nay, giá vàng đã liên tục lập mức cao kỷ lục mới chủ yếu do lo ngại về các chính sách thuế của ông Trump. Những yếu tố như tăng trưởng toàn cầu suy yếu, nguy cơ chiến tranh thương mại và lạm phát cao đã thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến vàng như một tài sản trú ẩn an toàn.
Theo ông Phillip Streible, chiến lược gia trưởng tại công ty giao dịch hàng hóa kỳ hạn Blue Line Futures, đà tăng liên tục của vàng kể từ tháng 12/2024 có thể tạo ra hiệu ứng "tự củng cố", đẩy giá lên các mức cao hơn. Ông dự báo giá vàng có thể đạt 3.250 – 3.500 USD/ounce trong thời gian tới.