Giá vàng rơi khỏi mốc 3.000 USD/ounce, áp lực ngắn hạn gia tăng

Sau khi lập đỉnh lịch sử, giá vàng thế giới quay đầu giảm sâu, rơi khỏi mốc 3.000 USD/ounce từ áp lực chốt lời của nhà đầu tư.

Vàng “bốc hơi” hơn 50 USD chỉ trong một phiên. Ảnh minh họa

Vàng “bốc hơi” hơn 50 USD chỉ trong một phiên. Ảnh minh họa

Mở đầu phiên giao dịch ngày 7/4, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế bất ngờ lao dốc mạnh, có lúc “bốc hơi” hơn 50 USD/ounce, rơi xuống mức 2.976 USD/ounce - đánh mất ngưỡng 3.000 USD kể từ giữa tháng 3/2025.

Diễn biến của giá vàng trong tuần qua chủ yếu xuất phát từ áp lực chốt lời sau khi vàng lập đỉnh lịch sử 3.169 USD/ounce vào ngày 2/4, thời điểm trùng khớp với việc Mỹ công bố chính sách áp thuế đối ứng toàn diện với hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác thương mại.

Theo đánh giá từ Kitco News, trong bối cảnh thị trường toàn cầu đảo chiều mạnh sau quyết định thuế mới của Mỹ, nhiều nhà đầu tư buộc phải bán ra các tài sản có tính thanh khoản cao như vàng để cân đối danh mục.

Đà giảm hiện tại của giá vàng dường như không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia. Theo khảo sát mới nhất của Kitco News, phần lớn các nhà phân tích Phố Wall cho rằng kim loại quý sẽ còn tiếp tục chịu áp lực trong ngắn hạn.

Cụ thể, chỉ 5 chuyên gia (31%) dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần này, trong khi 8 người (50%) cho rằng đà giảm sẽ tiếp tục. Ba chuyên gia còn lại (19%) nhận định giá sẽ đi ngang, dao động quanh vùng thấp hiện tại.

Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư cá nhân vẫn giữ niềm tin vào kim loại quý. Trong tổng số 273 người tham gia khảo sát trực tuyến của Kitco, có tới 167 người (61%) cho rằng giá vàng sẽ tăng, 70 người (26%) dự báo sẽ giảm và 36 người (13%) kỳ vọng thị trường đi ngang trong tuần.

Dù biến động ngắn hạn, triển vọng trung hạn của vàng vẫn được đánh giá tích cực do căng thẳng địa chính trị dai dẳng và lo ngại lạm phát chưa hạ nhiệt. Trong báo cáo mới đây, HSBC đã điều chỉnh tăng mạnh dự báo giá vàng trung bình cho hai năm tới. Cụ thể, mức dự báo cho năm 2025 được nâng lên 3.015 USD/ounce, còn năm 2026 là 2.915 USD/ounce - cao hơn đáng kể so với các ước tính trước đó là 2.687 USD và 2.615 USD/ounce.

HSBC nhận định các ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ tiếp tục xu hướng tích trữ vàng, dù tốc độ có thể chậm lại so với giai đoạn 2022 - 2024. Ngân hàng này cũng lưu ý rằng nếu giá vàng giữ vững trên ngưỡng 3.000 USD/ounce, lực cầu có thể suy yếu tạm thời, trong khi mốc quanh 2.800 USD có thể là điểm hấp dẫn cho các hoạt động gom hàng trở lại.

Tại thị trường trong nước, trong kỳ nghỉ lễ, thị trường vàng giữ xu hướng ổn định, bất chấp biến động từ quốc tế. Cụ thể, giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn vẫn đang phổ biến ở mức 97,1 triệu đồng/lượng (mua vào) và 100,1 triệu đồng/lượng (bán ra), đi ngang so với cuối tuần trước.

Quy đổi theo tỷ giá, giá vàng thế giới rơi vào khoảng 93,2 triệu đồng/lượng chưa gồm thuế, phí. Thấp hơn giá vàng trong nước khoảng gần 7 triệu đồng/lượng.

Thu Trang

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/gia-vang-roi-khoi-moc-3000-usdounce-ap-luc-ngan-han-gia-tang-40125.html