Nhóm cổ phiếu Magnificent Seven tiếp tục lao dốc, vốn hóa mất 2.000 tỉ USD, Apple gần ở mức thấp nhất 1 năm
Nhóm cổ phiếu Magnificent Seven lao dốc trong phiên giao dịch hôm 7.4, tiếp tục chuỗi ngày bị bán tháo, làm bốc hơi khoảng 2.000 tỉ USD giá trị vốn hóa thị trường của nhóm này khi các nhà đầu tư lo ngại về hậu quả tài chính từ cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Magnificent Seven là một biệt danh được giới tài chính đặt cho 7 hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ, đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán Mỹ, đặc biệt là chỉ số S&P 500 và Nasdaq những năm gần đây.
Tùy theo thời điểm, danh sách này có thể thay đổi một chút, nhưng thông thường Magnificent Seven gồm: Apple, Microsoft, Alphabet, Amazon, Nvidia, Meta Platforms và Tesla.
Vì sao gọi là Magnificent Seven?
Cụm từ này được lấy cảm hứng từ bộ phim cao bồi kinh điển The Magnificent Seven (1960), với hình ảnh 7 tay súng giỏi nhất hợp lực để giải cứu một ngôi làng.
Trong ngữ cảnh tài chính, nó mô tả 7 cổ phiếu công nghệ hùng mạnh nhất, dẫn dắt thị trường, có ảnh hưởng lớn đến các chỉ số chứng khoán nhờ vào vốn hóa khổng lồ và tăng trưởng ấn tượng.
Tuy nhiên, khi thị trường điều chỉnh hoặc có biến động (như chiến tranh thương mại, lãi suất tăng, hay khủng hoảng chuỗi cung ứng), nhóm này cũng có thể lao dốc mạnh do ảnh hưởng lan rộng từ tâm lý thị trường và mức định giá cao.
Đợt giảm lần này diễn ra sau khi Dan Ives, nhà phân tích công nghệ nổi tiếng lạc quan ở Phố Wall, hạ giá mục tiêu với cổ phiếu Apple và Tesla, đồng thời cảnh báo về một “ngày tận thế kinh tế do thuế quan” có thể xảy ra.
Động thái trên đến ngay sau khi ông Trump hôm 2.4 công bố áp thuế đối ứng với hầu hết quốc gia trên thế giới, kêu gọi nhà đầu tư chịu đựng hậu quả và loại trừ khả năng đàm phán thương mại với Trung Quốc trong thời điểm hiện tại.
Cổ phiếu Tesla giảm mạnh 7%, xuống còn 223 USD, dẫn đầu mức giảm trong nhóm Magnificent Seven (gồm các cổ phiếu công nghệ từng dẫn dắt đà tăng của Phố Wall trong nhiều năm nhưng gần đây lại liên tục gặp khó khăn). Tính từ đỉnh cao cuối năm 2024, nhóm Magnificent Seven đã mất hơn 6.000 tỉ USD vốn hóa thị trường.
Cổ phiếu Apple, Alphabet và Microsoft đang giao dịch gần mức thấp nhất trong một năm, với Apple giảm 4,8% còn 179,58 USD. Cổ phiếu các thành viên còn lại của nhóm Magnificent Seven cũng giảm từ 1,5% đến 4,8%.

Vốn hóa thị trường của Apple hiện chỉ còn 2.730 tỉ USD - Ảnh: Reuters
Nhóm này chiếm một phần lớn trong hơn 5.000 tỉ USD giá trị mà chỉ số S&P 500 đã mất trong hai phiên giao dịch gần nhất.
S&P 500 là một chỉ số chứng khoán quan trọng của Mỹ, đại diện cho 500 công ty đại chúng lớn nhất đang niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ như NYSE (Sở giao dịch chứng khoán New York) và Nasdaq.
Nó được xem là chỉ số đại diện tốt nhất cho toàn bộ nền kinh tế Mỹ vì bao gồm các công ty thuộc nhiều ngành nghề khác nhau như công nghệ, tài chính, y tế, năng lượng, tiêu dùng,...
Khi nói thị trường tăng hay giảm, họ thường đang nói đến chỉ số S&P 500 vì nó phản ánh khá chính xác sức khỏe của thị trường chứng khoán Mỹ nói chung.
Theo nhà phân tích Dan Ives của hãng Wedbush, Apple chịu ảnh hưởng lớn nhất từ thuế quan của Mỹ với hàng hóa Trung Quốc vì hầu hết iPhone đều được lắp ráp tại quốc gia châu Á này.
Ông cũng nhận định cuộc chiến thương mại sẽ càng làm trầm trọng thêm những thách thức của Tesla, khi hãng ô tô điện này đang phải đối mặt cuộc khủng hoảng thương hiệu do Giám đốc điều hành Elon Musk ủng hộ Tổng thống Trump và các chính trị gia cực hữu tại châu Âu.
Lời cảnh báo này phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng rằng thuế quan có thể làm giảm lợi nhuận biên và gián đoạn chuỗi cung ứng trong bối cảnh nhiều hãng công nghệ đang bị giám sát chặt chẽ vì chi tiêu mạnh cho trí tuệ nhân tạo (AI).
Dan Ives đã cắt giảm giá mục tiêu cổ phiếu Tesla từ 550 USD (một trong những mức cao nhất trước đó tại Phố Wall) xuống còn 315 USD. Dù vậy, mức giá mục tiêu mới của cổ phiếu Tesla vẫn cao hơn gần 100 USD so với giá giao dịch hiện tại.
Với Apple, Dan Ives đã cắt giảm mục tiêu giá thêm 75 USD xuống còn 250 USD, gọi thuế quan là “thảm họa hoàn toàn” với gã khổng lồ công nghệ Mỹ. Apple có thể sẽ phải tăng giá iPhone tại Mỹ để bảo vệ biên lợi nhuận cao của mình.
Apple từng được Mỹ miễn trừ thuế quan với hàng hóa từ Trung Quốc trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Trump, nhưng các nhà phân tích không chắc liệu công ty có thể được miễn lần nữa, dù công bố kế hoạch đầu tư 500 tỉ USD vào Mỹ trong bốn năm tới.
Nhiều năm qua, Apple luôn giữ mức giá khởi điểm cho mẫu iPhone Pro ở mức 1.000 USD. “Theo quan điểm của chúng tôi, ý tưởng sản xuất iPhone tại Mỹ là không khả thi ở mức giá 1.000 USD. Giá bán sẽ tăng đến mức khó tưởng tượng được”, Dan Ives viết trong một ghi chú.
Về Tesla - công ty có thể phải đối mặt với năm sụt giảm doanh số nữa sau báo cáo quý đầu tiên ảm đạm, Dan Ives cho biết căng thẳng thương mại có thể khiến người tiêu dùng Trung Quốc chuyển sang mua ô tô điện của các đối thủ trong nước.
“Phản ứng tiêu cực từ phía người dân Trung Quốc với chính sách thuế quan của ông Trump và mối liên hệ của Elon Musk sẽ gây ảnh hưởng lớn. Điều này sẽ thúc đẩy người tiêu dùng Trung Quốc chuyển sang các hãng nội địa như BYD”, ông viết trong một ghi chú khác. BYD là hãng ô tô điện số 1 Trung Quốc.
Các nhà phân tích của ngân hàng Jefferies (Mỹ) cũng hạ dự báo với 29 hãng công nghệ, gồm cả Meta Platforms, Microsoft, Google và Amazon. Họ hạ mục tiêu giá cổ phiếu Meta Platforms (công ty mẹ Facebook, Instagram) lần thứ hai trong vòng 10 ngày, từ 725 USD xuống còn 600 USD, giảm 17%. Cổ phiếu Meta Platforms đang ở mức 504 USD, giảm 10% trong 5 ngày gần đây.
Các nhà phân tích của Jefferies hạ dự báo lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu của Meta Platforms năm 2025 đến 13%.
Mục tiêu giá là ước tính giá trị cổ phiếu mà nhà phân tích cho rằng hợp lý. Còn lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) là chỉ số quan trọng để đánh giá khả năng sinh lời và sức khỏe tài chính của một công ty.
Các nhà phân tích của Jefferies hạ mục tiêu giá cổ phiếu Microsoft 5%, từ 500 USD xuống còn 475 USD. Cổ phiếu Microsoft đang ở mức 360 USD, giảm 3,5% trong 5 ngày gần đây.
Các nhà phân tích thuộc Jefferies đã hạ ước tính EPS năm 2025 cho Google và Amazon lần lượt là 2% và 1%, nhưng không thay đổi mục tiêu giá cổ phiếu hai gã khổng lồ công nghệ Mỹ này.
Song trong một lưu ý hôm 6.4, các nhà phân tích của Jefferies cho biết thuế quan và những bất ổn kinh tế vĩ mô liên quan giống như "giấy phép tạm nghỉ miễn phí" để các công ty điều chỉnh lại dự báo theo hướng thận trọng hơn.
"Ước tính thấp hơn nhưng dễ đạt được hơn thường giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư và cuối cùng dẫn đến hiệu suất cổ phiếu tốt hơn", họ cho hay.