Giá vàng SJC lao dốc, nhiều người may mắn vì không mua được vàng
Giá vàng miếng SJC liên tục lao dốc khiến những người đang có các khoản nợ bằng vàng mừng như… bắt được vàng. Nhiều người cảm thấy may mắn vì đã không mua được vàng trong những phiên đầu các ngân hàng mở bán.
May mắn vì... chưa mua được vàng
Giá vàng miếng SJC nhanh chóng hạ nhiệt sau khi 4 ngân hàng thương mại nhà nước là Agribank, Vietcombank, VietinBank, và BIDV bán vàng miếng trực tiếp tới người dân từ ngày 3/6.
Giá vàng miếng SJC được các ngân hàng này niêm yết trong phiên cuối tuần (7/6) là 76,98 triệu đồng/lượng, kéo theo sự giảm giá của vàng trên thị trường.
Sau một tuần các nhà băng mở bán vàng miếng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm bình ổn thị trường vàng, giá vàng miếng SJC trong nước đã giảm hơn 6 triệu đồng/lượng.
Tính từ vùng giá lịch sử 92,4 triệu đồng, mỗi lượng vàng miếng bán ra đã “bốc hơi” 15,42 triệu đồng (16,68%), qua đó thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới chỉ còn hơn 4 triệu đồng mỗi lượng.
Với mức giảm nhanh về giá như trên, những người đã lỡ “đu đỉnh” hẳn đang cảm thấy tiếc nuối vì đã bị cuốn theo tâm lý FOMO (sợ bị bỏ lỡ).
Trong khi đó, hàng trăm người xếp hàng tại các ngân hàng trong những ngày đầu mở bán nhưng đã không được mua với số lượng lớn như đăng ký cũng đang cảm thấy may mắn bởi càng mua sớm càng lỗ.
Giá vàng xuống là cơ hội để nhiều người có các khoản vay nợ bằng vàng tranh thủ mua vào để trả nợ, những món nợ mà trước đó họ từng đứng ngồi không yên khi giá liên tục nhảy múa.
Thực tế, người nào càng vội vã đi mua lúc giá vàng cao chót vót lại càng bị thiệt, nhất là khi chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới lên đến 18-19 triệu đồng/lượng và cơ quan chức năng cũng như các chuyên gia đã đưa ra những cảnh báo rủi ro khi giá thế giới còn nhiều biến động.
Có mặt tại trụ sở Ngân hàng Agribank số 2 Láng Hạ (Hà Nội) vào chiều 3/6, ông Vũ Minh Đức (78 tuổi, trú tại phường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội) cùng vợ đăng ký mua 8 lượng vàng miếng SJC mà theo lời ông là “vừa để trả nợ, vừa để dưỡng già”.
Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên bán vàng miếng, nhân viên Agribank đã thuyết phục những khách hàng như vợ chồng ông Đức chỉ mua tối đa 2 lượng để đảm bảo ai cũng có thể được mua và sẽ quay lại mua thêm trong những ngày tới. Như vậy, mục tiêu của vợ chồng ông đã không thành nhưng đến giờ này hẳn ông đã cảm thấy may mắn khi không được mua hết số vàng như dự định.
Cũng tại Agribank vào chiều 3/6, bà Đào Thị Mai (62 tuổi, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) đã rất buồn khi không được mua đủ 4 lượng vàng như mong muốn.
“Cô thấy giá vàng giảm nên muốn mua 4 lượng để trả nợ. Hay là cháu cứ bán cho cô 3 lượng thôi cũng được, còn 1 lượng để ngày mai cô quay lại mua tiếp có được không? Chứ cô đã hẹn trả nợ cho người ta rồi mà bây giờ không có đủ 4 lượng thì mất uy tín”, bà Mai nói với nhân viên trực quầy của Agribank. Nhưng sau khi được thuyết phục, bà đành chấp nhận chỉ mua đúng 2 lượng.
Những người như ông Đức, bà Mai đã không mua được số lượng vàng như mong muốn trong ngày đầu ngân hàng bán vàng nhưng rõ ràng họ vẫn là những người "may mắn".
Điều đáng nói là, không ít người dân hàng ngày đến xem bảng giá vàng ngân hàng, nghe ngóng thăm dò, thấy giá giảm nên cân nhắc không mua.
“Rất nhiều người kỳ vọng giá vàng sẽ tiếp tục giảm trong những ngày tới nên sau khi đến để khảo sát, nắm bắt tình hình thì họ đã ra về”, Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng nói.
Anh Nguyễn Hải Đăng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: “Tôi thấy xu hướng giá vàng đang giảm dần, có lẽ chỉ ít ngày nữa khoảng cách chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới sẽ tiếp tục co hẹp. Dần dần giá trong nước sẽ lên xuống theo giá thế giới. Bây giờ nguồn cung cũng khá dồi dào, giao dịch thuận tiện nên tôi sẽ lựa chọn thời điểm phù hợp hơn để mua”.
Mở thêm điểm bán vàng đáp ứng nhu cầu thị trường
Giá vàng trong nước phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung của NHNN, bởi hiện tại NHNN vẫn là cơ quan độc quyền nhập khẩu vàng. Nguồn cung này khá mạnh, lượng vàng nhập khẩu đáp ứng nhu cầu của nội địa chỉ khoảng 20 - 30 tấn/năm, theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới, tương đương khoảng 2,5-3 tỷ USD. Đây là một khối lượng rất nhỏ so với kim ngạch nhập khẩu hiện tại của Việt Nam xấp xỉ 200 tỷ USD và so với dự trữ ngoại tệ của NHNN là 100 tỷ USD.
Trước tình trạng đang lan truyền thông tin thất thiệt về việc NHNN thiếu vàng để bán, gần đây tại nhiều điểm bán vàng, có đối tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế.
Thực tế, để đáp ứng nhu cầu của người dân, từ ngày 7/6, Ngân hàng Vietcombank đã mở thêm 4 điểm bán vàng miếng SJC trực tiếp cho người dân, nâng tổng số điểm bán vàng miếng SJC của ngân hàng này lên 10 điểm trên địa bàn TP.Hà Nội và TP.HCM.
Vietcombank cũng lưu ý khách hàng, việc thu hẹp chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá quốc tế dẫn tới giá bán vàng của các ngân hàng thương mại nhà nước và SJC có thể còn giảm trong thời gian tới. Vì vậy, người dân cần rất thận trọng khi mua vàng trong bối cảnh giá vàng thế giới đầy biến động như hiện nay.
Từ đầu tuần này (11/6) Ngân hàng Agribank mở thêm một số điểm bán vàng miếng cho người dân, sau khi đã tăng thêm số quầy giao dịch tại các điểm bán hiện hữu.
Theo đó, 2 điểm cung ứng vàng miếng tại Hà Nội mà Agribank mở thêm là: Trụ sở Agribank Chi nhánh Hà Tây (số 2, Phố Vũ Trọng Khánh, tổ dân phố 5, phường Mộ Lao, quận Hà Đông) và Trụ sở Agribank Chi nhánh Cầu Giấy (số 99 Trần Đăng Ninh, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy).
Agribank cũng dự kiến sẽ tiếp tục mở thêm các điểm cung ứng vàng miếng tại Hà Nội và TP.HCM.
Các điểm bán vàng miếng SJC của các ngân hàng xem tại đây!