Giá vàng tăng, biên độ chênh không lớn
Với việc quản lý và kiểm soát thị trường vàng miếng bởi Ngân hàng Nhà nước và hệ thống các tổ chức tín dụng, trong nhiều tuần qua, giá vàng SJC trên toàn thị trường trong nước luôn được duy trì khá ổn định, mặc dù, đã có vài lần điều chỉnh để phù hợp với xu hướng và biến động giá vàng trên thị trường thế giới; song biên độ dao động không lớn nên hoạt động giao dịch cũng không vì thế được thúc đẩy, tăng nóng.
Giống như các đơn vị BIG4 gồm Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thônViệt Nam (Agribank), giá vàng miếng đang được các công ty/doanh nghiệp như Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Phú Quý đều niêm yết ở mức 78,3 - 79,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Với mức giá này, vàng miếng của SJC và Phú Quý tăng 800.000 đồng/lượng mua vào và 300.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với đầu tuần; trong khi giá vàng miếng của DOJI tăng 1,6 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 300.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với thứ Hai đầu tuần.
Tương tự vàng miếng, giá vàng nhẫn trong tuần cũng tăng nhẹ. Nếu vàng miếng được kiểm soát với các cơ quan quản lý thì giá vàng nhẫn hiện vẫn đang "nương theo" và chịu ảnh hưởng lớn bởi xu hướng của giá vàng thế giới. So với ngày đầu tuần, nhẫn tròn trơn Rồng vàng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu hiện có giá 76,32 - 77,52 triệu đồng/lượng tăng 440.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra; nhẫn tròn Phú Quý 999.9 có giá 76,25 - 77,55 triệu đồng/lượng (mua vào và bán ra), tăng 500.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra...
Ngày hôm qua, thông tin Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tiếp tục thu mua vàng miếng một chữ (seri có một ký tự chữ nằm trước dãy số, được sản xuất trước năm 1996) hay có người gọi là vàng SJC móp méo do nguyên nhân khách quan, thị trường kim loại quý này đang được kỳ vọng sẽ tăng giao dịch bán trong tuần tới.
Hiện tại, SJC sẽ tiếp tục thu mua loại vàng miếng SJC 1 ký tự bằng giá với vàng miếng SJC 2 ký tự, sau đó gia công lại thành vàng miếng SJC 2 ký tự để bán ra cho khách hàng. Với sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước và quyết định này của SJC, khả năng nguồn cung vàng miếng của doanh nghiệp sẽ được cải thiện.
Phân tích về thị trường vàng thế giới, chuyên gia Edward Meir, Công ty Dịch vụ tài chính Marex, cho rằng, thị trường vàng sẽ chịu tác động của đồng USD đang mạnh dần lên và lượng tiêu thụ vàng tại Trung Quốc giảm. Hiện nay, đồng bạc xanh đã tăng khoảng 0,3% lên mức cao nhất trong hơn hai tuần qua so với các đồng tiền khác, khiến vàng trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác. Lượng vàng tiêu thụ tại Trung Quốc, quốc gia có nhu cầu vàng cao hàng đầu thế giới, đã giảm 5,6% trong nửa đầu năm 2024. Điều này là do nhu cầu đối với đồ trang sức bằng vàng sụt giảm, dù nhu cầu mua vàng thỏi và tiền xu gia tăng.
Tuy nhiên, xung đột leo thang tại Trung Đông vẫn là nhân tố hỗ trợ nhu cầu mua vàng, vốn được biện pháp phòng ngừa rủi ro địa chính trị. Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ, bởi lãi suất hạ sẽ khiến đồng USD yếu đi, song lại gia tăng đáng kể sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng. Vì thế, đồng USD đang trong xu hướng tăng giá nhẹ có thể sẽ khiến giá vàng sẽ giảm bớt sức nóng trên các thị trường.
Xuất phát từ phân tích này, nhiều chuyên gia trong nước dự đoán, thị trường vàng trong tuần tới cũng sẽ không có biến động lớn. Vàng nhẫn có thể sẽ tăng, giảm, trồi, sụt với độ chênh lệch về giá không lớn; vàng miếng vẫn giữ giá.