Giá vàng tăng như vũ bão và điều khác biệt duy nhất

Khác biệt duy nhất của đợt tăng giá vàng này, có lẽ là việc giá vàng tăng không còn gây sóng gió với kinh tế vĩ mô như 10 năm trước.

Vàng đang là một trong những kênh đầu tư đáng lưu tâm.

Thị trường vàng trong nước sốt hầm hập theo giá vàng thế giới, có lúc lên tới 56 triệu đồng/lượng, xô đổ kỷ lục mọi thời đại.

Sau một thời gian tưởng chừng hết lấp lánh, vàng đang dần lấy lại ánh hoàng kim và khác biệt duy nhất, có lẽ là giá vàng tăng không còn gây sóng gió với kinh tế vĩ mô như 10 năm trước.

Ngoài Covid-19 có nguy cơ bùng phát trở lại, giá vàng lên cơn sốt có lẽ là câu chuyện được người dân quan tâm nhiều nhất trong tuần qua. Người thì hỉ hả chốt lời khi vàng tăng 12 triệu đồng/lượng kể từ đầu năm, kẻ lại vội vã mang tiền đi gom, chờ giá vàng tăng tiếp.

Trên thế giới và cả trong nước, các chuyên gia, các nhà đầu tư hàng đầu đều lên tiếng dự báo vàng tăng giá, ủng hộ bỏ tiền vào vàng. Một số quỹ “cá mập” khi gửi thư đến nhà đầu tư đã khẳng định, vàng là lối thoát duy nhất trong bối cảnh hiện nay. Trong khi đó, tuần qua, nhà đầu tư được mệnh danh là “vĩ đại nhất thế kỷ 20” - ông Mark Mobius cũng khẳng định đang và sẽ tiếp tục mua vàng.

Có thể thấy, vàng đang ở thời điểm “nhân hòa địa lợi”, khi mọi yếu tố đều hỗ trợ thứ kim loại quý hiếm này tăng giá.

Thứ nhất, nguy cơ suy giảm kinh tế bắt đầu từ năm 2018, bồi thêm cú giáng của Covid - 19 khiến tâm lý bất an lan rộng.

Thứ hai, làn sóng bơm tiền hỗ trợ tăng trưởng chưa có dấu hiệu dừng lại, gói sau nhiều hơn gói trước. Đợt khủng hoảng kinh tế năm 2008, gói hỗ trợ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chỉ có quy mô 1.300 tỷ USD, trong chỉ vòng 3 tháng qua, Fed đã tăng bảng cân đối tài sản từ 4.000 tỷ USD lên 7.000 tỷ USD (tăng 3.000 tỷ USD). Dự kiến, trong năm 2020, bảng cân đối tài sản của Fed có thể lên tới 12.000 tỷ USD. Ủy ban châu Âu (EC) cũng công bố dự định một gói kích thích khổng lồ lên tới 750 tỷ euro (858 tỷ USD).

Thứ ba, thương chiến Mỹ - Trung lại leo thang, cộng thêm Covid -19 chưa có dấu hiệu được đẩy lùi, thậm chí còn liên tiếp lập đỉnh mới cũng tác động trực tiếp tới giá vàng.

Thứ tư, lợi suất trái phiếu ngày càng rẻ, lãi suất đang dần về 0, thậm chí âm, thì không có gì đáng ngạc nhiên khi vàng tăng sức hấp dẫn .

Rõ ràng, trong bối cảnh thị trường chứng khoán trong nước liên tục sụt giảm, bất động sản hầu như đóng băng, tiền gửi tiết kiệm liên tục giảm, vàng đang là một trong những kênh đầu tư đáng lưu tâm. Thế nhưng, lướt sóng vàng chỉ giành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Với nhà đầu tư nhỏ lẻ, lựa chọn hợp lý nhất hiện nay có lẽ là tìm thời điểm để chốt lời và canh phiên điều chỉnh có giá thấp để mua vào. Đặc biệt, nhà đầu tư nhỏ lẻ chỉ nên xuống tiền với vàng khi xác định đầu tư dài hạn và tuyệt đối không quá “ăn thua” với vàng, bởi dù vàng đang trong xu hướng tăng giá, song cũng đã trải qua một thời kỳ tăng giá khá dài. Hơn nữa, đặc điểm của vàng là có thể tăng rất nhanh, nhưng giảm cũng chóng mặt. Nhà đầu tư từng nhiều lần chứng kiến giá mỗi cây vàng tăng 2-3 triệu/ngày, nhưng cũng giảm tới 2-3 triệu đồng chỉ sau một đêm.

Đáng mừng là dù vàng tăng nóng, nhưng thị trường diễn biến hoàn toàn bình thường: tăng cùng chiều với giá thế giới, giao dịch thông suốt, không có hiện tượng người dân đổ xô tranh mua, tranh bán. Đặc biệt, tỷ giá trên thị trường vẫn ổn định, thậm chí còn giảm nhẹ.

Vàng dù đã lấy lại được sức lấp lánh, song không còn đủ sức gây sóng gió lên tỷ giá nói riêng và kinh tế vĩ mô nói chung. Điều này khác với thời gian trước đây, mỗi khi vàng tăng sốc, thì tỷ giá lại chao đảo, khiến cơ quan quản lý phải xoay như chong chóng tìm cách bình ổn.

Thực tế, từ đầu năm đến nay, giá vàng tăng khoảng 25% - một trong những kênh đầu tư sinh lời tốt nhất, nhưng tỷ giá thực của Việt Nam chỉ giảm nhẹ ở mức 0,3%. Chính sách chống vàng hóa, đô la hóa, điều hành tỷ giá theo rổ tiền tệ… của Ngân hàng Nhà nước đã phát huy tác dụng, giúp kinh tế vĩ mô ổn định, miễn nhiễm với sự lên xuống của giá vàng.

Đương nhiên, nói như vậy, không có nghĩa là có thể chủ quan. Nếu giá vàng tiếp tục tăng điên loạn, cộng thêm các kênh đầu tư khác kém hấp dẫn, thì không loại trừ tiền sẽ ồ ạt chảy vào vàng. Khi đó chắc chắn, cơ quan quản lý sẽ phải đưa ra các giải pháp tổng thể để điều tiết, đảm bảo sự hấp dẫn của tiền đồng, kiềm chế dòng tiền chảy vào các kênh đầu cơ, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/gia-vang-tang-nhu-vu-bao-va-dieu-khac-biet-duy-nhat-d126457.html