Giá vàng thế giới rớt mạnh

Trong bối cảnh khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư cải thiện, đồng USD tăng giá và các dữ liệu kinh tế Mỹ gây thất vọng, giá kim loại quý đã giảm mạnh về vùng 3.215 USD.

 Giá vàng thế giới đang trên đà giảm mạnh, hiện đã mất hơn 70 USD về vùng 3.215 USD/ounce. Ảnh: WSJ.

Giá vàng thế giới đang trên đà giảm mạnh, hiện đã mất hơn 70 USD về vùng 3.215 USD/ounce. Ảnh: WSJ.

Trong phiên giao dịch đêm 1/5, rạng sáng 2/5 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay chứng kiến mức giảm mạnh hơn 70 USD để rớt thẳng xuống vùng 3.215 USD/ounce, tương đương mức giảm ròng hơn 2% trong ngày.

Theo Kitco News, diễn biến này xảy ra trong bối cảnh tâm lý chấp nhận rủi ro trên thị trường tài chính toàn cầu đang cải thiện đáng kể, khiến nhu cầu trú ẩn an toàn đối với vàng suy yếu.

Sau khi lập đỉnh lịch sử ở mức 3.500 USD/ounce vào tháng 4, giá vàng thế giới đã đảo chiều giảm mạnh tới gần 300 USD đến nay, tương đương mức giảm ròng gần 9%. Tuy vậy, tính trong vòng một năm qua, kim loại quý này vẫn tăng tới 40%, phản ánh vai trò trú ẩn an toàn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều bất ổn.

 Giá vàng thế giới giảm mạnh, hiện chạy quanh vùng 3.215 USD/ounce. Ảnh: Kitco News.

Giá vàng thế giới giảm mạnh, hiện chạy quanh vùng 3.215 USD/ounce. Ảnh: Kitco News.

Giai đoạn bứt phá của vàng chủ yếu diễn ra trong quý I năm nay khi được hỗ trợ bởi rủi ro xoay quanh các chính sách thương mại cứng rắn, đặc biệt là thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tuy nhiên, khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác có dấu hiệu hạ nhiệt, đồng thời khẩu vị rủi ro phục hồi, sức hấp dẫn của vàng tạm thời suy yếu. Cùng với đó, đồng USD mạnh lên khi chỉ số USD Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh trong rổ tiền tệ - vừa có cú vượt lên trên 100 điểm, càng làm vàng trở nên kém hấp dẫn với nhà đầu tư quốc tế.

Một yếu tố khác khiến thị trường vàng thận trọng là các tín hiệu trái chiều từ kinh tế Mỹ. GDP quý I bất ngờ giảm 0,3%, trái ngược hoàn toàn với kỳ vọng tăng 0,4% của thị trường.

Bên cạnh đó, báo cáo việc làm quốc gia ADP của Mỹ cũng gây thất vọng khi chỉ ghi nhận 62.000 việc làm mới trong tháng 4, chưa bằng một nửa con số kỳ vọng. Những dữ liệu này đang củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất.

Câu hỏi đặt ra là liệu Fed sẽ hành động trong cuộc họp Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) vào ngày 6-7/5 hay chờ tới kỳ họp giữa tháng 6. Điều này còn phụ thuộc vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4, dự kiến công bố vào ngày 13/5. Nếu lạm phát chưa giảm đủ, Fed có thể tiếp tục giữ nguyên lãi suất.

Dù ngắn hạn có nhiều biến động, giới chuyên gia vẫn giữ quan điểm tích cực với vàng trong trung và dài hạn. Tỷ phú đầu tư John Paulson gần đây dự đoán giá vàng có thể đạt mốc 5.000 USD/ounce vào năm 2028, nhờ vào xu hướng mua ròng của các ngân hàng trung ương và nguy cơ tái diễn các căng thẳng địa chính trị, thương mại toàn cầu.

Trong phần còn lại của năm 2025, thị trường được kỳ vọng duy trì mặt bằng giá quanh vùng 3.200-3.300 USD/ounce.

Cuộc khảo sát của Reuters mới đây cũng cho thấy giới đầu tư dự báo giá vàng trung bình cả năm 2025 sẽ có lần đầu tiên trong lịch sử vượt 3.000 USD/ounce, để đạt khoảng 3.065 USD/ounce, cao hơn nhiều so với mức 2.700 USD/ounce trong các ước tính trước đó.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/gia-vang-the-gioi-rot-manh-post1550385.html