Giá vàng thế giới sẽ như thế nào sau khi lập kỷ lục và vượt ngưỡng 2.500 USD?

Giá vàng thế giới đã giảm nhẹ sau khi đạt mức cao kỷ lục mới trên 2.500 USD/ounce trong phiên 18/8. Các nhà phân tích đã đưa ra một số nhận định về xu hướng của giá vàng sau khi đạt mức giá kỷ lục và vượt ngưỡng 2.500 USD.

Vàng miếng tại sàn giao dịch ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Vàng miếng tại sàn giao dịch ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Theo fxempire.com, đợt tăng giá này là do nhu cầu mạnh mẽ về tìm kênh đầu tư an toàn và do dự báo ngày càng chắc chắn về động thái cắt giảm lãi suất ở Mỹ trong thời gian tới. Các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ các động thái tiếp theo của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đặc biệt là bài phát biểu sắp tới của Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 23/8 tới đây tại hội nghị chuyên đề Jackson Hole.

Những người tham gia thị trường đang chờ đợi bài phát biểu của ông Powell mà họ muốn dựa vào đó để nắm được thông tin quan trọng về định hướng chính sách tiền tệ của Fed. Nhà phân tích Giovanni Staunovo tại ngân hàng UBS lưu ý rằng, mặc dù giá vàng vừa đạt đỉnh gần đây, nhưng giá có thể tiếp tục tăng cao hơn, có khả năng đạt mức 2.600 USD/ounce vào cuối năm 2024. Dự báo ông Powell sẽ phát tín hiệu về cắt giảm lãi suất, có thể là nghiêng về phương án giảm 25 điểm cơ bản hơn là mức giảm mạnh hơn 50 điểm cơ bản.

Hội nghị chuyên đề Jackson Hole thường là nơi các chủ tịch Fed báo hiệu những thay đổi chính sách quan trọng. Bài phát biểu của ông Powell sẽ đề cập đến nhiệm vụ kép của Fed là duy trì ổn định giá cả và tối đa hóa thị trường việc làm, trong đó trọng tâm đặc biệt là cách Fed dự định đưa ra định hướng trong bối cảnh kinh tế hiện tại khi lạm phát hạ nhiệt và thị trường lao động suy yếu.

Dữ liệu kinh tế gần đây đã củng cố niềm tin rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới. Doanh số bán lẻ mạnh mẽ của Mỹ và số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp thấp hơn dự báo, kết hợp với các chỉ số lạm phát vừa phải, đã củng cố niềm tin vào khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ. Công cụ CME FedWatch cho thấy các nhà giao dịch đang hoàn toàn dự đoán mức cắt giảm 25 điểm cơ bản vào tháng tới, ít dự báo mức giảm 50 điểm cơ bản.

Giá vàng thế giới đã tăng hơn 20% trong năm nay, chủ yếu là do dự báo Mỹ sẽ giảm lãi suất và do căng thẳng địa chính trị gia tăng, đặc biệt trong xung đột ba bên giữa Israel, Iran và Hamas.

Khi xuất hiện nhu cầu tìm kênh đầu tư an toàn liên tục và xu hướng mua vàng của các ngân hàng trung ương, giá vàng thế giới có khả năng duy trì ở mức cao. Triển vọng đối với giá vàng vẫn lạc quan và các nhà phân tích dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng khi Fed nới lỏng chính sách tiền tệ và những bất ổn toàn cầu vẫn tiếp diễn.

Ngay cả khi xu hướng tăng giá vàng thay đổi thành giảm, thì giá vàng cũng sẽ không giảm lâu khi giá vàng đã được hỗ trợ mạnh mẽ với chuỗi 50 ngày có giá trung bình 2.387,97 USD/ounce. Tuy nhiên, động lực có thể thay đổi nhanh chóng nếu chỉ số này không còn giữ được vai trò hỗ trợ.

Chủ tịch Fed Jerome Powell trong cuộc họp báo công bố chính sách của FED tại Washington DC., ngày 1/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Chủ tịch Fed Jerome Powell trong cuộc họp báo công bố chính sách của FED tại Washington DC., ngày 1/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang Yahoo Finance, trong một báo cáo vào ngày 16/8, bộ phận nghiên cứu của ngân hàng Commerzbank đã nâng dự báo về giá vàng, dự đoán rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất ba lần vào cuối năm nay và ba lần nữa trong nửa đầu năm 2025. Tổng cộng, số lần cắt lãi suất nhiều hơn hai lần so với dự đoán trước đó.

Chuyên gia phân tích hàng hóa cấp cao Carsten Fritsch viết: "Do đó, chúng tôi dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng lên 2.600 vào giữa năm tới. Vào cuối năm 2025, giá vàng có thể giảm xuống 2.550 USD (trước đó dự báo là 2.200 USD) do gia tăng lạm phát và suy đoán liên quan đến việc tăng lãi suất trong năm sau".

Các nhà phân tích khác còn dự báo giá vàng tăng mạnh hơn. Ông Bart Melek, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu tại công ty TD Securities, đã nói với Bloomberg rằng giá vàng có thể đạt mức 2.700 USD/ounce trong các quý tới, viện dẫn triển vọng nới lỏng chính sách của Fed.

Trong khi đó, ông Patrick Yip, Giám đốc cấp cao phát triển kinh doanh tại American Precious Metals Exchange, đã nhận định với CBS Money Watch vào cuối tháng trước rằng, giá vàng có thể đạt mức 3.000 USD/ounce ngay trong năm 2025, nếu bất ổn địa chính trị tiếp diễn, các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất hoặc gia tăng mua vàng.

Thực tế, các ngân hàng trung ương đã trở thành nguồn cầu chính cho vàng khi các quốc gia như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ tìm cách đa dạng hóa dự trữ ngoài đồng USD, đặc biệt sau khi chứng kiến phương Tây đóng băng tài sản bằng đồng USD của Nga sau cuộc chiến ở Ukraine.

Theo ước tính của JPMorgan, các ngân hàng trung ương đã mua hơn 1.000 tấn vàng vào năm 2023. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã trải qua một chuỗi mua vàng kéo dài 18 tháng, chuỗi mua dài nhất từ trước đến nay, và chỉ kết thúc vào tháng 5 vừa qua. Vào tháng 6, ngân hàng trung ương Ấn Độ cũng đã tăng dự trữ vàng với mức tăng lớn nhất trong gần hai năm.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/gia-vang-the-gioi-se-nhu-the-nao-sau-khi-lap-ky-luc-va-vuot-nguong-2500-usd-20240820110007642.htm