Giá vàng thế giới thiết lập kỷ lục mới, vàng nhẫn trong nước tiếp tục 'nóng' lên

Giá vàng thế giới đã vọt tăng lên mức cao nhất mọi thời đại mới, hiện vàng giao ngay giao dịch trên mức 2.480 USD/ounce, tăng tới trên dưới 58 USD trong phiên.

Trong nước, vàng SJC vẫn nằm im với mức giá bán ra giữ nguyên gần 1 tháng rưỡi qua, mua vào – bán ra tại 75,98 - 76,98 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá vàng nhẫn lại biến động khá mạnh. Tại nhiều doanh nghiệp, vàng nhẫn có lúc đã vượt 78 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, thiết lập mức đỉnh mới.

Hiện vàng nhẫn 9999 tại DOJI đang giao dịch mức giá mua – bán tại 76,70 – 77,90 triệu đồng/lượng; nhẫn tròn trơn Bảo Tín Minh Châu 76,46 – 77,76 triệu đồng/lượng; nhẫn tròn SJC 75,98 – 76,88 triệu đồng/lượng; nhẫn Phú quý 9999 76,60 – 77,90 triệu đồng/lượng…

Giá vàng thế giới tăng mạnh

Giá vàng thế giới tăng mạnh

Động lực chính khiến giá kim loại quý này tăng vọt trên thị trường thế giới được cho là do việc cắt giảm lãi suất từ các ngân hàng trung ương. Cùng với đó là việc các quỹ ETF vàng toàn cầu đang bắt đầu ứng phó với các rủi ro địa chính trị.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Schwab Network, Cavatoni, Chiến lược gia thị trường trưởng khu vực Bắc Mỹ tại Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết WGC đang theo dõi rất chặt chẽ dòng tiền ETF toàn cầu khi giá vàng một lần nữa giao dịch trên mức 2.400 USD, nhưng động lực thực sự cho thị trường vàng tăng giá sẽ là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất. "Đó sẽ là chất xúc tác mà chúng tôi nói đến trong triển vọng giữa năm của mình, có thể đưa nhà đầu tư phương Tây trở lại thị trường", ông nói.

Trong một bài phát biểu mới đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết rằng ngân hàng trung ương sẽ không đợi cho đến khi lạm phát đạt 2% mới cắt giảm lãi suất. Chủ tịch Fed giải thích rằng chính sách của ngân hàng trung ương hoạt động với “độ trễ dài và có thể thay đổi”, do đó Fed sẽ không chờ cho đến khi đạt được mục tiêu.

Ở châu Âu, ECB đã cắt giảm lãi suất. Cùng với đó là một số bất ổn chính trị trong một số cuộc bầu cử đang diễn ra và xung đột ở Ukraine cũng đang khiến dòng tiền chảy một phần vào các quỹ ETF vàng.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia, WGC cũng đang rất tập trung vào nhu cầu từ châu Á, và đặc biệt là Trung Quốc, vì sự kết hợp giữa hoạt động mua của ngân hàng trung ương và sự quan tâm của nhà đầu tư tại khu vực đó trên thế giới là một phần lớn trong việc hỗ trợ giá vàng.

Đi sâu vào dữ liệu nhu cầu thị trường vàng mới nhất từ Trung Quốc, WGC nhận thấy nhu cầu bán buôn vẫn tiếp tục suy yếu nhưng hoạt động mua từ các ETF không hề giảm bớt.

Điều này có nghĩa, khi giá cả tăng cao hơn và tâm lý người tiêu dùng, đặc biệt là ở Trung Quốc, bắt đầu bị nghi ngờ, điều đó có thể được bù đắp ở Trung Quốc bằng mối quan tâm ngày càng tăng từ nhu cầu đầu tư. Tuy nhiên, các chuyên gia đang theo dõi liệu nhu cầu này có thể tăng tốc và lấp đầy khoảng trống từ sự chậm lại của nhu cầu vàng trang sức hay không.

Về nhu cầu của ngân hàng trung ương, việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã kiềm chế việc mua vàng trong tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 6 sau hơn một năm rưỡi liên tục mua vào là điều được dự đoán. Điều này có thể gây áp lực giảm giá vàng trong thời gian tới, tuy nhiên, WGC không thấy bất kỳ kịch bản nào mà PBoC hoặc bất kỳ ngân hàng trung ương nào thực sự bắt đầu bán dự trữ của họ, ngay cả ở mức giá cao nhất mọi thời đại.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/gia-vang-the-gioi-thiet-lap-ky-luc-moi-vang-nhan-trong-nuoc-tiep-tuc-nong-len-post583132.antd