Giá vàng trong nước giữ mức 121,5 triệu đồng/lượng
Giá vàng thế giới theo chiều tăng, giá vàng trong nước sáng 14/7 giữ mức 121,5 triệu đồng/lượng.

Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN
Cụ thể lúc 10 giờ 25 phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng miếng ở mức 119,5 - 121,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua (12/7).
Tương tự, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng và vàng nhẫn ở mức 116,2 - 119,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 115 - 117,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 116 -119 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 6/7/2025 về tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng phù hợp, kịp thời, hiệu quả; khẩn trương trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trước ngày 15/7/2025.
Mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang tổng hợp ý kiến của các cơ quan, đơn vị để hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng.
Theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, trong những tháng đầu năm, do nhiều yếu tố khách quan tác động, giá vàng thế giới liên tục tăng và phá vỡ các kỷ lục trước đó. Trong nước, giá vàng SJC diễn biến cùng chiều tăng với giá vàng thế giới. Với các giải pháp đồng bộ của Ngân hàng Nhà nước và sự phối hợp với các cơ quan chức năng, cho đến đầu tháng 4/2025, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới đã được kiểm soát trong biên độ phù hợp, còn khoảng 3-5 triệu đồng/lượng, tương đương khoảng 5-7%; có thời điểm chỉ còn trên dưới 1 triệu đồng/lượng, tương đương khoảng 1-2%.
Cùng với những giải pháp quản lý thị trường vàng đang thực hiện và để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương nghiên cứu, đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc xây dựng Nghị định sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng theo trình tự, thủ tục rút gọn. Đầu tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã gửi công văn đến các bộ, ngành, đơn vị liên quan để lấy ý kiến và dự thảo Nghị định cũng đã được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước để lấy ý kiến.
Thông tin thêm việc sửa đổi Nghị định 24, ông Đào Xuân Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý ngoại hối - Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã thể chế hóa các chỉ đạo và đã xin ý kiến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về dự thảo Nghị định.
Trên thị trường thế giới cuối phiên giao dịch ngày 11/7, giá vàng giao ngay tăng 1% lên 3.356,93 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 24/6/2025.
Giá vàng châu Á trong phiên giao dịch sáng 14/7 có lúc tăng lên mức cao nhất trong ba tuần do nhu cầu bảo toàn tài sản tăng mạnh sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo áp thuế 30% lên hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) và Mexico.
Vào lúc 8 giờ 34 phút ngày 14/7 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 3.361,19 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 23/6 vào lúc đầu phiên này. Giá vàng giao kỳ hạn tại Mỹ cũng tăng 0,4% lên 3.376 USD/ounce.
Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Kelvin Wong tại công ty dịch vụ tài chính OANDA cho biết, nhu cầu giữ tài sản an toàn đã quay trở lại do chính sách thuế quan bất ổn của Mỹ. Ông Wong nhận định rằng triển vọng ngắn hạn đối với giá vàng vẫn tích cực. Nếu giá vàng chốt phiên trên mức 3.360 USD/ounce, thì có thể tiếp tục tăng lên mức kháng cự tiếp theo 3.435 USD/ounce.