Lãnh đạo doanh nghiệp thời biến động: Từ chiến lược nhân sự 'đi mượn' đến khát vọng sáng tạo toàn cầu

Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, làm thế nào để các nhà lãnh đạo kiến tạo một tổ chức vững mạnh? Tại hội thảo 'Kiến tạo tầm nhìn mới trong thế giới biến động', những góc nhìn sắc sảo từ các chuyên gia đã mang đến câu trả lời về một chiến lược nhân sự linh hoạt, một nền tảng giáo dục khai phóng và một thế hệ lãnh đạo sở hữu cả 'la bàn' định hướng lẫn 'mỏ neo' giá trị…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tại sự kiện do Viện Đào tạo Quốc tế (ISB.IEI) và VietSuccess tổ chức mới đây, các chuyên gia đã cùng nhau phân tích những thách thức và cơ hội trong quản trị doanh nghiệp hiện nay, đồng thời truyền cảm hứng cho thế hệ lãnh đạo tương lai của Việt Nam.

“BORROW” – CHIẾN LƯỢC NHÂN SỰ LINH HOẠT CHO DOANH NGHIỆP NHỎ

Một trong những khái niệm gây chú ý nhất tại diễn đàn là chiến lược "Borrow" (Mượn) được chia sẻ bởi bà Nguyễn Tâm Trang, Phó Chủ tịch Hội đồng Điều hành, Tổng Giám đốc Nhân sự Tập đoàn GreenFeed. Đây được xem là lời giải cho bài toán nhân sự của các công ty nhỏ đang tìm cách thích ứng và mở rộng năng lực nội tại.

Theo bà Trang, khi đối mặt với những mảng kinh doanh mới mà doanh nghiệp chưa thể tự xây dựng ngay lập tức, việc “mượn” năng lực từ hệ sinh thái bên ngoài là một lựa chọn khôn ngoan. Bà giải thích: “Có thể có những mảng mới doanh nghiệp không thể một sớm một chiều làm được, chúng ta có thể mượn thông qua partnership - hợp tác với các công ty”.

Khái niệm này được mở rộng ra việc tận dụng mạng lưới chuyên gia tư vấn, freelancer để xây dựng năng lực đồng hành cùng doanh nghiệp. Thậm chí, việc “mượn” có thể diễn ra ngay trong nội bộ, ví dụ như “mượn 20% năng lực của bạn marketing để làm thương hiệu tuyển dụng”. Bà Trang nhấn mạnh, các công ty nhỏ có lợi thế lớn trong việc áp dụng mô hình này nhờ nguồn lao động linh hoạt và cơ hội biến đổi cao.

Cũng tại tọa đàm, ông Võ Quang Huệ, Chủ tịch FoundryAI Vietnam, nguyên Phó Tổng Giám đốc VinFast, đặt ra những câu hỏi sâu sắc về năng lực sáng tạo của Việt Nam. Mặc dù người Việt được đánh giá cao về trí thông minh và sự nhạy bén, nhưng số lượng bằng sáng chế được quốc tế công nhận còn rất khiêm tốn. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index) của Việt Nam vẫn ở mức trung bình.

Các diễn giả trao đổi tại hội thảo “Kiến tạo tầm nhìn mới trong thế giới biến động” do Viện Đào tạo Quốc tế (ISB.IEI) và VietSuccess tổ chức.

Các diễn giả trao đổi tại hội thảo “Kiến tạo tầm nhìn mới trong thế giới biến động” do Viện Đào tạo Quốc tế (ISB.IEI) và VietSuccess tổ chức.

Ông trăn trở: “Nền giáo dục chúng ta ngày nay chưa khai phóng hết tiềm năng. Tính con người Việt Nam là luôn khát khao đạt được thành tựu, luôn khao khát vươn lên làm điều mới, nhưng giáo dục chưa tạo bệ phóng cho sáng tạo”.

SÁNG TẠO VẪN THIẾU “BỆ PHÓNG”

Theo ông, để có sáng tạo thực sự, Việt Nam cần một môi trường giáo dục khuyến khích tư duy phản biện, cho phép thảo luận cởi mở và có cơ chế thúc đẩy sự thử nghiệm, chấp nhận rủi ro.

Để “kiến tạo tạo tầm nhìn mới trong thế giới biến động”, cả hai diễn giả đều thống nhất rằng, để lãnh đạo tổ chức, trước hết người lãnh đạo phải quản trị được chính bản thân mình trước khi lãnh đạo người khác. Họ cần song hành hai yếu tố: “la bàn” là định hướng chiến lược rõ ràng và “mỏ neo” là những giá trị cốt lõi bất biến. Đây chính là kim chỉ nam giúp tổ chức đứng vững và vượt qua những thời kỳ khó khăn nhất.

Bên cạnh đó, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một môi trường học hỏi với tinh thần “cùng thắng” (win-win), thay vì tư duy cạnh tranh tiêu cực. Đặc biệt, vai trò của hoạt động nghiên cứu & phát triển (R&D) tại các trường đại học, doanh nghiệp và viện nghiên cứu được coi là then chốt cho tương lai đổi mới của đất nước.

Gửi gắm thông điệp tới thế hệ trẻ, ông Võ Quang Huệ đã truyền cảm hứng bằng câu hỏi “Tại sao không?” như một thái độ sống – luôn tự vấn trước mọi giới hạn và thách thức. Ông khuyến khích người trẻ nuôi dưỡng tham vọng trở thành những công dân toàn cầu xuất chúng, với gợi ý cụ thể là thành thạo ít nhất hai ngôn ngữ quan trọng: tiếng Anh và tiếng Trung bởi đây là ngôn ngữ của hai nền kinh tế lớn bậc nhất thế giới.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh khái niệm “khả năng đứng vững” – một năng lực tổng hợp đòi hỏi sự rèn luyện của tư duy phản biện, khả năng phân tích, kỹ năng hành động linh hoạt và bản lĩnh cá nhân.

Thông điệp chung từ sự kiện là lời kêu gọi hành động mạnh mẽ: các nhà lãnh đạo cần có tầm nhìn dài hạn, can đảm thay đổi và không ngừng học hỏi để cùng nhau xây dựng một Việt Nam phát triển bền vững và sáng tạo hơn trong một thế giới không ngừng biến động.

Anh Nhi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/lanh-dao-doanh-nghiep-thoi-bien-dong-tu-chien-luoc-nhan-su-di-muon-den-khat-vong-sang-tao-toan-cau.htm