Giá vàng và dầu có thể tăng lên 3.000 USD/ounce và 100 USD/thùng
Ông Aakash Doshi, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa Bắc Mỹ của ngân hàng Citi dự báo giá vàng có thể tăng lên 3.000 USD/ounce và giá dầu leo lên 100 USD/thùng trong vòng 12-18 tháng tới.
Trả lời phỏng vấn CNBC, ông Aakash Doshi, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa Bắc Mỹ của ngân hàng Citi cho hay, kịch bản trên sẽ xảy ra nếu thị trường tiếp nhận một trong ba chất xúc tác: các ngân hàng trung ương tăng mạnh hoạt động mua vào vàng, nguy cơ lạm phát đình trệ hoặc kinh tế toàn cầu suy thoái sâu.
"Cơn sốt vàng" của ngân hàng trung ương
Các nhà phân tích của Citi nhận định kịch bản có khả năng xảy ra nhất khiến giá vàng vọt lên 3.000 USD/ounce là sự tăng tốc nhanh chóng của xu hướng phi đô la hóa của các ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi, từ đó dẫn đến khủng hoảng niềm tin vào đồng USD.
Citi cho biết hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương đã tăng lên mức kỷ lục trong những năm gần đây khi họ tìm cách đa dạng hóa dự trữ và giảm rủi ro tín dụng. Các ngân hàng trung ương Trung Quốc và Nga đang dẫn đầu hoạt động mua vàng, trong khi Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil cũng tăng cường mua vàng miếng.
Hội đồng Vàng Thế giới ước tính vào tháng Một rằng các ngân hàng trung ương thế giới đã duy trì hai năm liên tiếp mua hơn 1.000 tấn vàng. Ông Doshi dự kiến nếu con số này tăng gấp đôi lên 2.000 tấn, giá vàng sẽ nhận được lực đẩy mạnh mẽ.
Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu
Một yếu tố khác có thể khiến giá vàng lên mức 3.000 USD/ounce là một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu sâu, vốn sẽ thúc đẩy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất nhanh chóng. Song, ông Doshi lưu ý đây là một kịch bản có xác suất thấp.
Giá vàng có xu hướng tỷ lệ nghịch với lãi suất. Khi lãi suất giảm, vàng trở nên hấp dẫn hơn so với các tài sản có thu nhập cố định như trái phiếu, vốn sẽ mang lại lợi nhuận thấp hơn trong môi trường lãi suất thấp.
Lãi suất chuẩn của Fed ở mức từ 5,25% đến 5,5% kể từ tháng 7/2023, mức cao nhất kể từ tháng 1/2001. Thị trường kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng Năm hoặc tháng Sáu.
Lạm phát đình trệ (chỉ tình trạng lạm phát ngày càng tăng, trong khi tăng trưởng kinh tế chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng) có thể là một chất xúc tác khác khiến giá vàng tăng vọt. Dù vậy, ông Doshi cho rằng khả năng xảy ra kịch bản như vậy là rất thấp.
Vàng được coi là nơi trú ẩn an toàn và có xu hướng tăng giá trong thời kỳ kinh tế bất ổn khi các nhà đầu tư tránh xa các tài sản rủi ro hơn như cổ phiếu.
Bỏ qua ba chất xúc tác trên, Citi dự báo giá vàng ở mức 2.150 USD/ounce vào nửa cuối năm 2024 và giá vàng trung bình sẽ hơn 2.000 USD/ounce trong nửa đầu năm. Ông Doshi dự kiến mức giá kỷ lục mới có thể đạt được vào cuối năm 2024.
Giá dầu có vọt lên 100 USD/thùng?
Một kịch bản khác được nêu bật trong báo cáo của Citi là giá dầu trở lại mức ba con số. Ông Doshi cho biết các chất xúc tác khiến giá dầu đạt 100 USD/thùng phải kể đến rủi ro địa chính trị cao hơn, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+ cắt giảm sản lượng và tình trạng gián đoạn nguồn cung từ các khu vực sản xuất dầu quan trọng.
Citi cho biết nhà sản xuất dầu lớn Iraq đã chịu ảnh hưởng tiêu cực do cuộc xung đột tại Trung Đông và bất kỳ sự leo thang nào nữa có thể gây tổn hại cho các nhà cung cấp lớn khác của OPEC+ trong khu vực.
Những diễn biến gần đây cho thấy căng thẳng đang gia tăng ở biên giới giữa Israel và Liban, làm dấy lên lo ngại xung đột ở Dải Gaza có thể lan rộng ra những nơi khác ở Trung Đông.
Các nhà phân tích của Citi nhấn mạnh những rủi ro địa chính trị khác như nguồn cung dầu của Nga không thể loại trừ. Ông Doshi dự báo giá dầu sẽ ở mức khoảng 75 USD/thùng trong năm nay.
Phiên 19/2, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 9 xu lên mức 83,56 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Ba tăng 30 xu lên 79,49 USD/thùng, còn giá dầu WTI giao tháng Tư giảm 11 xu xuống 78,35 USD/thùng.
Bất chấp nguy cơ căng thẳng leo thang ở Trung Đông và các cuộc tấn công vào hoạt động vận tải biển ở Biển Đỏ, thị trường dầu mỏ lại đang đi ngược xu hướng lịch sử. Một yếu tố có thể khiến giá "vàng đen" khó đột phá là nhu cầu suy yếu.
Báo cáo hàng tháng mới nhất từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố hôm 15/2 dự báo rằng tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ chậm lại từ mức 2,3 triệu thùng/ngày hồi năm 2023 xuống 1,2 triệu thùng/ngày trong năm nay.