Giá vật liệu tăng mạnh, ngành xây dựng gặp khó kép
Thời gian qua, giá vật liệu xây dựng (VLXD) như sắt thép, xi măng, gạch… liên tục tăng. Nhiều gia đình và các nhà thầu xây dựng, chủ đầu tư bị ảnh hưởng lớn do công trình bị đội giá.
Sau khi mua thêm đất để mở rộng diện tích đất ở, anh Nguyễn Văn Thanh ở đường Giáp Hải (TP Bắc Giang) hợp đồng với nhóm thợ bắt tay vào xây ngôi nhà khá rộng, bám mặt đường để vừa kinh doanh vừa là nơi sinh sống. Khởi công từ tháng 2, đến nay ngôi nhà vẫn chưa xong phần thô, công trình ngổn ngang sắt thép, gạch cát…
Nói về những khó khăn do giá VLXD tăng đột biến, anh Thanh cho biết: “Ngôi nhà này tôi dự định xây 3 tầng, mỗi tầng 150 m2 nên lượng VLXD lớn. Ban đầu tôi dự trù khoảng 1,5 tỷ đồng nhưng hiện nay chắc không dưới 2 tỷ đồng. Việc dồn thêm tiền để xây nhà khiến hoạt động kinh doanh của gia đình bị ảnh hưởng nhiều do phải lấy vào vốn lưu động và tiền vay ngân hàng”.
Các dự án đầu tư xây dựng cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Ông D.V.T, Giám đốc một doanh nghiệp xây dựng trao đổi: Từ đầu năm đến nay, giá thép tăng 40% - 60% tùy loại. Ngoài sắt thép, cát, sỏi, đá, xi măng, gạch xây và ốp lát… tăng giá từ 10% - 20%. Giá xăng dầu cũng tăng làm chi phí vận chuyển nguyên vật liệu nâng lên. Như vậy nếu nhà thầu nào đã ký hợp đồng từ trước với giá VLXD hồi đầu năm thì chắc chắn thua lỗ.
Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng, biến động giá thép và VLXD làm tăng giá trị gói thầu bình quân khoảng 3% đối với công trình dân dụng và 2,7% đối với công trình giao thông. Một số công trình có chi phí tăng thêm vượt quá chi phí dự phòng trong dự toán xây dựng hoặc giá gói thầu xây lắp.
Trao đổi với đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh được biết, đơn vị đang làm chủ đầu tư 11 dự án, trong đó có 5 dự án hiện thi công phần kết cấu bê tông cốt thép vào thời điểm biến động tăng của giá thép và các loại VLXD, bao gồm các công trình: Đầu tư xây dựng mở rộng quy mô giường bệnh Trung tâm Y tế huyện Tân Yên; Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa; Trung tâm Y tế huyện Lạng Giang; xây dựng mở rộng quy mô giường bệnh Bệnh viện Phục hồi chức năng và xây dựng mới Trường Chính trị tỉnh. Qua rà soát, các công trình này bị "đội" lên hơn 18 tỷ đồng, tương đương khoảng 3% - 4% giá trị hợp đồng xây lắp.
Ngành xây dựng cũng như một số lĩnh vực khác đang chịu tác động lớn từ dịch bệnh. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp ngành xây dựng coi đây là khoảng thời gian chịu thách thức kép do giá VLXD tăng cao. Nhiều công trình phải tạm dừng thi công do lực lượng lao động chấp hành quy định phòng, chống dịch. Trước những khó khăn đó, nhiều giải pháp, đề xuất kiến nghị đã được đưa ra.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa Nguyễn Văn Khanh nêu ý kiến: Trên địa bàn huyện hiện có 9 dự án, hợp đồng do địa phương làm chủ đầu tư bị tác động của dịch Covid-19 và biến động giá thép (vì đã lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng trước khi giá thép tăng). Tổng giá trị 9 hợp đồng xây dựng được ký kết hơn 84 tỷ đồng, số tiền cần điều chỉnh do giá VLSX tăng là hơn 3,3 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 3,93%).
Để khắc phục, tháo gỡ khó khăn, UBND huyện Hiệp Hòa đề nghị UBND tỉnh, Sở Xây dựng xem xét một số nội dung, đối với các gói thầu đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và đã đăng tải hồ sơ mời thầu, trường hợp chưa đóng thầu cho phép chủ đầu tư được điều chỉnh giá gói thầu. Đối với các gói đã lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng, chưa tổ chức thi công xây dựng cho phép chủ đầu tư điều chỉnh dự toán công trình, giá hợp đồng.
Về phía Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, ông Nguyễn Văn Mẫn, Phó Giám đốc đề nghị cần có biện pháp để bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn giá thị trường VLXD, máy móc thiết bị thi công xây dựng công trình. Liên Sở Xây dựng - Tài chính có biện pháp để khảo sát giá thị trường, kịp thời công bố giá các loại vật tư, vật liệu, thiết bị chủ yếu có ảnh hưởng lớn đến các dự án đầu tư xây dựng, phù hợp với giá thị trường.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, việc tăng giá VLXD ảnh hưởng nặng nề, gây bất lợi cho các nhà thầu xây lắp đối với các gói thầu thực hiện ký kết hợp đồng theo hình thức đơn giá cố định hoặc trọn gói đang triển khai thực hiện từ cuối năm 2020 và đầu năm 2021. Vì thế, Sở đã xây dựng các kịch bản ảnh hưởng của việc tăng giá thép đến tổng mức đầu tư xây dựng.
Để tháo gỡ khó khăn, các doanh nghiệp, Sở Xây dựng đề nghị Bộ Xây dựng, Chính phủ thực hiện các biện pháp nhằm bình ổn giá thép và các giải pháp nhằm tăng năng lực sản xuất của các nhà máy thép xây dựng trong nước, hạn chế xuất khẩu phôi thép và thép xây dựng thành phẩm, tránh tình trạng khan hàng làm tăng giá thép đột biến thời gian qua.
Chính phủ cho phép các chủ đầu tư, nhà thầu xây lắp đã ký các hợp đồng theo hình thức hợp đồng theo đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói được phép điều chỉnh sang loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh hoặc có chính sách cho phép bù giá loại VLXD chủ yếu có biến động lớn, đặc biệt là thép xây dựng.
Quốc Phương