Giá vật liệu xây dựng tăng phi mã: Ác mộng với nhà thầu giao thông

Giá hàng loạt vật liệu xây dựng tăng đang đẩy nhiều nhà thầu thi công dự án hạ tầng giao thông đứng trước nguy cơ thua lỗ lớn, bất chấp hợp đồng ký kết có điều khoản điều chỉnh giá.

Nguy cơ thua lỗ lớn do biến động giá vật liệu xây dựng, trong đó có giá thép, đang lan rộng hầu khắp các dự án hạ tầng giao thông.

Thua lỗ hiển hiện

Cho đến thời điểm này, biến động giá vật liệu xây dựng thực sự là cơn ác mộng đối với các nhà thầu thi công các dự án hạ tầng giao thông.

“Giá lên từng ngày ở hầu hết các loại vật liệu chính yếu, trong đó giá thép và vật liệu cấp phối đá dăm tăng đột biến”, ông Phạm Văn Khôi, đại diện cho Liên danh Phương Thành - Cienco4 thi công Gói thầu XL2, Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Dầu Giây - Phan Thiết lo lắng.

Được biết, tại thời điểm Gói thầu XL2 tổ chức đấu thầu (tháng 10/2020), giá thép tròn do Sở Xây dựng Bình Thuận công bố là 12.000 đồng/kg, chưa bao gồm thuế VAT. Chỉ sau đúng 1 tháng, giá thép xây dựng đã bắt đầu “nhảy múa”, tăng cao trong quý I/2021, tăng đột biến trong các tháng 6, 7, 8 và hiện chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo ông Khôi, giá thép mà Liên danh Phương Thành - Cienco4 đang phải mua là 18.722 đồng/kg (chưa bao gồm thuế VAT), tăng khoảng 60% so với thời điểm đấu thầu. Không chỉ riêng thép tròn, mà tất cả các loại thép phục vụ thi công gói thầu như thép hình, thép tấm, ống siêu âm, cáp dự ứng lực… cũng đồng loạt tăng giá so với quý IV/2020.

Tại Gói thầu XL2, chỉ với khối lượng thép tròn 7.300 tấn, liên danh nhà thầu này đã phải chịu lỗ khoảng 49 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, do giá xăng dầu tăng, kết hợp với tình trạng khan hiếm do khu vực Bình Thuận, Đồng Nai đồng loạt triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông đã khiến giá cấp phối đá phục vụ sản xuất bê tông xi măng, đá phục vụ sản xuất bê tông nhựa tăng mạnh.

Tại thời điểm đấu thầu, giá đá do Sở Xây dựng Bình Thuận công bố chỉ 245.455 đồng/m3, nhưng hiện nay, giá mua thực tế của các nhà thầu thi công Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, trong đó có Phương Thành - Cienco4, là 353.000 - 364.000 đồng/m3, tăng 50 - 55%. Tính toán của đại diện nhà thầu thi công Gói thầu XL2, giá trị chênh lệch cho phần vật liệu này khoảng 44,6 tỷ đồng.

“Nếu tính cả các chi phí phải bù đắp cho việc tăng giá cho các loại vật liệu khác như đất đắp, nhựa đường, nhũ tương…, chúng tôi đang phải bù lỗ khoảng 278 tỷ đồng, tương ứng 18% giá trị hợp đồng không bao gồm dự phòng”, ông Khôi cho biết và khẳng định, nhiều nhà thầu khác đang thi công tại Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết cũng đang phải gánh chịu những khoản thua lỗ tương tự.

Chờ hướng xử lý

Điều đáng nói là, nguy cơ thua lỗ lớn do biến động giá vật liệu xây dựng, trong đó có giá thép, đang lan rộng hầu khắp các dự án hạ tầng giao thông.

Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông - Vận tải - GTVT), giá một số loại vật liệu xây dựng chủ yếu có xu hướng tăng cao là thực tế diễn ra khoảng 1 năm nay và đã gây nhiều khó khăn cho các nhà thầu thi công xây dựng, đặc biệt đối với các gói thầu lớn.

Ông Lê Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho biết, Bộ GTVT đang triển khai khoảng 40 dự án đầu tư công (gồm các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy và hàng không). Trong đó, các hợp đồng thi công xây dựng chủ yếu áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh theo phương pháp hệ số giá điều chỉnh (dùng chỉ số giá của địa phương công bố; các yếu tố chi phí trong công thức điều chỉnh giá gồm nhân công, máy thi công, nhiên liệu, nhựa đường, thép, cát, đá, xi măng…).

Tuy nhiên, thị trường có biến động lớn, bất thường, trong khi chỉ số giá xây dựng do địa phương công bố không kịp thời hoặc phản ánh chưa sát với biến động giá của dự án, công trình cụ thể, thì việc điều chỉnh giá cho cả hợp đồng cũng khó phản ánh đầy đủ, chính xác mức độ biến động giá đột biến của thị trường.

Đơn cử tại Gói thầu XL2, chi phí thực tế mà nhà thầu phải chịu do giá vật liệu biến động bất thường là 17,52%, trong khi chi phí bù đắp nếu thực hiện công tác điều chỉnh giá theo hợp đồng và nguồn chỉ số giá do tỉnh Bình Thuận công bố chỉ 7,27%.

Được biết, vào đầu tháng 7/2021, Bộ GTVT đã có công văn gửi Bộ Xây dựng đề nghị có văn bản hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng các địa phương công bố kịp thời giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng, phù hợp giá cả thực tế của thị trường nơi xây dựng công trình để làm cơ sở cho chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện việc điều chỉnh giá hợp đồng.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề xuất tách riêng các hạng mục công việc có sử dụng thép để áp dụng một công thức nhằm phản ánh sát hơn biến động giá của vật liệu này, qua đó có chia sẻ hài hòa rủi ro giữa Nhà nước và doanh nghiệp để đảm bảo tiến độ, chất lượng thi công xây dựng.

“Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi của Bộ Xây dựng, trong khi nếu không sớm có giải pháp tháo gỡ sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án và khiến các nhà thầu gặp rủi ro, thua lỗ lớn”, ông Tiến thông tin.

Thực tế biến động giá thép tại các dự án do Bộ GTVT đang thực hiện tăng 30 - 33% so với giá cuối năm 2020. Ước tính theo mức độ biến động giá thép hiện nay, chi phí vật liệu thép cần thực hiện cho các công việc còn lại tăng từ 20 tỷ đồng đến trên 100 tỷ đồng (chiếm 15 - 20% chi phí dự phòng của gói thầu), tùy thuộc quy mô, tính chất kỹ thuật, thời điểm triển khai thực hiện từng dự án. Trong đó, các công trình cầu, hầm có mức tăng cao hơn (như cầu Mỹ Thuận 2: chi phí tăng do biến động giá thép khoảng 135 tỷ đồng, chiếm 17% chi phí dự phòng của dự án), do vật liệu thép chiếm tỷ trọng lớn hơn.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/gia-vat-lieu-xay-dung-tang-phi-ma-ac-mong-voi-nha-thau-giao-thong-d156457.html