Giá vé máy bay giải cứu khỏi Ukraine lên tới 65 triệu, dân Trung Quốc bị mắc kẹt than khổ

Vé chuyến bay giải cứu công dân Trung Quốc khỏi Ukraine có giá quá cao khiến nhiều người không có khả năng chi trả. Họ đang kêu gọi các hãng hàng không giảm giá hoặc miễn phí.

Trang Đa chiều của Hong Kong (Trung Quốc) ngày 7/3 đưa tin, gần hai tuần sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, một số lượng lớn công dân Trung Quốc bị mắc kẹt tại Ukraine và các nước láng giềng vẫn đang gặp khó khăn.

Theo bài báo, giá vé máy bay trên chuyến bay giải cứu công dân Trung Quốc lên tới 18.000 Nhân dân tệ (NDT, hơn 65 triệu VNĐ), khiến cho rất nhiều người không có khả năng chi trả. Họ đang kêu gọi các hãng hàng không giảm giá hoặc miễn phí, hoặc các ban ngành liên quan giúp đỡ tìm nơi tái định cư tại địa phương.

Mới đưa được 1000 công dân Trung Quốc về nước

Theo tài khoản Weibo chính thức của Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Trung Quốc, vào sáng sớm ngày 5/3, chuyến bay đầu tiên giải cứu công dân Trung Quốc khỏi Ukraine đã đến thành phố Hàng Châu. Chuyến bay thuê thứ hai cũng khởi hành vào sáng ngày 5/3 và đến sân bay Tân Thành (Trịnh Châu) vào sáng ngày 6/3.

Tài khoản này cũng đưa tin, tính đến chiều ngày 6/3, đã có 4 chuyến bay giải cứu công dân hạ cánh xuống Trung Quốc, nhưng không thông báo số người được giải cứu.

Những công dân Trung Quốc đầu tiên sơ tán khỏi Ukraine đã về đến Hàng Châu (Trung Quốc). Ảnh: Tân Hoa Xã

Những công dân Trung Quốc đầu tiên sơ tán khỏi Ukraine đã về đến Hàng Châu (Trung Quốc). Ảnh: Tân Hoa Xã

Theo quy định, sức chứa tối đa của mỗi chuyến bay giải cứu công dân là 301 hành khách, nên ước tính chỉ có thể giải cứu được khoảng 1000 người. Vẫn còn một số lượng lớn công dân Trung Quốc sơ tán khỏi Ukraine nhưng vẫn mắc kẹt ở các nước láng giềng và đang gặp khó khăn.

Trên một số trang mạng xã hội đã chia sẻ "thư thỉnh cầu" từ các lưu học sinh Trung Quốc và Hoa kiều đã sơ tán khỏi Ukraine và đang ở Rumania, nói rằng họ không đủ khả năng mua vé bay về Trung Quốc có giá lên tới 17.999 NDT. Họ đề nghị các hãng hàng không giảm giá vé máy bay, nếu không thì mong các ban ngành liên quan giúp đỡ đồng bào đang mắc kẹt tìm được nơi tái định cư tại địa phương.

"Thư thỉnh cầu" này cho rằng, cuộc giải cứu công dân này là một hành động của nhà nước Trung Quốc, và không nên bán vé máy bay với giá cao để bắt những đồng bào đang chịu đau khổ phải mua.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine bắt đầu cho người dân nước này tại Ukraine đăng ký sơ tán từ ngày 25/2. Tính đến cuối tháng 2, khoảng 6.000 công dân Trung Quốc đã đăng ký sơ tán. Đợt sơ tán chính thức đầu tiên được triển khai vào ngày 28/2.

Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hơn 3.000 công dân Trung Quốc đã được sơ tán khỏi Ukraine, bao gồm cả những người di tản sang các nước láng giềng và trở về Trung Quốc.

Vẫn còn nhiều người Trung Quốc mắc kẹt ở Ukraine

Trước khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, nhiều quốc gia châu Âu và Mỹ đã đưa ra cảnh báo sớm đối với công dân của họ ở Ukraine và tổ chức sơ tán. Vào giữa tháng 2, các quốc gia như Anh và Mỹ đã kêu gọi công dân của họ rời khỏi Ukraine càng sớm càng tốt, nhưng Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine đã không đưa ra lời kêu gọi sơ tán.

Một ngày sau khi Nga tấn công Ukraine, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine tuyên bố rằng họ sẽ bố trí chuyến bay cho những người Trung Quốc muốn rời khỏi Ukraine.

Sau khi xung đột bùng nổ, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine đã nhiều lần cảnh báo công dân Trung Quốc ở Ukraine về tình hình nguy hiểm tại đây, nhưng thực tế vẫn chưa có động thái sơ tán nào.

Ngày 27/2, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine cũng nhận định khó có thể thực hiện kế hoạch di tản công dân bằng các chuyến bay thuê trong giai đoạn này, nên đã từ bỏ kế hoạch thuê máy bay, thay vào đó là để công dân Trung Quốc tự đi đến biên giới Ukraine bằng đường sắt và đường bộ, sau đó sang các nước láng giềng để chờ sơ tán.

Tuy nhiên, một lưu học sinh Trung Quốc ở Kharkiv - thành phố lớn thứ hai của Ukraine – cho biết, rất khó thuê xe ở Ukraine trong thời buổi chiến sự, vì vậy các lưu học sinh phải chia nhau ra để sơ tán theo từng đợt. Kế hoạch sơ tán của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine chủ yếu dựa vào xe buýt, đến biên giới phía Tây Ukraine rồi sang các nước khác.

Theo trang BBC tiếng Trung, tính đến ngày 3/3, vẫn còn khoảng 200 lưu học sinh Trung Quốc mắc kẹt ở Sumy Oblast, đông bắc Ukraine. Một số người thường xuyên đi lại giữa ký túc xá của trường và các hầm trú bom; trong khi những người khác đã sống trong các hầm trú bom kể từ khi xung đột bùng nổ.

Lưu học sinh Trung Quốc trong một hầm trú bom tại Ukraine. Ảnh: Thời báo Hoàn cầu

Lưu học sinh Trung Quốc trong một hầm trú bom tại Ukraine. Ảnh: Thời báo Hoàn cầu

Tờ báo dẫn lời lưu học sinh Trung Quốc tại địa phương trong nhóm WeChat cho biết, một số lưu học sinh mới đến Ukraine không lâu, thậm chí họ còn chưa có thẻ tạm trú. Một số lưu học sinh đã "suy sụp tinh thần và không muốn tiếp nhận thông tin bên ngoài".

Thẩm Ngọc, một lưu học sinh Trung Quốc tại Ukraine nói với phóng viên BBC rằng, cô đã liên lạc lại với Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine vào đầu tháng 3 và được thông báo rằng tình hình địa phương đang phức tạp và xe buýt không thể đến, đề nghị cô tự sơ tán. Tuy nhiên, vào thời điểm này, nếu chỉ dựa vào bản thân lưu học sinh thì vẫn không thể rời đi.

"Chúng tôi không chỉ không thể sơ tán, mà còn đang mắc kẹt ở đây", cô Thẩm nói.

Thẩm Ngọc cho biết, đa phần người Trung Quốc ở Sumy đều là lưu học sinh, không có tổ chức thương mại hay hội đồng hương người Hoa nào có thể giúp đỡ và cũng không có chuyến xe nào sẵn sàng chạy. Ngay cả khi đặt được một chuyến xe riêng, cũng không thể tìm thấy đường để rời đi, và cũng không thể đảm bảo an toàn trên đường.

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/gia-ve-may-bay-giai-cuu-khoi-ukraine-len-toi-65-trieu-dan-trung-quoc-bi-mac-ket-than-kho-8202273121631925.htm