Gia vị bí mật trong món cơm nắm hút khách ở Nhật Bản
Cơm nắm cực kỳ phổ biến trong các cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản, được nhiều khách hàng yêu thích.
Trong rất nhiều mặt hàng tuyệt vời tại các cửa hàng tiện lợi, phục vụ cho nhịp sống hối hả của nước Nhật thời hiện đại, có lẽ thứ đắt khách hơn cả chính là cơm nắm.
Theo cách gọi của người Nhật, món cơm nắm có tên là "onigiri". Nó xuất phát từ động từ "nigiru", có nghĩa là nắm hoặc nắn. Tên gọi này phản ánh cách làm onigiri truyền thống của người dân địa phương.
Họ dùng tay bóp, nắm những hạt cơm lại với nhau tạo thành hình, đặt thêm nhân ở giữa hoặc phủ lên trên. Onigiri có nhiều hình dạng khác nhau từ tròn dẹt như chiếc đĩa hay tam giác...
Món ăn này giá hợp lý, ngon và tương đối tốt cho sức khỏe. Bạn dễ dàng tìm thấy cơm nắm ở bất kỳ cửa hàng tiện lợi nào trên đất nước Nhật Bản với đủ loại nhân như cá hồi, thịt gà, ruốc...
Một trong những thành phần "bí mật" xuất hiện nhiều trong cơm nắm ở cửa hàng tiện lợi nhưng không phải người dùng nào cũng biết, ngay cả người Nhật, đó chính là dầu. Cụ thể hơn, đó là dầu thực vật.
Đây không phải là phát hiện mới, nhưng nhiều người không biết đến bí quyết này. Do vậy, cứ vài năm lại có vụ xôn xao trên mạng xã hội khi người dùng mạng nhận thấy và chỉ ra thành phần trong cơm nắm, món ăn yêu thích của họ, theo Soranews24.
Gần đây, bài đăng trên Twitter của người dùng mạng Nhật Bản chia sẻ hình ảnh gói cơm nắm từ chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart lan truyền. Anh khá ngờ khi thấy thành phần dầu trong món ăn đơn giản, ngon miệng này. Bài đăng thu hút hàng triệu lượt xem, hàng nghìn bình luận.
Dầu thực vật không hẳn làm cho món cơm nắm ở cửa hàng tiện lợi ngon hơn, nhưng được dùng khá phổ biến, vì sao vậy?
Sở dĩ, dầu trở thành thành phần không thể thiếu trong nhiều món cơm nắm bày bán ở cửa hàng tiện lợi Nhật Bản vì 3 nguyên nhân.
Lý do đầu tiên vì dầu giúp giữ kết cấu. Thêm chút dầu vào gạo trước khi nấu sẽ tạo ra lớp phủ cho từng hạt. Do vậy, khi ép chặt lại với nhau, hạt không bị vỡ vụn, mà kết dính vừa đủ tạo nên độ sánh mịn nhẹ.
Điều này, hơi khác so với cơm nắm làm ở nhà hoặc làm ăn ngay ở cửa hàng. Thông thường, cơm nắm bày bán ở cửa hàng tiện lợi được sản xuất tại nhà máy. Sau đó, người ta vận chuyển đến các chuỗi cửa hàng, đặt trên kệ tủ lạnh để bảo quản. Nếu không có dầu, thời gian và nhiệt độ thấp sẽ khiến cơm vón cục và cứng.
Lý do thứ 2 liên quan đến cách làm cơm nắm ở cửa hàng tiện lợi. Thay vì được ép bằng tay, người ta làm cơm nắm ằng máy ép cơ học. Dầu giúp cơm không bị dính vào máy, dễ tạo hình và đồng nhất.
Lý do thứ 3 liên quan đến cách đóng gói cơm nắm. Sau khi tạo hình, cơm sẽ được bọc trong một thứ gì đó, thường là bao bì nhựa. Dầu giúp cơm không bị dính vào bao bì, thực khách có thể lấy ra ăn dễ dàng mà không bị mất phần nào.
Nếu món cơm nắm có tạo hình kém hoặc dính vào bao bì, phần nhân bên trong sẽ bị nhô ra ngoài, vừa mất thẩm mỹ, vừa gây khó khăn cho thực khách.
Tuy nhiên, một số món cơm nắm có bọc rong biến ở ngoài thường không chứa dầu. Với món cơm nắm không dùng dầu, tổng cộng chất béo khoảng 0,9 gam. Trong khi đó, món cơm nắm có dầu như trong hình người dùng chia sẻ trên mạng twitter thì chất béo cũng chỉ là 1,1 gam.
Do vậy, cơm nắm ở cửa hàng tiện lợi vẫn là một lựa chọn ăn nhẹ khá tốt cho sức khỏe. Điều cần quan tâm hơn là liệu bạn có biết mở bao bì đúng cách không.