Giả Việt kiều lừa đảo 12 tỉ đồng

Đào Thị Mộng Thường đóng vai là Việt kiều xinh đẹp, gia đình có công ty lớn, được người thân tin tưởng giao 'tay hòm chìa khóa' để lừa đảo 12 tỉ đồng của một đại gia ở Nghệ An.

TAND cấp cao tại Hà Nội vừa mở phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Đào Thị Mộng Thường (46 tuổi, trú huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cáo trạng, năm 2019, Thường lập Facebook tên Đào Ngọc Minh, giới thiệu là Việt kiều Canada để tiếp cận, làm quen anh N.V.H. (quê Nghệ An).

Thời điểm này, anh H. đang ly thân vợ nên khi cô gái tên Ngọc Minh xinh đẹp, giàu có nhắn tin làm quen, tỏ ra là người biết lắng nghe, thấu hiểu nên đồng ý làm bạn.

Ngọc Minh giới thiệu có bố là Việt kiều Canada, mẹ gốc Hồng Kông, gia đình sở hữu một hãng vận tải lớn ở Canada. Trong gia đình do cô gái Ngọc Minh “vẽ” ra, Thường là con nuôi, được giao 15% cổ phần công ty và là người gia đình Ngọc Minh tin tưởng, sử dụng tài khoản ngân hàng để giao dịch làm ăn.

Bị cáo Đào Thị Mộng Thường.

Bị cáo Đào Thị Mộng Thường.

Để vị đại gia tin tưởng, Facebook Ngọc Minh thường xuyên đăng hình ảnh một cô gái xinh đẹp, đi du lịch và check-in tại nhiều nước trên thế giới. Sau thời gian trò chuyện, vị đại gia nảy sinh tình cảm với Thường, ngỏ ý muốn “tiến xa hơn”.

Cơ quan điều tra xác định, trong thời gian từ 19/9/2019 đến 27/4/2022, bằng cách tạo ra nhiều tình huống khác nhau như cần tiền làm ăn, làm giấy tờ, tặng quà, làm thủ tục thừa kế, đầu tư đất..., Mộng Thường trong vai diễn Ngọc Minh đã được anh H. chuyển tổng cộng hơn 12,2 tỷ đồng. Từ số tiền trên, Thường chuyển cho anh trai 4 tỷ, dùng hơn 3 tỷ đồng mua quà cáp tặng ông H. và tiêu xài hết 5 tỷ.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Thường cho rằng bản thân và ông H. có quan hệ tình cảm. Số tiền ông H. chuyển cho mình là “tình phí”. Bị cáo đề nghị được đối chất với ông H. để làm rõ nội dung này nhưng bị hại từ chối, đề nghị xét xử vắng mặt.

Mặc dù bị cáo không nhận tội nhưng căn cứ kết quả điều tra, xét hỏi, tranh luận công khai tại phiên tòa, HĐXX nhận định việc truy tố bị cáo tội lừa đảo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Thường tù chung thân. Về phần dân sự, do anh trai của bị cáo đã hoàn trả 4 tỷ đồng nên tòa yêu cầu bị cáo phải trả lại cho bị hại hơn 5 tỷ đồng.

Sau đó, bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo cho biết bản thân đã suy nghĩ và nhận thức được hành vi của mình là sai. Bị cáo trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ đã mất, mong muốn nhận mức án có thời hạn để sớm trở về với gia đình.

Thường cho biết, trong quá trình điều tra, bị cáo đã nhiều lần tác động để anh trai trả lại 4 tỷ đồng cho bị hại nhưng tại phiên xét xử sơ thẩm do “hoang mang nên bị cáo quên trình bày”.

Tuy nhiên, nội dung này không thuyết phục được HĐXX, do tại phiên sơ thẩm bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Việc anh trai bị cáo chủ động trả lại số tiền nói trên là do nhận thức được nguồn gốc của nó.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo mong muốn gặp bị hại để thống nhất cách giải quyết đối với số tiền 5 tỷ đồng nói trên và cho biết sẽ tác động gia đình trả lại cho bị hại.

Theo đề nghị của bị cáo, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa để bị cáo tiếp tục tác động gia đình bồi thường cho bị hại. Nếu cần thiết, thời gian mở phiên tòa sẽ được chuyển đến gia đình để người thân của bị cáo có mặt, thống nhất việc thay bị cáo bồi thường nhằm có căn cứ xem xét nội dung kháng cáo giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Gia Ân

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/gia-viet-kieu-lua-dao-12-ti-dong-445087.html