Già với già sống để thương nhau

Nhiều mô hình hỗ trợ người già, trong đó có mô hình chính người già giúp đỡ người già, đã mang đến hiệu quả tích cực trong việc giúp cải thiện cuộc sống của người cao tuổi ở thị trấn Arnsberg của Đức.

Một người già ở Arnsberg.

Một người già ở Arnsberg.

98 tuổi vẫn có thể lái xe đi chơi

Ở tuổi 98, ông Walter Rupert vẫn khá năng động và hoàn toàn làm chủ cuộc sống của mình. Hầu hết các ngày trong tuần, ông vẫn tự lái chiếc Volkswagen Polo đã cũ tham gia các cuộc hẹn: thứ 2 họp với các thầy trợ giáo tại nhà thờ, thứ 3 dự tiệc trà với các cụ còn các ngày còn lại thì chơi cờ với những người bạn.

Là cựu binh từng tham gia Chiến tranh thế giới II, ở tuổi xưa nay hiếm, ông cụ đang sống một mình, không cần tai nghe trợ thính và cũng không cần răng giả. Mỗi ngày, khi thời tiết đẹp, ông vẫn đi bộ khắp nơi. Hôm nào trời xấu, ông ở nhà tập đi bộ trên máy chạy.

Cuộc sống của ông được xem là hình mẫu mà những người già luôn mong muốn. “Nếu may mắn, tôi có thể sống được thêm 2 năm nữa. Khi đó tôi sẽ được 100 tuổi”, ông cụ vui vẻ cho hay.

Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn trước đó, cuộc sống của ông không được hoàn hảo như vậy. 15 năm trước, vợ ông – người mà ông yêu quý nhất trong đời – được chẩn đoán bị bệnh mất trí nhớ. Khi sức khỏe và trí nhớ của bà đã kém đi rất nhiều, ông Rupert – lúc bấy giờ đã ngoài 80 tuổi – vẫn từ chối đưa bà vào trại dưỡng lão vì muốn ông bà được ở bên nhau.

Thay vào đó, cho đến tận khi bà qua đời hồi đầu năm nay, ông tự tay tắm rửa cho vợ, cho bà ăn, chăm sóc bà tỉ mỉ từng chút trong căn nhà nằm chênh vênh giữa một ngọn đồi của 2 vợ chồng. Con cháu của ông bà đều ở xa cách họ đến 3 giờ lái xe.

“6 năm qua thực sự rất khó khăn. Bà ấy không nhớ được mình tên là gì. Bà ấy không thể nói được và tôi phải nhìn vào bà ấy để xem bà ấy có bị nóng hay lạnh không, xem bà ấy có đói hay khát không. Bà ấy không đi được nên tôi phải dìu bà ấy. Cả ngày lẫn đêm, việc chăm sóc bà ấy đều dồn lên tôi”, cụ ông kể lại.

Theo nhiều chuyên gia, cuộc sống của cặp vợ chồng già khi đó chính là điển hình cho những khó khăn mà các gia đình có người già bị bệnh nói riêng và cả thị trấn Arnsberg – một thị trấn đẹp như tranh vẽ với 80.000 dân ở phía tây nước Đức – nói chung phải đối mặt trong bối cảnh bệnh mất trí nhớ tăng mạnh trong bối cảnh dân số già đi nhanh chóng.

Theo thống kê, hiện nay cứ 5 người dân của thị trấn thì có một người từ 65 tuổi trở lên. Con số này được dự báo sẽ tăng lên thành 1/3 người vào năm 2030. Cùng lúc, cứ 11 người già ở Arnsberg thì có 1 người bị mắc bệnh mất trí nhớ. Tình trạng này cũng đang xảy ra trên khắp nước Đức – nước có dân số già thứ 4 thế giới.

“Chúng tôi vẫn chưa thể thống kê được hết tác động bởi tình trạng này chưa từng xảy ra với quy mô lớn như vậy”, ông Martin Polenz – một quan chức của Sở Tương lai người già của thị trấn Arnsberg – cho biết. Thêm vào những khó khăn trong việc giải quyết tình hình là việc tại những thị trấn nhỏ như Arnsberg, những người trẻ đang có xu hướng chuyển tới những thành phố lớn hơn để tìm kiếm những cơ hội tốt hơn cho cuộc sống và công việc. Điều đó có nghĩa là những người già không còn có thể dựa vào con cái như trước.

Tuy nhiên, may mắn là giới chức Arnsberg đã bắt tay vào tìm các giải pháp đối phó với tình hình từ sớm, từ đầu những năm 1990, khi số người từ 65 tuổi ở thị trấn mới chỉ chiếm chưa đến 15% dân số. Ngay từ thời điểm đó, chính quyền thị trấn đã điều chỉnh cơ sở hạ tầng theo hướng thân thiện hơn với người già.

Ví dụ, các vỉa hè được xây lớn hơn để người già có thể di chuyển bằng xe lăn tới các cửa hàng tạp hóa mua bán các vật dụng thiết yếu hay có thể đi café, tán gẫu với bạn bè. Những chiếc ghế đá ở công viên cũng được đánh số để nếu có ai đó bị lạc hay cần giúp đỡ, họ có thể gọi điện cho lực lượng hỗ trợ và đọc đúng số ghế rồi chờ người đến giúp. “Chúng tôi không muốn những người già sống tách biệt với đời sống của thị trấn”, ông Polenz cho hay.

Người già giúp người già

Sở Tương lai người già của thị trấn cũng đã tích cực khuyến khích các giải pháp có thể huy động tinh thần cộng đồng trong việc giúp cải thiện cuộc sống cho người già ở địa phương. Năm 2011, Sở này đã phát động cuộc vận động tìm kiếm các ý tưởng hỗ trợ những người bị mắc bệnh mất trí nhớ hòa nhập cộng đồng.

Tổng cộng đã có khoảng 400 ý tưởng được thực hiện, bao gồm từ tổ chức các câu lạc bộ khiêu vũ tới các câu lạc bộ thể thao. Thậm chí các rạp xiếc cũng đã bắt đầu tuyển dụng những người già bị bệnh mất trí nhớ vào làm việc.

Cụ ông Walter Rupert.

Cụ ông Walter Rupert.

Đặc biệt, một trong những mô hình đã chứng minh được hiệu quả đáng kể trong chăm sóc người già ở Arnsberg là mô hình “người già giúp người già”, tức chính những người già tham gia tình nguyện giúp chăm sóc sức khỏe của người già hay thực hiện những ý tưởng hỗ trợ cải thiện cuộc sống của người già.

Ví dụ, sau khi tham gia một khóa đào tạo về công tác xã hội, bà Petra Fromm đã quyết định mở quán Cafe Zeitlos – có nghĩa là quán café vượt thời gian - để làm nơi cho những người già có thể tụ tập tán gẫu và làm những công việc lặt vặt. “Tôi muốn sống trong một cộng đồng có sự sẻ chia. Tôi cũng muốn tích cực hỗ trợ cộng đồng dù tuổi đã cao”, bà Fromm lý giải về hành động của mình.

Vào mỗi ngày thứ 3 hàng tuần, những người trẻ đến quán Cafe Zeitlos để hỗ trợ bà Fromm phục vụ trà và bánh ngọt cho người già. Còn người già – đối tượng chăm sóc mục tiêu – có thể vui vẻ chuyện trò, làm đồ thủ công. Khoảng cách thế hệ tại đó được rút ngắn, những người già vui vẻ vì sự có mặt của những người trẻ đầy sức sống còn những thanh thiếu niên cũng có cơ hội để hiểu được ý nghĩa của các hoạt động cộng đồng.

Trong số những người thường xuyên lui tới quán cafe đó có ông Rupert. Từ lâu, đây là nơi giúp ông có thể tái cân bằng cuộc sống sau những ngày dài vì phải chăm vợ mà ông gần như sống tách biệt với xã hội. “Mỗi tuần một lần, ông ấy đến đó để cùng chuyện trò với người khác. Đó giống như quãng thời gian để ông có thể nghỉ ngơi trước khi về nhà và tiếp tục cùng vợ chiến đấu với bệnh tật”, ông Polenz cho biết.

Sau khi vợ qua đời hồi đầu năm, ông Rupert vẫn đến quán cafe định kỳ vào mỗi thứ 3. “Ban đầu, khi mới tham gia câu lạc bộ, ông ấy khá trầm tính và ngại ngần nhưng đến nay, ông ấy đã rất hòa đồng, vui vẻ với mọi người”, bà Fromm cho biết.

Không chỉ tích cực cùng những người khác làm những con rối, ông Rupert cũng rất hào hứng khơi chuyện để không khí ở quán luôn vui vẻ. Chính nhờ tinh thần sảng khoái như vậy mà đến nay ông vẫn giữ được tinh thần minh mẫn và sức khỏe ổn định.

Còn ông Johannes Foster thì tham gia làm người tình nguyện ở một trại dưỡng lão. “Gia đình tôi sống ở xa, chúng không thể thường xuyên qua lại thăm tôi được. Nếu vào trại dưỡng lão sống, tôi sẽ phải sống một mình. Khi đó, hẳn tôi sẽ luôn ước ao có người thường xuyên đến thăm và chuyện trò để cuộc sống đỡ buồn tẻ”, cụ ông lý giải về lý do khiến ông dù đã 72 tuổi nhưng vẫn vui vẻ đóng vai một chú hề để đem đến niềm vui cho những người bạn cùng thế hệ.

Tại trại dưỡng lão, ông Foster và những người bạn sử dụng những bài hát, những trò vui đùa như một liệu pháp chữa bệnh cho người già. Họ tin rằng tiếng cười không chỉ là liều thuốc hữu hiệu nhất mà còn là công cụ giúp phá bỏ bức tường ngăn cách giữa con người với nhau, giúp tạo sự kết nối tình cảm với những người già sống trong cảnh cô đơn, lạc lõng, đặc biệt là những người bị bệnh mất trí nhớ.

Nhờ đó mà một bà cụ bị bệnh Parkinson ở trại dưỡng lão đã không nói bất cứ một từ nào trong suốt nhiều tuần, thậm chí cả chuyên gia trị liệu cũng không khiến bà mở được miệng đã cất tiếng hát khi một người tình nguyện trong bộ dạng một chú hề hát một bài hát dân gian nổi tiếng rồi giả vờ quên lời và nài nỉ!

Theo ông Polenz, với những người già vốn đã nghỉ hưu đang tìm kiếm mục đích sống thông qua việc làm gì đó có ý nghĩa cho cộng đồng, công việc thiện nguyện chính là một giải pháp hay. “Nhiều người già cảm thấy vô dụng khi không còn đi làm”, ông lý giải.

Với họ, việc tham gia các công việc thiện nguyện giúp họ lấy lại được cảm giác vẫn là một cá thể có ý nghĩa với xã hội. Một cụ già khác thậm chí đã mở một quán cafe kiêm sửa đồ để người dân trong thị trấn có thể mang những vật dụng bị hỏng như radio, đồ chơi… tới để các cụ già sửa chữa giúp. Cho đến nay, những sáng kiến này vẫn đang được thực hiện và phát huy tác dụng.

Hoàng Nam

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/lam-dep/gia-voi-gia-song-de-thuong-nhau-424154.html