Giá xăng cao nhất lịch sử đẩy hàng hóa leo thang
Sau bảy lần tăng liên tiếp, giá xăng đã tiến sát ngưỡng 30.000 đồng/lít, cao nhất trong lịch sử. Cú sốc đến từ giá xăng dầu sẽ làm tăng thêm áp lực cho lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới. Do đó, Nhà nước cần thực hiện linh hoạt chính sách tài khóa và tiền tệ, kiểm soát yếu tố gây biến động giá xăng dầu để giảm thiểu tác động xấu đối với tăng trưởng và lạm phát.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và TS Phạm Công Hiệp, Trường ĐH RMIT Việt Nam, nhấn mạnh như trên.
Nhiều yếu tố gây áp lực lên lạm phát
. Phóng viên: Chỉ số tiêu dùng bình quân hai tháng đầu năm nay tăng 1,68% so với cùng kỳ năm ngoái. Vậy theo ông, lạm phát tại Việt Nam đã bắt đầu diễn ra chưa khi con số trên vẫn nằm trong lạm phát mục tiêu dưới 4% của Chính phủ?
+ TS Nguyễn Hữu Huân (ảnh): Theo tôi, có hai yếu tố chính đang gây nên áp lực lạm phát ở Việt Nam. Thứ nhất là việc đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu vẫn đang diễn ra và sức mua của người tiêu dùng hậu đại dịch đang tăng lên trong thời gian gần đây.
Thứ hai là căng thẳng chính trị liên quan đến chiến sự giữa Nga và Ukraine, kèm theo đó là các lệnh trừng phạt cũng như trả đũa giữa Nga và Mỹ, các nước châu Âu.
Mặc dù lạm phát hai tháng đầu năm tại Việt Nam vẫn nằm trong mục tiêu dưới 4% của Chính phủ nhưng rất khó để những tháng còn lại lạm phát không tăng cao và cán đích như mục tiêu đề ra.
. Giá xăng dầu tại Việt Nam liên tục thiết lập mức kỷ lục mới, hiện đã ở mức cao nhất lịch sử. Ông đánh giá thế nào lạm phát xuất phát từ đây vì xăng dầu tác động rất lớn đến hầu hết hoạt động kinh tế?
+ TS Phạm Công Hiệp (ảnh): Việc giá dầu tăng cao sẽ gây ra lạm phát chi phí đẩy do năng lượng là nguyên liệu đầu vào cho hầu hết các ngành trong nền kinh tế.
Theo Tổng cục Thống kê, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5%, có thể thấy tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế. Hầu hết hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu.
Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỉ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất.
Chính vì thế, giá cả của hầu hết mặt hàng sẽ chịu tác động do chi phí đầu vào tăng cao. Năm 2008, chúng ta cũng đã chứng kiến rất rõ tác động trên khi giá dầu lập đỉnh kỷ lục 148 USD/thùng và lúc đó giá cả hàng hóa ở Việt Nam tăng phi mã, lạm phát lên tới hai con số.
Nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài
. Ngoài giá xăng dầu thì ông nhìn thấy yếu tố nào sẽ tác động đến lạm phát trong thời gian tới?
+ TS Phạm Công Hiệp: Kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỉ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.
Như vậy, giá xăng dầu là yếu tố trực tiếp và nhãn quan nhất có thể thấy tác động đến lạm phát, giá cả tăng cao tại thời điểm này. Tuy nhiên, tác động gián tiếp từ xung đột Nga và Ukraine lên nền kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ không thể tránh khỏi.
. Việt Nam là nền kinh tế mở, còn chịu tác động lạm phát đến từ hàng hóa nhập khẩu, ông có cho rằng đây là rủi ro kép và tác động đến xuất nhập khẩu của Việt Nam?
+ TS Nguyễn Hữu Huân: Nền kinh tế Việt Nam vẫn thâm dụng lao động và gia công là chủ yếu, đa số nguyên liệu đầu vào phục vụ xuất khẩu là từ nguồn nhập khẩu. Chính vì thế, khi lạm phát toàn cầu gia tăng sẽ tác động trực tiếp đến giá cả xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam.
Còn việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lại phụ thuộc rất nhiều yếu tố, đặc biệt là các yếu tố vĩ mô trong dài hạn, do đó tôi cho rằng việc thu hút dòng vốn FDI sẽ không chịu tác động quá mạnh bởi các yếu tố ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu chiến tranh kéo dài và mở rộng hơn, đương nhiên các yếu tố vĩ mô quốc tế sẽ xấu đi và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút FDI của chúng ta.
Sử dụng xe điện, xe đạp… để giảm chi phí
Theo TS Phạm Công Hiệp, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc quản lý chuỗi cung ứng, đặt hàng sớm khi giá còn chưa tăng cũng như tìm các nguồn hàng thay thế. Người dân cũng cần có kế hoạch tiêu dùng hợp lý và chuẩn bị tâm lý sẵn cho các kịch bản xấu hơn nếu như lạm phát gia tăng.
“Người dân cũng nên xem xét phương tiện di chuyển để thay đổi hành vi sử dụng năng lượng, giảm được chi phí không cần thiết. Ví dụ, chuyển sang phương tiện dùng năng lượng sạch và tái sử dụng như xe điện, xe đạp. Giảm việc di chuyển không cần thiết, kết hợp nhu cầu di chuyển như đi xe chung, xe buýt công cộng” - TS Hiệp khuyến nghị.
Giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực
. Năm 2022, Việt Nam đang nỗ lực phục hồi kinh tế sau giai đoạn dịch bệnh. Chúng ta cần làm gì để duy trì lạm phát mục tiêu 4% để hỗ trợ nền kinh tế?
+ TS Nguyễn Hữu Huân: Trong hai tháng đầu năm 2022, lạm phát là 1,68% nên dư địa lạm phát trong 10 tháng còn lại không còn nhiều nếu chúng ta vẫn giữ mục tiêu 4%. Chúng ta nên điều chỉnh mục tiêu này, vì nếu vẫn cố gắng đạt được mục tiêu 4% thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Việc thắt chặt quá mức để kiềm chế lạm phát năm 2009 sau khi Việt Nam phải chịu lạm phát phi mã năm 2008 là một bài học rất lớn mà chúng ta cần phải rút kinh nghiệm. Mặc dù lạm phát năm đó đạt mục tiêu nhưng lại gây ra những hệ lụy rất lớn cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế ở các năm sau.
. Ông có thể nói rõ hơn về các giải pháp mà Việt Nam nên làm?
+ TS Nguyễn Hữu Huân: Tôi cho rằng trong ngắn hạn, Chính phủ có thể hạn chế cung tiền cũng như giảm quy mô các gói kích cầu hiện tại để hạn chế phần nào lạm phát trong giai đoạn này. Bên cạnh đó cần phải gia tăng kiểm tra vốn đầu tư công tránh lãng phí, giám sát các doanh nghiệp nhà nước chặt chẽ, nhất là các đơn vị trong ngành năng lượng, nguyên vật liệu để hạn chế tối đa hiện tượng đầu cơ tích trữ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và an sinh xã hội.
Nhà nước cũng cần thực hiện linh hoạt chính sách tài khóa và tiền tệ, kiểm soát linh hoạt yếu tố gây biến động giá xăng dầu để giảm thiểu tác động xấu đối với tăng trưởng và lạm phát. Ngoài ra, việc xuất khẩu dầu thô cũng sẽ gia tăng đáng kể cho ngân sách Chính phủ năm nay khi giá dầu đang tăng giá mạnh. Vì vậy, Nhà nước có thể dùng một phần tiền này để hỗ trợ bình ổn giá xăng dầu trong nước để hạn chế lạm phát.
. Xin cám ơn hai ông.•
Giảm thuế, phí với xăng dầu là cấp thiết
Theo TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, phân tích trong mức lạm phát 1,68% của hai tháng đầu năm nay, việc tăng giá xăng dầu đã đóng góp tới 1,63 điểm phần trăm.
Vì vậy, ông đề xuất Bộ Tài chính rà soát, tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu và các loại thuế, phí, nhất là thuế bảo vệ môi trường. Từ đó nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, người tiêu dùng và doanh nghiệp sử dụng xăng dầu.
Bộ Công Thương cần kiến nghị với Chính phủ mở rộng, nâng cao năng lực kho dự trữ xăng dầu đáp ứng dài hơn nhu cầu của nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc và tác động của giá xăng dầu thế giới tăng cao đến sự ổn định và phát triển kinh tế.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia đề nghị giảm bớt phí, thuế với mặt hàng xăng dầu. Bởi thu ngân sách nhà nước sau hai tháng đầu năm đạt gần 23% dự toán và tăng hơn 10% so với cùng kỳ nên việc giảm thuế, phí với xăng dầu là điều cấp thiết.
Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/gia-xang-cao-nhat-lich-su-day-hang-hoa-leo-thang-1048411.html