Giá xăng dầu, gas biến động ra sao thời gian tới?

Ông Dương Đức Quang - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, với kịch bản cuộc xung đột giữa Iran và Israel tiếp diễn với tính cục bộ, do vậy, đà tăng nóng trên thị trường có thể sẽ giảm bớt trong thời gian tới. Giá xăng dầu trong nước sẽ chịu một số đợt điều chỉnh tăng trong các phiên điều hành tới nhưng đà tăng sẽ không quá lớn. Đối với giá khí, thị trường có thể sẽ chỉ trải qua đợt tăng nhẹ khi giai đoạn mùa đông đang tới gần.

Việc gián đoạn nguồn cung tại khu vực Trung Đông có thể đẩy giá dầu lên ngưỡng 100 USD/thùng. Ảnh tư liệu

Việc gián đoạn nguồn cung tại khu vực Trung Đông có thể đẩy giá dầu lên ngưỡng 100 USD/thùng. Ảnh tư liệu

Giá dầu có thể tiếp diễn giằng co trong vùng 70-80 USD/thùng

Theo đánh giá của MXV, từ tháng 7/2024 tới nay, thị trường dầu thô thế giới đã trải qua nhiều phiên giao dịch tăng giảm đan xen. Tuy nhiên, hai tuần trở lại đây, căng thẳng địa chính trị leo thang tại Trung Đông đã "thổi sức nóng" vào thị trường dầu thô thế giới. Chỉ tính riêng tuần giao dịch đầu tiên của tháng 10, cả hai mặt hàng dầu thô Brent và dầu thô WTI đã tăng tới gần 10%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất trong vòng một năm.

Iran tham gia trực tiếp vào xung đột sẽ khiến thị trường dầu thâm hụt

Theo ông Dương Đức Quang, Iran hiện là thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) với sản lượng khoảng 3,2 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 3% sản lượng toàn cầu. Việc Iran tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột khiến thị trường lo ngại viễn cảnh trong năm 2019 có thể quay trở lại khi nước này tấn công vào các cơ sở hạ tầng dầu thô trong khu vực và sử dụng eo biển Hormuz, cửa ngõ cho dòng chảy của 20 triệu thùng dầu/ngày làm công cụ răn đe các phe đối lập.

Tuy nhiên, đà hồi phục trên thị trường trong thời gian gần đây cũng không thể khôi phục hoàn toàn xu hướng giảm được thiết lập xuyên suốt trong giai đoạn từ tháng 7 cho tới tháng 9. Đáng chú ý, kết phiên giao dịch ngày 10/9, sức ép trên thị trường đã đẩy giá dầu thế giới xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm khi giá dầu thô Brent còn 65,75 USD/thùng, giá dầu thô WTI của Mỹ xuống mức 69,19 USD/thùng. Đối với Việt Nam, thị trường xăng dầu trong nước cũng trải qua liên tiếp các phiên điều chỉnh giảm trong quý III/2024.

Phó Tổng giám đốc MXV Dương Đức Quang cho rằng, đà tăng nóng của giá dầu được thiết lập trong thời gian gần đây xuất phát chủ yếu từ bất ổn chính trị tại Trung Đông và áp lực lãi suất giảm nhẹ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định hạ lãi suất sau hơn 2 năm thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ.

Ở thời điểm hiện tại, xung đột tại Trung Đông tạm diễn ra cục bộ nên chưa có ảnh hưởng tới dòng chảy năng lượng tại khu vực. Diễn biến “nóng” trong thời gian vừa qua phần lớn xuất phát từ tâm lý trên thị trường. Mặc dù vậy, tình hình chính trị tại khu vực vẫn đang rất căng thẳng nên thị trường cần cẩn trọng với yếu tố địa chính trị nêu trên.

Ông Quang phân tích, thị trường vẫn có những lo ngại nhất định do những kết quả trong quá khứ, tuy nhiên khả năng cho một cuộc "khủng hoảng dầu mỏ" như trong năm 1973 hay sự kiện như trong năm 2019 sẽ rất khó xảy ra. Mặc dù Israel cho biết họ có thể nhắm mục tiêu vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Iran, tuy nhiên Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của Israel, đang phản đối kế hoạch này. Việc gián đoạn nguồn cung tại khu vực Trung Đông có thể đẩy giá dầu lên ngưỡng 100 USD/thùng và điều này sẽ tạo ra áp lực rất lớn lên thị trường xăng dầu nội địa của Mỹ, một kết quả không mong muốn của chính quyền Biden, đặc biệt khi chiến dịch của Đảng Dân chủ đang đi tới những bước cuối.

Với kịch bản cuộc xung đột giữa Iran và Israel tiếp diễn với tính cục bộ, đà tăng nóng trên thị trường có thể sẽ giảm bớt trong thời gian tới. Xu hướng giá dầu qua đó có thể tiếp diễn giằng co trong vùng 70-80 USD/thùng, khó có thể tăng nóng và duy trì trên mức 100 USD/thùng như những lo ngại của thị trường.

Bên cạnh đó, mức thâm hụt trên thị trường dần thu hẹp trong thời gian tới cũng sẽ giảm thiểu đáng kể áp lực trên thị trường. Theo đánh giá của EIA, về cơ bản thị trường trong năm 2024 vẫn thiếu khoảng 600.000 thùng/ngày, tuy nhiên mức thâm hụt trên thấp hơn tới 300.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó với việc nguồn cung hồi phục từ OPEC+. Thêm vào đó, trong năm 2025, EIA cũng cho biết thị trường sẽ dần chuyển sang trại thái cân bằng trở lại. Cũng cần lưu ý rằng, với sản lượng dự phòng hơn 5 triệu thùng/ngày trong tay, OPEC+ cũng có thể làm giảm bớt sức nóng trên thị trường.

Thị trường khí đốt trải qua đợt tăng nhẹ giai đoạn mùa đông

Theo MXV, diễn biến trên thị trường khí đốt cho thấy hai xu hướng tăng giảm rõ rệt. Sau khi liên tục chịu sức ép và giảm tới hơn 30% chỉ trong vòng 2 tháng, đà hồi phục dần quay lại với thị trường trong nửa sau quý III. Hiện, giá khí đốt tại Mỹ duy trì ở mức khoảng 2,7 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh.

Cùng với đà hồi phục trên thị trường quốc tế, giá gas bán lẻ trong nước cũng ghi nhận đà tăng trong tháng thứ 3 liên tiếp. Theo Petro VietNam Gas, giá gas bán lẻ trong nước tháng 10 tăng 6.000 đồng/bình 12 kg và 22.500 đồng/bình 45 kg so với tháng 9/2024.

Ông Quang đánh giá, đà hồi phục được thiết lập khi thời điểm châu Âu chuẩn bị bước vào giai đoạn nhu cầu tiêu thụ tăng cao trong quý IV. Thêm vào đó, rủi ro nguồn cung tăng lên khi thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga -Ukraine cũng sẽ hết hạn vào cuối năm. Hiện vẫn có khoảng 42 triệu mét khối khí đốt của Nga vẫn được cung cấp cho châu Âu thông qua điểm kết nối Sudzha ở biên giới với Ukraine, bao gồm cả khu vực Transnistria của Moldova. Vậy nên việc chấm dứt dòng chảy quá cảnh của Ukraine vẫn là một nguồn rủi ro đáng kể đối với thị trường.

Phó Tổng giám đốc MXV dự báo, thị trường có thể sẽ chỉ trải qua đợt tăng nhẹ khi giai đoạn mùa đông đang tới gần với việc tồn kho tại Mỹ cũng như khu vực châu Âu đang khá dồi dào, bất chấp việc rủi ro dòng chảy từ Nga bị gián đoạn. Các địa điểm lưu trữ của EU gần như đã đầy ở mức 94,2% công suất tính đến ngày 28/9, con số này có thể còn cao hơn trong tháng 10 khi hoạt động bảo trì tại các mỏ khí của Na Uy kết thúc./.

Đức Việt

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/gia-xang-dau-gas-bien-dong-ra-sao-thoi-gian-toi-161554-161554.html