Giá xăng dầu hôm nay 13/9: Giảm mạnh mạnh thứ 2 liên tiếp
Áp lực 'kép' từ cả 2 phía cung – cầu trong bối cảnh khả năng cải thiện nhu cầu dầu yếu ớt khiến giá xăng dầu hôm nay ghi nhận tuần giảm thứ 2 liên tiếp của mặt hàng dầu thô.
Tuần qua, giá dầu thô tiếp tục chịu tác động mạnh bởi loạt các yếu tố như diễn biến của dịch Covid-19, dự trữ dầu thô Mỹ, tình hình cung – cầu dầu thô trên thị trường, triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu, căng thẳng Mỹ - Trung...
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, những yếu tố trên đã không khởi sắc như kỳ vọng, thậm chí, một số nhân tố có chiều hướng xấu đi và được thúc đẩy bởi việc một số nhà cung cấp đã quyết định điều chỉnh giảm mạnh giá bán dầu kỳ hạn.
Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu ngày 7/9 sụt giảm mạnh trong bối cảnh những quan ngại về khả năng cải thiện nhu cầu dầu trên thị trường ngày càng lớn.
Căng thẳng Mỹ và Trung Quốc vẫn không ngừng gia tăng, ngày càng mở rộng cả về quỹ mô lẫn lĩnh vực thực hiện khiến triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu luôn ở trạng thái đối diện với những rủi ro, nguy cơ lớn. Điều này đã và đang tác động mạnh đến các dự báo cải thiện nhu cầu dầu trên thị trường, qua đó dồn ép giá dầu hôm nay tiếp tục đi xuống.
Những cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ của nền kinh tế Mỹ cũng như dữ liệu kinh tế cho thấy thâm hụt thương mại của nước này đang ở mức rất lớn càng làm gia tăng những lo ngại trên và khiến giá dầu ngày 7/9 đi xuống.
Sản lượng công nghiệp Đức trong tháng 7/2020 chỉ tăng 1,2%, là tháng tăng thứ 3 liên tiếp, nhưng lại thấp hơn rất nhiều con số dự báo là 4,7% và số liệu của tháng 6/2020 là 9,3%.
Vấn đề Brexit lại “nóng” lên khi các cuộc đàm phán thương mại giữa Anh và Liên minh Châu Âu có nguy cơ không có kết quả khiến đồng Bảng Anh sụt giảm mạnh. Tờ Financial Times đưa tin hôm thứ Hai rằng chính phủ Vương quốc Anh đang lên kế hoạch cho một đạo luật mới sẽ thay thế các phần quan trọng của Thỏa thuận Brexit.
Tại châu Á, Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, ghi nhận kim ngạch xuất khẩu định danh bằng USD trong tháng 8/202 tăng trưởng 9.5% so với cùng kỳ năm trước nhưng nhập khẩu lại giảm 2,1% so với cùng kỳ, trong đó có các mặt hàng năng lượng.
Cụ thể, nhập khẩu dầu thô từ Trung Đông tiếp tục giảm 680.000 bpd so với tháng 7 xuống còn 3,44 triệu bpd (giảm tháng thứ 5 liên tiếp). Khối lượng nhập khẩu tối đa đạt vào tháng 4 (5,2 triệu bpd). Tại thời điểm ngày 7/9, có tổng cộng 38 tanker đang phải xếp hàng tại 2 cảng Qingdao và Rizhao tỉnh Sơn Đông chờ dỡ hàng nhập khẩu. Cùng kỳ, xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ tăng 1,06 triệu tấn so với tháng 7 lên 4,27 triệu tấn (cao hơn 4,8% so với cùng kỳ năm 2019). Nhập khẩu khí đốt, bao gồm cả LNG tăng hơn 2 triệu tấn lên 9,36 triệu tấn - 12,2 tỷ m3 (cao hơn 12,2% so với cùng kỳ năm 2019).
Giá dầu còn chịu áp lực giảm giá mạnh bởi việc Saudi Arabia đã giảm mạnh giá bán dầu thô tháng 10/2020 cho khu vực châu Á.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về Sản xuất và Công nghiệp hóa toàn cầu (GMIS) hôm 4/9, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho rằng, tình hình thị trường hiện đã rõ ràng hơn so với hồi tháng 4 và nhu cầu đã bắt đầu phục hồi từ mức thấp, song vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn ở phía trước, chủ yếu là do tác động của đại dịch Covid-19.
Theo ông Novak, nhu cầu dầu toàn cầu được dự báo sẽ giảm khoảng 9 -10 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang “nóng” lên từng ngày sau tuyên bố có thể cắt đứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc, đe dọa trừng phạt các công ty Mỹ tạo việc làm bên ngoài nước Mỹ… của Tổng thống Donald Trump.
Giới phân tích cho rằng, dù kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ có như thế nào thì quan điểm của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ khó có thay đổi, điều này đồng nghĩa tình trạng căng thẳng cũng khó chấm dứt. Điều này sẽ không có lợi cho thương mại toàn cầu bởi Mỹ - Trung hiện đang là những nền kinh tế, trung tâm sản xuất công nghiệp lớn nhất. Lo ngại này càng gia tăng áp lực, khiến giá dầu giảm mạnh.
Tính đến đầu giờ sáng ngày 9/9, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2020 đứng ở mức 36,42 USD/thùng, trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 11/2020 đứng ở mức 39,45 USD/thùng.
Áp lực càng gia tăng lên thị trường dầu thô khi thông tin dự trữ dầu thô của Mỹ được phát đi với thông tin dự trữ dầu thô của nước này đã tăng 2 triệu thùng trong tuần trước.
Kết thúc tuần giao dịch, giá dầu ngày 13/9 ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2020 trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 37,67 USD/thùng, trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 11/2020 đứng ở mức 39,81 USD/thùng, giảm lần lượt 1,55 USD và 1,92 USD so với đầu giờ sáng ngày 7/9 theo giờ Việt Nam.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay được niêm yết như sau: như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 14.266 đồng/lít (giảm 143 đồng/lít so với giá hiện hành); giá xăng RON 95-III không cao hơn 14.984 đồng/lít (giảm 130 đồng/lít); dầu diesel 0.05S không cao hơn 11.518 đồng/lít (giảm 443 đồng/lít); dầu hỏa không cao hơn 9.593 đồng/lít (giảm 532 đồng/lít); dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 10.943 đồng/kg (giảm 240 đồng/kg).