Giá xăng dầu hôm nay 14/1: Ghi nhận một tuần giảm giá bất chấp căng thẳng địa chính trị Trung Đông
Giá xăng dầu hôm nay 14/1, thế giới chứng kiến một tuần giảm giá bất chấp căng thẳng địa chính trị leo thang ở Trung Đông.
Giá xăng dầu hôm nay 14/1
Giá dầu bắt đầu tuần giao dịch với mức lao dốc sâu, hơn 3%, chịu tác động mạnh bởi quyết định cắt giảm giá dầu thô Arab Light sang thị trường châu Á trong tháng tới 2 USD của nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia và sản lượng của OPEC tăng trong tháng 12/2023. Theo đó, giá dầu Arab Light chỉ còn 1,5 USD/thùng - mức thấp nhất trong 27 tháng.
Tình hình xung đột ở Trung Đông vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống cùng với việc đóng cửa mỏ dầu Sharara của Libya có công suất 300.000 thùng/ngày khiến nguồn cung gián đoạn là những yếu tố hỗ trợ dầu Brent và WTI tăng khoảng 2% trong phiên giao dịch thứ 2 của tuần.
Theo Reuters, quân đội Israel cho biết cuộc chiến chống lại Hamas sẽ tiếp tục trong năm nay làm gia tăng lo ngại xung đột Israel - Hamas có thể leo thang thành một cuộc khủng hoảng khu vực.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu nhanh chóng bị ngắt quãng bởi dữ liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng vọt bất ngờ làm dấy lên lo ngại về nhu cầu tại thị trường dầu mỏ lớn nhất.
Kết thúc phiên giao dịch thứ 3 của tuần, giá dầu giảm gần 1 USD sau khi dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 5/1 bất ngờ tăng 1,3 triệu thùng lên 432,4 triệu thùng, ngược so với kỳ vọng giảm 700.000 thùng của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters. Cũng theo EIA, tồn kho xăng tăng 8 triệu thùng, tồn kho sản phẩm chưng cất tăng 6,5 triệu thùng.
Thông tin Iran bắt giữ tàu chở dầu St. Nikolas treo cờ của Quần đảo Marshall ngoài khơi bờ biển Oman đã khiến giá dầu tăng khoảng 1% trong phiên giao dịch thứ 4 của tuần. Giá dầu đã mất dần mức tăng mạnh đầu phiên sau dữ liệu cho thấy lạm phát tiêu dùng trong tháng 12/2023 của Mỹ tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức tăng 3,2% mà các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters dự kiến. Lạm phát tăng cao hơn dự kiến làm giảm kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 3 tới.
Giá dầu đã tăng, giảm đan xen tại 4 phiên giao dịch của tuần. Đến phiên giao dịch thứ 5, giá dầu đã bỏ qua quỹ đạo này và duy trì đà tăng của phiên giao dịch thứ 4.
Bất chấp việc “bỏ túi” thêm 1% do tác động của việc ngày càng nhiều tàu chở dầu chuyển hướng khỏi Biển Đỏ sau các cuộc tấn công trên không và trên biển qua đêm của Mỹ và Anh nhằm vào các mục tiêu của Houthi, giá dầu tuần này đã đánh dấu một tuần giảm giá với dầu Brent giảm 0,5% xuống mức 78,29 USD/thùng và dầu WTI giảm 1,1% xuống mức 72,68 USD/thùng.
Điểm đáng chú ý trong tuần này là giá dầu Brent đã có thời điểm bật tăng vượt mốc 80 USD/thùng và dầu WTI có thời điểm chạm 75,25 USD/thùng - mức cao nhất được ghi nhận từ đầu năm đến nay.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 14/1 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 21.041 đồng/lít.
Xăng RON 95-III không quá 21.935 đồng/lít.
Dầu diesel không quá 19.707 đồng/lít.
Dầu hỏa không quá 20.331 đồng/lít.
Dầu mazut không quá 15.815 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được điều chỉnh tăng nhẹ tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính - Công Thương chiều 11/1. Giá dầu hỏa tăng nhiều nhất, 374 đồng/lít; giá xăng RON 95-III tăng ít nhất, 19 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ trích lập Quỹ bình ổn giá đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg, không trích lập Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng, dầu diesel và dầu hỏa, không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng.
(tổng hợp)