Giá xăng dầu hôm nay 18/12: Lao dốc khi biến thể Omicron lan rộng
Giá dầu ngày 18/12 lao dốc do mối lo biến thể Omicron tiếp tục lan rộng tại nhiều quốc gia, từ đó có thể đẩy thế giới vào một giai đoạn 'khủng hoảng mới'.
Giá xăng dầu thế giới
Đầu giờ sáng ngày 18/12 (theo giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2022 đứng ở mức 70,29 USD/thùng, giảm 2,09 USD/thùng trong phiên. Giá dầu Brent giao tháng 2/2022 đứng ở mức 72,99 USD/thùng, cũng giảm tới 2,03 USD/thùng trong phiên.
Giá dầu ngày 18/12 lao dốc do mối lo nhu cầu giảm mạnh khi dịch COVID-19 với biến thể Omicron tiếp tục lan rộng tại nhiều quốc gia, từ đó có thể đẩy thế giới vào một giai đoạn “khủng hoảng mới”.
Về dài hạn, giá dầu vẫn được dự báo lạc quan
Trước làn sóng mới của dịch COVID-19, nhiều nước châu Âu như Anh, Ý, Bỉ… đã công bố áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại như một biện pháp cấp bạch để ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen mới đây cũng cảnh báo nước này có thể áp đặt thêm các biện pháp hạn chế để chống lại sự lây lan của biến thể này.
Còn tại Mỹ, trước tốc độ lây lan của biến thể Omicron, nhiều công ty đã tuyên bố hoãn kế hoạch mở lại văn phòng.
“Dầu thô tiếp tục đối mặt với những sóng gió đáng kể từ biến thể Omicron, với triển vọng nhu cầu vào đầu năm tới sẽ bị ảnh hưởng”, nhà phân tích Craig Erlam của OANDA nhận định.
Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, giá dầu hôm nay cũng ghi nhận dự báo đầy lạc quan của Goldman Sachs. Trong báo cáo phân tích mới nhất, Goldman Sachs nhận định giá dầu có thể lên 100 USD/thùng vào năm 2023 khi nguồn cung chậm được cải thiện, trong khi nhu cầu sẽ thiết lập các mức cao kỷ lục mới.
Goldman Sachs cũng cho rằng thị trường đang phản ứng một cách thái quá bởi sự xuất hiện của biến thể Omicron.
Theo Damien Courvalin, Giám đốc nghiên cứu năng lượng tại Goldman Sachs, giá dầu phải cao hơn do chi phí vốn tài trợ cho các dự án. Ông Courvalin thậm chí còn nhận định giá dầu có thể lên đến 110 USD/thùng nếu nguồn cung không theo kịp nhu cầu và thị trường cần giảm cầu để cân bằng.
Giá xăng dầu trong nước
Ngày 10/12, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã ra quyết định điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ tính giá 15 ngày, kể từ 15 giờ cùng ngày.
Trong kỳ điều hành này, Liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giảm mạnh giá toàn bộ mặt hàng xăng dầu.
Theo đó, giá xăng E5RON92 sau điều chỉnh không cao hơn 22.082 đồng/lít (giảm 835 đồng/lít); giá xăng RON95-III không cao hơn 22.801 đồng/lít (giảm 1.101 đồng/lít).
Giá dầu diesel 0.05S sau điều chỉnh không cao hơn 17.334 đồng/lít (giảm 1.048 đồng/lít); giá dầu hỏa không cao hơn 16.322 đồng/lít (giảm 875 đồng/lít); giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 15.745 đồng/kg (giảm 732 đồng/kg).
Liên Bộ cũng thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5RON92 ở mức 250 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 700 đồng/lít, dầu diesel ở mức 250 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 500 đồng/lít, dầu mazut ở mức 700 đồng/kg; không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Theo Liên Bộ, giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 10/12/2021 đều giảm. Đối với các mặt hàng xăng, giá giảm trên 9,5%; các mặt hàng dầu giảm trên 8,6% so với kỳ trước.
Nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ Bình ổn giá ở mức cao. Từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ Bình ổn giá đã chi liên tục với mức chi từ 100-2.000 đồng/lít/kg.