Giá xăng dầu hôm nay 20-1: Dầu thô trở lại đỉnh 88,44 USD
Sau khi giảm nhẹ, giá dầu Brent lại quay đầu chinh phục đỉnh mới lập 88,44 USD trong khi giá dầu WTI bất ngờ giảm. Giá dầu hôm nay 20-1 tồn tại hai sắc màu xanh-đỏ.
Giá xăng dầu thế giới
Theo oilprice, lúc 6 giờ 20 phút ngày 20-1 (giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 2 giảm 0,82%, tương đương 0,71 USD, xuống 86,25 USD/thùng.
Cùng thời điểm, dầu thô Brent giao tháng 3 được giao dịch ở mức 88,44 USD/thùng, tăng 0,93 USD, tương đương 1,06%.
Giá dầu nói trên đã giảm so với giá dầu phiên giao dịch một ngày trước đó. Ngày 19-1, Reuters đưa tin, giá dầu Brent giao tháng 3 đã tăng 93 cent, tương đương 1,1%, lên 88,44 USD/thùng. Trong phiên giao dịch ngày 19-1, dầu Brent từng có lúc chinh phục đỉnh cao mới 89,13 USD/thùng - mức cao nhất kể từ ngày 13-10-2014.
Trong khi đó, giá dầu WTI cũng tăng mạnh tới 1,53 USD lên 86,96 USD/thùng - mức cao nhất kể từ ngày 9-10-2014.
Những tưởng rằng càng lên cao, đà “leo dốc” sẽ càng giảm, nhưng ngược lại, giá dầu ngày 19-1 đã “leo dốc” với tốc độ cao, khi Brent leo gần 1 USD, WTI hơn 1,5 USD. Tiếp thêm năng lượng cho giá dầu chính là vụ cháy đường ống dẫn dầu từ Iraq đến Thổ Nhĩ Kỳ ở phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ do cột điện cao thế đổ vào. Điều này khiến nguồn cung dầu sẽ tạm thời bị gián đoạn, làm gia tăng lo ngại về triển vọng nguồn cung ngắn hạn vốn đã eo hẹp.
Tuy nhiên, rất nhanh chóng sau đó, lưu lượng dầu đã được phục hồi thông qua đường ống dẫn dầu Kirkuk-Ceyhan chuyển dầu thô từ miền bắc Iraq đến cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ để xuất khẩu. Iraq là nước sản xuất dầu lớn thứ hai trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Điều đáng quan ngại là sự tấn công vào Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE)- nhà sản xuất lớn thứ 3 của OPEC- của nhóm phiến quân Houthi ở Yemen và sự hiện diện của quân đội của Nga - nhà sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới- gần biên giới Ukraine, làm dấy lên lo ngại về sự gia tăng “gián đoạn” nguồn cung.
Theo Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, mặc dù giá dầu 90 USD/thùng có thể kích hoạt một số chốt lời nhưng thực tế là giá dầu có thể sớm lên 100 USD/thùng.
Nhiều quan chức của OPEC và các nhà phân tích cũng cho rằng giá dầu có thể tiếp tục tăng cao vào những tháng tới và lên tới 100 USD/thùng do nhu cầu phục hồi bất chấp sự “vòi bạch tuộc” của Omicron vẫn vươn xa.
Nhà phân tích thị trường dầu cao cấp của Rystad Energy, Louise Dickson, cho biết: nguồn cung giảm ở Libya, Ecuador và Kazakhstan, cùng với việc hạ cấp các dự báo của Mỹ, Nga và Brazil, đã khiến nguồn cung thấp hơn 1 triệu thùng/ngày trong tháng này so với dự báo trước đó.
Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng quốc tế cho biết thị trường dầu mỏ sẽ chuyển sang dư cung trong quý đầu tiên của năm do một số nhà sản xuất dự kiến bơm bằng hoặc cao hơn mức cao nhất mọi thời đại. Dư cung cũng sẽ dẫn đến tồn kho tăng lên.
Ngày 19-1, trong một cuộc họp báo, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông sẽ cố gắng tăng nguồn cung dầu.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 20-1 cụ thể như sau: xăng E5 RON 92 không quá 23.159 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 23.876 đồng/lít; dầu diesel không quá 18.239 đồng/lít; dầu hỏa không quá 17.138 đồng/lít và dầu mazut không quá 16.362 đồng/kg.
Dự báo, trong kỳ điều hành giá ngày mai, 21-1, của liên bộ Tài chính - Công Thương, giá xăng dầu trong nước sẽ tăng mạnh theo đà tăng của xăng dầu thế giới. Nếu đúng như dự báo, thì đây sẽ là lần tăng thứ hai trong năm 2022.