Giá xăng dầu hôm nay 5/1/2024 duy trì đà tăng trước nỗi lo gián đoạn nguồn cung
Giá xăng dầu hôm nay 5/1/2024 trên thị trường quốc tế duy trì đà tăng trước nỗi lo nguồn cung bị gián đoạn. Còn tại thị trường trong nước, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm từ chiều qua.
Giá xăng dầu trong nước hôm nay 5/1/2024
Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay 5/1 được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 4/1 của liên bộ Tài chính - Công Thương.
Theo đó, giá xăng dầu được điều hành theo hướng giảm đồng loạt, có loại xuống 21.000 đồng/lít.
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 giảm 180 đồng/lít, giá bán về mức 21.006 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm 232 đồng/lít, giá bán lẻ là 21.916 đồng/lít.
Giá dầu diesel giảm 420 đồng/lít, xuống mức 19.368 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 500 đồng/lít, giá bán là 19.957 đồng/lít. Giá dầu mazut giảm 190 đồng/kg, xuống mức 15.495 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 5/1/2024
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 5/1 duy trì đà tăng từ hai phiên trước.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h01' ngày 5/1 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 77,83 USD/thùng, tăng 0,24 USD, tương đương 0,31% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 72,54 USD/thùng, tăng 0,35 USD, tương đương 0,48% so với phiên liền trước.
Hôm 4/1, giá xăng dầu vẫn trong xu hướng tăng. Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 20h10' ngày 4/1 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 78,76 USD/thùng, tăng 0,51 USD, tương đương 0,65% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 73,33 USD/thùng, tăng 0,63 USD, tương đương 0,87% so với phiên liền trước.
Giới phân tích cho biết giá dầu duy trì đà tăng trước nỗi lo nguồn cung toàn cầu bị gián đoạn.
Đặc biệt, tâm lý lo ngại nguồn cung gián đoạn tại Libya đang là chất xúc tác chính thúc đẩy giá dầu đi lên.
Ngày 3/1, mỏ dầu Sharara (mỏ dầu lớn nhất của Libya, có thể sản xuất lên đến 300.000 thùng/ngày) đã phải đóng cửa hoàn toàn do tác động của các cuộc biểu tình tại địa phương.
Còn mỏ dầu El-Feel (với công suất khoảng 65.000 thùng/ngày) ở gần khu vực mỏ dầu Sharara cũng đối mặt với rủi ro gián đoạn sản xuất.
Libya là thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), sản xuất khoảng 1,2 triệu thùng/ngày, tương đương 1% nhu cầu dầu toàn cầu.
Cùng với đó, tình hình chiến sự leo thang ở Israel và những bất ổn với hoạt động vận tải biển ở khu vực Biển Đỏ cũng tác động tới thị trường dầu.
Các cuộc tấn công tại Biển Đỏ vẫn chưa dừng lại. Lực lượng Houthi tiếp tục tấn công các tàu thuyền, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông, khiến các tuyến đường thủy vận chuyển dầu quan trọng như Biển Đỏ và Vịnh Ba Tư sẽ phải đóng cửa.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng được hỗ trợ bởi dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API), cho thấy tồn kho dầu thương mại của Mỹ giảm mạnh 7,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 29/12/2023. Con số này cao gấp đôi mức giảm dự báo được đưa ra trong cuộc khảo sát trước đó của hãng tin Reuters.