Giá xăng, dầu tăng ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp

Ngày 27/7, giá xăng, dầu trong nước được đồng loạt điều chỉnh giảm nhẹ, tuy nhiên tính trong 8 tháng qua (từ ngày 11/11/2020), giá xăng E5 RON 92 tăng hơn 6.500 đồng/lít, xăng RON 95 tăng gần 7.000 đồng/lít. Kể từ đầu tháng 2 đến nay, giá xăng đã có 9 lần tăng và 2 lần giảm, giữ nguyên.

Tình hình tăng giá xăng, dầu nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đang gây nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Các doanh nghiệp vận tải hành khách chịu ảnh hưởng kép của dịch bệnh và giá xăng, dầu tăng.

Các doanh nghiệp vận tải hành khách chịu ảnh hưởng kép của dịch bệnh và giá xăng, dầu tăng.

Đều đặn mỗi ngày, chị Bùi Thị Duyên, phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai) di chuyển quãng đường khoảng 20 km xuống làm việc tại một doanh nghiệp thuộc Khu Công nghiệp Tằng Loỏng. Thời gian qua, xăng tăng giá đã ảnh hưởng tới việc chi tiêu của gia đình chị. Chị Duyên cho biết: Xăng tăng giá khiến gia đình mất thêm một khoản chi phí so với trước. Trong thời điểm công việc gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, chi phí đi lại tăng đã gây áp lực cho gia đình.

Ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, xăng, dầu tăng giá còn tác động đến hoạt động kinh doanh của các hãng taxi trên địa bàn. Anh Nguyễn Văn Đoàn, lái xe taxi cho biết: Mỗi ngày chạy xe được khoảng 300.000 đồng thì tiền xăng mất gần 100.000 đồng, trừ chi phí góp xe, phí điện đàm cho hãng, phí cầu đường… tính ra chạy xe gần như không có lãi. “Nếu xăng tăng giá lần nữa có khi tôi phải bán xe chuyển sang nghề khác”, anh Đoàn chán ngán nói.

Các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định nội, ngoại tỉnh cũng như ngồi trên đống lửa, bởi ảnh hưởng của dịch bệnh nên hành khách đi lại thưa thớt cộng với xăng, dầu tăng giá khiến họ đang gặp khó khăn kép. Tại Bến xe trung tâm Lào Cai, hàng chục xe khách xếp thành hàng dài, một số hãng cho lái xe nghỉ việc không lương.

Xăng dầu tăng giá ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống.

Xăng dầu tăng giá ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống.

Trong khi đó, các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa cũng đang đau đầu để tính toán lại các hợp đồng đã ký kết. Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Huy Khánh cho biết: Các hợp đồng vận chuyển hàng hóa đều được doanh nghiệp ký kết với các đối tác trước thời điểm giá xăng, dầu điều chỉnh tăng giá, vì vậy khi giá xăng, dầu biến động, doanh nghiệp phải chịu thiệt đơn, thiệt kép và đang phải gồng mình cắt giảm chi phí để bù lỗ. “Trong thời điểm khó khăn như hiện nay, chúng tôi duy trì đầu xe để duy trì việc làm cho người lao động và đỡ lãng phí xe chứ hầu như lợi nhuận không đáng kể. Một hợp đồng lớn trước đây đã ký kết cũng chưa thực hiện được bởi chênh lệch giá quá lớn sau khi giá xăng, dầu tăng”, ông Tuấn cho biết.

Ngoài lĩnh vực vận tải thì các doanh nghiệp xây dựng cũng ảnh hưởng không nhỏ khi giá nhiên liệu tăng. Có những doanh nghiệp sử dụng hàng chục xe, máy các loại phục vụ thi công công trình, hằng ngày tiêu thụ lượng lớn dầu diesel. Nhiên liệu tăng giá mạnh khiến chi phí phát sinh thêm hàng chục triệu đồng mỗi tháng so với cách đây hơn 1 năm.

Giá xăng, dầu tăng đã ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển và điều lo ngại nhất là hiệu ứng tăng giá dây chuyền tác động đến giá cả của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ trên thị trường và cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu. Để tránh tình trạng “tát nước theo mưa”, các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát chặt các phương án kê khai giá, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, tăng giá bất hợp lý nhằm thu lợi bất chính.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/345615-gia-xang-dau-tang-anh-huong-den-nguoi-dan-va-doanh-nghiep