Giá xăng dầu tăng kỷ lục: Tàu thuyền 'trùm mền', vận tải khó cầm cự

Việc giá xăng dầu tăng mạnh trong thời gian gần đây đã tác động không nhỏ đến cuộc sống của người dân, doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp lo ngại việc tăng chi phí, dẫn đến giá thành sản phẩm, dịch vụ cũng phải tăng theo.

Theo ngư dân tại bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay nhiều tàu thuyền đã phải hủy kế hoạch ra khơi đầu năm do chi phí nguyên liệu vận hành đội lên cao, trong khi ngư trường đánh bắt lại ngày càng cạn kiệt, giá hải sản lại thấp. Cùng với giá xăng dầu tăng như hiện nay, bình quân mỗi chuyến biển chi phí của ngư dân phải tăng thêm từ 20-25%. Nếu như vào những năm trước - thời điểm ngư dân Bà Rịa-Vũng Tàu phấn khởi vì được mùa được giá thì năm nay ngư dân lại phải lo làm sao đủ bù các phí tổn cho mỗi chuyến biển.

Ông Nguyễn Thanh Minh, ấp Phước Lợi, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền cho biết, từ đầu tháng 2/2022 tới nay, tàu cá của ông vẫn nằm bờ do giá nhiên liệu tăng cao. Theo tính toán của ông Minh, trung bình mỗi chuyến đi từ 15-20 ngày, tàu ông sẽ chi phí hết khoảng 100 - 120 triệu đồng, song từ ngày xăng dầu tăng, chi phí đã dội lên tận 200 triệu đồng, trong khi đó, sản lượng hải sản thu về chỉ khoảng được 1 tấn cho mỗi chuyến đi, không đủ để chi phí chứ chưa nói gì tới lời lãi.

Tàu đánh cá của gia đình ông Nguyễn Văn Tới, xã Phước Lợi cũng đã nằm bờ gần 4 tháng nay bởi lý do đánh bắt không có lãi. Ông Tới cho hay, với những tàu công suất càng lớn, đi càng dài ngày như tàu của gia đình ông thua lỗ càng lớn. Riêng từ đầu năm 2022, gia đình ông đã lỗ hàng trăm triệu đồng cho 5 tàu cá đánh bắt xa bờ.

Không chỉ người dân chịu tác động từ việc giá xăng dầu liên tục tăng cao, mà nhiều doanh nghiệp vận tải càng thêm áp lực việc phải thay đổi giá cước. Theo ông Tạ Long Hỷ - Phó tổng giám đốc hãng taxi Vinasun kiêm Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM cho biết: Hiện nay Vinasun và các doanh nghiệp taxi trên địa bàn TP.HCM đã hoạt động ổn định trở lại.

Ảnh minh họa.

Theo tính toán của ông Hỷ, chi phí xăng dầu đang chiếm 35 - 40% tổng chi phí mỗi cuốc xe di chuyển. Với giá xăng cao như hiện nay, trong khi giá cước taxi vẫn chưa thay đổi, các doanh nghiệp đang phải cầm cự chưa tăng giá. "Từ trước, trong và sau Tết Nguyên đán, giá cước taxi tại TP.HCM vẫn ổn định. Ngoài ra, nếu giá xăng tiếp tục tăng thì buộc phải thay đổi giá cước bởi xăng dầu là 'máu' của doanh nghiệp vận tải. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác như hàng hóa dịch vụ... Cuối cùng người tiêu dùng là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nhất", ông nói.

Về vận tải hàng hóa, ông Trần Văn Thành - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận chuyển Á Châu - cho biết trước Tết Nguyên đán 2022, khi giá xăng tăng mạnh, công ty ông đã điều chỉnh tăng giá cước. Ông Thành chia sẻ: "Nếu xăng dầu tiếp tục tăng sốc, đơn vị sẽ buộc phải điều chỉnh thêm. Hiện chi phí xăng dầu chiếm khoảng 35% tổng chi phí của doanh nghiệp, do đó khi giá mặt hàng này tăng, cước vận chuyển cũng phải điều chỉnh tương ứng".

Theo ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, hiện nay hoạt động vận tải hành khách vẫn chỉ hoạt động lại ở mức khoảng 50% so với giai đoạn trước. "Doanh nghiệp vận tải hành khách và du lịch đang trên đà phục hồi thì lại bị dìm xuống bởi giá xăng dầu tăng kỷ lục", ông đánh giá.

Về kiềm đà tăng giá xăng dầu, ông Tính cho rằng, liên Bộ Công Thương - Tài Chính nên đề xuất với Chính phủ giảm thuế và phí trong xăng dầu bởi trong một lít xăng dầu, riêng thuế phí đã chiếm rất cao. Đồng thời sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu để hạ nhiệt giá.

Mặt khác, về phía doanh nghiệp, hợp tác xã, ông cho rằng vận tải hành khách và du lịch mới phục hồi do đó nhu cầu đi lại chưa cao, nếu tăng giá phải tăng ở mức độ vừa phải và có độ trễ so với giá xăng dầu.

"Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vận tải phải biết cách cân đối, tiết kiệm chi phí nhiên liệu để tăng năng suất lao động và giá thành vận tải không biến động khi giá tăng lên", lãnh đạo hiệp hội này đề xuất.

Cùng chung nỗi lo của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, một số doanh nghiệp sản xuất cũng lo ngại bởi giá cả sản phẩm cung ứng ra thị trường cũng sẽ tăng giá theo. Bà Nguyễn Trần Ngọc Trinh - Giám đốc Công ty TNHH Vnflour - đơn vị sản xuất và cung cấp bột mì cho các thương hiệu Vifon, Thiên Hương Food, C.P Food,... thừa nhận hiện giá xăng và nguyên vật liệu tăng mạnh ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

"Từ năm 2021 đến đầu năm nay, giá lúa mì đã tăng gần 100% thậm chí có thời điểm hơn, từ hơn 200 USD/tấn tăng lên 300 - 400 USD/tấn. Do đó giá bột mì cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất cũng buộc phải thay đổi theo tỷ lệ thuận với giá nguyên liệu đầu vào của đơn vị", bà Trinh phân tích.

Theo lãnh đạo Vnflour, giá xăng dầu tăng ảnh hưởng rất lớn đến giá thành vận chuyển, điều này đồng thời tác động đến giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất. Một số sản phẩm của đơn vị đã phải điều chỉnh tăng 5 - 10%, thậm chí hơn. "Tuy nhiên việc tăng giá bán hàng hóa trong nước hiện nay vẫn rất khó vì sức mua vẫn thấp", bà Trinh đánh giá.

Thực tế ngay sau Tết Nguyên đán 2022, nhiều nhà phân phối, nhà bán lẻ, đại lý bán hàng đã nhận được thông báo tăng giá từ nhà sản xuất với nhiều mặt hàng thiết yếu như sữa, gạo, đồ uống, thực phẩm đồ hộp, đồ gia dụng...

Cụ thể, từ ngày 15/2, Công ty TNHH Frieslandcampina Việt Nam thông báo giá bán lẻ mới, 21 sản phẩm sữa dinh dưỡng công thức cho trẻ từ 0 - 6 tuổi đều tăng giá trong phạm vi 5%. Tương tự vào cuối năm 2021, Vinamilk và Nestlé cũng đồng loạt điều chỉnh giá các sản phẩm trong phạm vi 5%.

Chiều 21/2, Liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định tăng giá hàng loạt các mặt hàng xăng, dầu. Cụ thể, giá xăng E5 tăng thêm 961 đồng lên 25.532 đồng/lít, xăng A95 tăng 965 đồng lên 26.287 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng 936 đồng lên 20.801 đồng/lít, giá dầu hỏa tăng 758 đồng lên 19.509 đồng/lít, giá dầu mazut tăng 273 đồng lên 17.932 đồng/kg. Đây là lần tăng thứ năm giá xăng liên tiếp và là đợt tăng thứ tư trong năm nay.

Liên bộ Công Thương - Tài chính liên tục chi mạnh quỹ bình ổn giá để kiềm chế mức tăng giá xăng dầu trong nước. Ở kỳ điều chỉnh này, mức chi sử dụng Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 ở mức 250 đồng/lít (kỳ trước là 200 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 100 đồng/lít (kỳ trước không chi), dầu diesel ở mức 300 đồng/lít, dầu hỏa và dầu mazut không chi.

Thanh Tùng

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/gia-xang-dau-tang-ky-luc-tau-thuyen-trum-men-van-tai-kho-cam-cu-64521.html