Giá xăng tăng, công nhân nghỉ việc và lạm phát giáng đòn mạnh vào các nhà máy Mỹ

Lạm phát gia tăng đang làm gián đoạn mọi thứ tại các nhà máy Mỹ vốn đã chịu căng thẳng.

Công nhân vận hành máy cắt kim loại tại nhà máy Gent Machine ở Cleveland. Ảnh: Reuters

Công nhân vận hành máy cắt kim loại tại nhà máy Gent Machine ở Cleveland. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, tại BCI Solutions Inc., một xưởng đúc kim loại ở Bremen (bang Indiana), 14 công nhân đã bỏ việc trong hai tuần qua, chiếm hơn 7% tổng số lao động của công ty và là một con số chưa từng có tiền lệ so với thời trước đại dịch COVID-19. BCI từ lâu đã phải vất vả giữ chân người lao động nhưng chưa bao giờ có nhiều công nhân nghỉ việc như vậy trong một khoảng thời gian ngắn như thế.

Giám đốc điều hành công ty, ông J.B. Brown cho rằng số công nhân nghỉ việc đột ngột nhiều là do giá xăng tăng mạnh sau xung đột Ukraine-Nga, làm chao đảo thị trường năng lượng toàn cầu. Theo Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA), xăng không chì thông thường đạt mức giá kỷ lục 4,33 USD/galon (3,7 lít) ngày 11/3, tăng 85 cent trong một tháng.

Ông nói: “Khi xăng tăng, mọi người muốn làm việc gần nhà hơn”. Khi tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực nông thôn xung quanh hạt Marshall dưới 1%, thì mọi người rất dễ kiếm những công việc đó. Trong một số trường hợp, ông Brown cho biết công nhân không muốn nghỉ việc nhưng phải nghỉ vì người đi chung xe tới chỗ làm đã nghỉ việc.

Làn sóng gián đoạn hiện nay xảy ra đúng lúc nhiều nhà sản xuất cảm thấy đã có thể giải quyết phần nào các vấn đề chuỗi cung ứng và lao động do đại dịch COVID-19 gây ra. Ví dụ, lượng hàng tồn đọng tại các cảng lớn ở Mỹ đã giảm trong những tuần gần đây.

Hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá đầy đủ xem cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ làm chậm quá trình phục hồi hoạt động như thế nào hay là sẽ tạo ra những vấn đề mới.

Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương này sẽ bắt đầu tăng lãi suất cẩn trọng tại cuộc họp sắp tới khi phải cân bằng giữa mối đe dọa lạm phát cao và những rủi ro phức tạp mới do cuộc chiến ở Ukraine gây ra. Tuy nhiên, ông cũng cho biết FED sẽ sẵn sàng hành động mạnh mẽ hơn nếu lạm phát không hạ nhiệt nhanh chóng như mong đợi.

Theo ông Powell, xung đột Ukraine-Nga là nhân tố có thể gây ra những hậu quả khó lường.

Một số trong những yếu tố khó đoán đó đã tác động mạnh đến các nhà máy. Tại công ty Gent Machine (Cleveland), công việc đấu thầu gói kinh doanh mới đã bị gián đoạn.

Ông Rich Gent, người điều hành công ty gồm 50 nhân viên, cho biết trong 5 tháng qua, ông đã làm việc với một khách hàng muốn nhà máy của ông sản xuất các bộ phận bằng thép không gỉ. Trong khi đó, giá thép không gỉ, cũng như giá hầu hết các kim loại, đã tăng vọt trong thời kỳ đại dịch và nguồn cung vẫn khan hiếm.

Đầu tuần này, khi ông Gent gọi điện cho 5 nhà cung cấp kim loại, không ai có thể cung cấp hàng cho ông với số lượng và giá mà ông chấp nhận được. Sản xuất đồ không gỉ cần niken. Vì Nga là nước sản xuất niken lớn nên giá niken đã tăng mạnh.

Hai nhà cung cấp của ông Gent cho biết họ chỉ có thể giao hàng sau hai tháng nữa và giá sẽ là giá giao ngay vào ngày vận chuyển. Những người khác thậm chí không thể cam kết cung cấp kim loại đó. Họ bảo sớm nhất là tháng 11 mới có hàng.

Ông Austin Ramirez, Giám đốc điều hành công ty Husco, cho biết cuộc khủng hoảng cho thấy các chuỗi cung toàn cầu gắn bó chặt chẽ với nhau thế nào và có thể tạo ra nhiều điều khó lường. Công ty Husco sản xuất các bộ phận máy móc ô tô, không có hoạt động kinh doanh nào liên quan Nga hoặc Ukraine. Tuy nhiên, ông Ramirez nói: “Nhưng Ukraine cung cấp gang cho châu Âu và chúng tôi mua từ các xưởng đúc mà các xưởng này lại đang thiếu gang”.

Ông nói: “Mối lo ngại lớn nhất của tôi bây giờ là vấn đề Ukraine, tình trạng thiếu chất bán dẫn và mọi thứ khác trong lĩnh vực hậu cần toàn cầu sẽ kết hợp lại, gây ra hạn chế về mức cầu”.

Trong khi doanh nghiệp vẫn phát triển mạnh mẽ, nhưng ngày càng có nhiều khách hàng hủy đơn đặt hàng vì họ không thể mua các phụ tùng từ các nhà cung cấp khác. Ông Ramirez cho biết: “Chúng tôi làm mọi việc, bỏ ra mọi chi phí để mua vật liệu để rồi khách hàng lại hủy đơn hàng vào phút chót”.

Lần đầu tiên kể từ trước đại dịch COVID-19, ông Ramirez cho biết mình bắt đầu lo lắng về việc nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Ông nói: “Đầu năm nay, có vẻ như mọi thứ đã tốt hơn một chút. Còn bây giờ, có cảm giác như chúng tôi lại đang đi ngược gió”.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/gia-xang-tang-cong-nhan-nghi-viec-va-lam-phat-giang-don-manh-vao-cac-nha-may-my-20220315103815560.htm