Giá xăng tăng, doanh nghiệp khó khăn chồng chất

Dự báo trong kỳ điều hành hôm nay (11-10), giá mỗi lít xăng có thể tăng thêm từ 800-1.000 đồng/lít so với hiện hành. Giá xăng tăng là mối lo đối với doanh nghiệp, người dân.

Giá xăng dầu tăng liên tiếp trong thời gian qua

Giá xăng dầu tăng liên tiếp trong thời gian qua

Là doanh nghiệp trực tiếp hoạt động kinh doanh xăng dầu, ông Nguyễn Văn Tiu- Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP xăng dầu Tự Lực I cho hay, tiêu thụ xăng dầu đã giảm rất mạnh trong thời điểm giãn cách xã hội. Để đảm bảo được hoạt động kinh doanh, mức chiết khấu bình quân phải từ 1.000 đồng/lít trở lên. Tuy nhiên, nhiều tháng nay, mức chiết khấu tại kho đầu mối mà nhà phân phối nhận được chỉ còn khoảng 200 - 400 đồng/lít với dầu và từ 500 - 600 đồng/lít với xăng.

"Do đó, nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, các đại lý, thương nhân phân phối sẽ càng khó khăn, thua lỗ bởi đặc thù ngành xăng dầu là bắt buộc phải mở cửa bán hàng" – ông Nguyễn Văn Tiu nói.

Trên thực tế, có doanh nghiệp xăng dầu đã không mặn mà với hoạt động kinh doanh xăng dầu vì lợi nhuận thấp nên bất chấp quy định, vẫn tạm đóng cửa “về ăn cơm”. Trường hợp này đã bị lực lượng quản lý thị trường phát hiện, kiểm tra, xử phạt.

Không chỉ với thương nhân phân phối, doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cũng cho rằng, giá xăng tăng mạnh thời gian qua cũng khiến doanh nghiệp khó xoay xở. Để giữ giá bán hợp lý theo yêu cầu của cơ quan quản lý, quỹ bình ổn giá liên tiếp chi sử dụng ở mức cao trong suốt thời gian dài. Tình trạng chi nhiều hơn thu, tiêu thụ xăng dầu giảm sút đã khiến doanh nghiệp âm quỹ.

Để giảm giá xăng dầu hoặc giữ ổn định, các doanh nghiệp cho rằng, cần giảm một số loại thuế, phí của mặt hàng này, như thuế bảo vệ môi trường.

Giá xăng dầu tăng, đương nhiên các doanh nghiệp vận tải sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Đại diện một doanh nghiệp vận tải cho biết, giá xăng tăng liên tiếp trong thời gian qua đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của đơn vị. Ước tính, từ tháng 7 đến tháng 9-2021, chi phí vận tải của doanh nghiệp đã tăng khoảng 15%. Do dịch bệnh, đầu xe chạy thấp, song chi phí kho bãi, kiểm dịch… đã tăng mạnh, kèm theo áp lực từ giá xăng dầu.

Là mặt hàng đầu vào của sản xuất nên giá xăng tăng sẽ kéo theo giá nhiều mặt hàng nhích lên, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Trong giai đoạn khôi phục kinh tế, việc giá cả đầu vào tăng sẽ là một rào cản đáng lo ngại.

Theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh 15 ngày 1 lần. Theo đánh giá của các chuyên gia, diễn biến giá xăng dầu trong nước đã theo khá sát diễn biến giá xăng dầu thế giới.

Giá xăng dầu thế giới liên tục tăng mạnh thời gian qua. Giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore tính đến ngày 4-10 biến động mạnh so với chu kỳ nửa tháng trước. Giá mỗi thùng xăng RON 92 và RON 95 giai đoạn này đều tăng khoảng 5%, lần lượt là 86,6 USD và 88,2 USD. Giá dầu hỏa bình quân là 86,39 USD một thùng và có thời điểm lên gần 88 USD.

Do đó, để ngăn đà tăng của giá xăng dầu trong nước, giảm thuế, phí được coi là giải pháp. Tuy vậy, có ý kiến cho rằng giải pháp này rất khó được đưa vào thực tế.

Tại kỳ điều hành gần nhất (ngày 25-9), Liên Bộ Công Thương – Tài chính điều chỉnh giá xăng E5 RON 92 lên cao nhất 20.710 đồng một lít (tăng 570 đồng) và RON 95 cao nhất 21.940 đồng một lít (tăng 550 đồng). Cơ quan điều hành cũng chi 850 đồng từ quỹ để bù cho mỗi lít xăng E5 RON 92. Xăng RON 95 và các mặt hàng dầu không chi quỹ bình ổn giá tại kỳ điều hành lần này.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong khi đa số các nhóm hàng hóa khác giảm giá thì nhóm giao thông, trong đó có giá xăng lại tăng giá liên tục. Tính chung 9 tháng đầu năm nay, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 16 đợt làm cho giá xăng A95 tăng 5.470 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 5.200 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 4.210 đồng/lít.

So với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân 9 tháng tăng 24,8%, làm CPI chung tăng 0,89 điểm phần trăm.

Hà Linh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/gia-xang-tang-doanh-nghiep-kho-khan-chong-chat-post483059.antd