Giá xoài Úc rớt thảm chỉ còn 2.000-4.000 đồng/kg
Hàng trăm hộ nông dân ở 'thủ phủ' xoài Úc (Khánh Hòa) tính chuyện bỏ vườn vì xoài rớt giá, trong khi thị trường tiêu thụ thu hẹp thương lái thu mua dè dặt.
Giữa trưa nắng tháng 4, ông Sỹ Anh chở gần 2 tạ xoài Úc đến vựa Trường An ở thôn Bãi Giếng 2, xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa để nhập, nhưng trên khuôn mặt đen sạm của người nông dân hơn 40 năm bám vườn không nở nổi nụ cười.
“Cố gắng hái nhập cho vựa để vớt vát công chăm sóc cả năm trời của cả gia đình. Giá xoài loại 1 chỉ 12.000 đồng/kg chưa đủ một bát phở, số còn lại vựa chỉ thu mua với giá 4.000 đồng/kg”, ông Anh buồn bã nói.
Xoài Úc rớt giá kỷ lục
Theo ông An, giá xoài mấy vụ này rớt giá liên tục, nhưng năm nay đã chạm đáy. Người dân ở vùng xoài lớn nhất Nam Trung Bộ không mặn mà thu hái vì số tiền thu lại không đủ công chăm sóc, phân bón.
“Đầu vụ giá có nhích lên khi nhiều thị trường thu mua, thương lái đến tận vườn lựa loại tốt để đưa đi nhập. Hơn một tháng nay, những nơi thu mua xoài chủ yếu tiêu thụ trong nước nên số lượng giảm, nhà tôi cũng chỉ chọn loại đẹp để bán”, ông Anh nói thêm.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Tính - ngụ xã Cam Hải Tây - cho biết gia đình có 1,2 ha trồng xoài Úc nhưng mới chỉ bán được hơn 50% sản lượng, số còn lại vẫn chưa bán cho ai. Theo ông, đầu vụ xoài loại một vựa thu mua với giá 20.000-22.000 đồng/kg, loại 2 giá 10.000-12.000 đồng/kg, loại 3 chỉ từ 6.000 - 8.000 đồng/kg.
“So với lúc dịch Covid-19 chưa bùng phát có lúc giá xoài Úc loại 1 có lúc lên 120.000 đồng/kg, nay chỉ còn 12.000/kg, xoài loại 2, 3 giảm 2.000-4.000 đồng/kg. Giá xoài trên 10.000/kg nông dân như chúng tôi mới có lãi, còn dưới giá đó chắc chắn lỗ. Như bây giờ giá chỉ 4.000/kg thậm chí thấp hơn, chúng tôi chỉ bán để gỡ gạc tiền thuốc, phân bón thôi”, ông Tính cho biết.
So với lúc dịch Covid-19 chưa bùng phát có lúc giá xoài Úc loại 1 có lúc lên 120.000 đồng/kg, nay chỉ còn 12.000/kg, xoài loại 2, 3 giảm 2.000-4.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Tính, hộ trồng xoài Úc
Theo ông Sỹ Anh, năm nay giá xoài xuống thấp nhưng chi phí phân bón, thuốc trừ sâu lại tăng vọt.
“Trung bình 1 ha chúng tôi phải bỏ thêm từ 200.000-300.000 đồng chi phí phân bón, thuốc trừ sâu. Giờ chủ vườn như tôi phải tự bỏ công chăm sóc, thu hoạch để giảm chi phí phát sinh vì công thuê rất cao. Năm trước còn thu được khoảng gần 20 triệu/sào - 1.000 m2 - nay chỉ còn chưa được một nửa. Nông dân như tôi giờ chủ yếu lấy công làm lời là chính” - ông Sỹ Anh cho biết thêm.
Một số chủ vựa cũng thừa nhận giá xoài Úc đang xuống quá thấp khiến không chỉ nông dân mà cả nơi thu mua cũng gặp khó.
“Thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc đã ngưng nhận xoài, còn thị trường nội địa chỉ tiêu thụ lượng nhỏ nên chúng tôi cũng không thể thu mua số lượng lớn. Vựa tôi giờ chỉ thuê 2 người làm công và tự mình đóng gói xoài để giảm chi phí. Xoài giờ chủ yếu xuất đi Hà Nội và các tỉnh lân cận như Phú Yên, Đà Nẵng”, ông Mười - chủ vựa xoài Trường An, xã Cam Hải Tây - cho biết.
Ông Diệp Thế Thanh - Chủ tịch Hội người trồng xoài Cam Lâm - thông tin thị trường xoài Úc chủ yếu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, tuy nhiên do ảnh hưởng dịch thị trường này ngưng nhập nên giá xoài giảm sâu.
“Hiện, loại xoài Úc loại một khoảng 12.000-13.000 đồng/kg, loại 2 khoảng 4.000-5.000 đồng/kg, còn loại 3 đã xuống mức 2.000 đồng/kg. Với giá này một sào người trồng xoài chỉ thu về 5-7 triệu, trong khi tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải chi ra khoảng 10 triệu đồng thì bà con chắc chắn lỗ”, ông Thanh nói.
Tìm phương án cho đặc sản Cam Lâm
Theo ông Thanh, chính quyền và nông dân trồng xoài ở Cam Lâm đã tính đến phương án tìm đầu ra mới cho sản phẩm hoặc buộc phải chuyển đổi cây trồng để tồn tại. Theo các chủ vựa xoài lúc chưa dịch một ngày thu mua khoảng 20-30 tấn, nay chỉ còn 2-3 tấn.
Ông Lê Đình Cường - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cam Lâm - cho biết khoảng 7 năm trước giá xoài Úc đạt kỷ lục gần 120.000 đồng/kg, nhưng sau đó giảm theo từng năm. “Thời giá xoài Úc đạt đỉnh, rất nhiều nông dân đổ xô trồng, chuyển đổi cây trồng sang xoài khiến diện tích tăng vọt. Toàn huyện có trên 6.000 ha diện tích xoài, trong đó xoài Úc 4.000 ha”, ông Cường nói.
Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cam Lâm, dù địa phương được xem là thủ phủ xoài, đa phần người nông dân vẫn còn sản xuất theo lối tự phát, năng suất, chất lượng bị hạn chế. Ngoài ra, việc chạy theo nhu cầu thị trường trong bối cảnh phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường xuất khẩu là Trung Quốc nên khi có “sự cố” người chịu ảnh hưởng nhiều nhất là các hộ trồng xoài.
“Thời gian qua Phòng NN&PTNT thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người dân trong việc đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Địa phương đã triển khai nhiều mô hình, biện pháp ứng dụng khoa học công nghệ để giảm chi phí đầu tư, tăng cao năng suất, mở rộng thị trường để người nông dân có thu nhập ổn định hơn”, ông Cường nói.
Đang có tình trạng “sốt” đất nền, người dân không còn trông chờ vào cây xoài Úc nên tập trung chuyển sang công việc khác có thu nhập cao hơn.
Ông Nguyễn Văn Trang
Còn ông Nguyễn Văn Trang - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lâm - cũng thừa nhận trên địa bàn hiện nay đang có tình trạng “sốt” đất nền, người dân không còn trông chờ vào cây xoài Úc nên tập trung chuyển sang công việc khác có thu nhập cao hơn.
Trao đổi với Zing, ông Ngô Văn Bảo - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm - cho biết câu chuyện cây xoài được mùa mất giá, được giá mất mùa đã diễn ra từ những năm trước và không chỉ có riêng cây xoài mà nhiều loại cây trồng, nông sản khác của địa phương cũng chịu cảnh tương tự.
“Trái xoài của nông dân địa phương chủ yếu xuất tươi nên giá trị gia tăng chưa cao, các rào cản kỹ thuật công nghệ, dư lượng hóa chất, quy định về nhập khẩu... còn là trở ngại lớn đối với việc tiếp cận các thị trường xuất khẩu mới khó tính”, ông Bảo cho biết.
Để giúp sản phẩm xoài phát triển bền vững, UBND huyện Cam Lâm đã đề nghị nông dân phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, doanh nghiệp để nghiên cứu thị trường trong đó chú trọng nội địa.
"Địa phương cũng chỉ đạo các đơn vị, ban ngành phổ biến đến người nông dân thay đổi theo hướng sản xuất công nghệ cao, tuân thủ yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap… để nâng cao sản lượng và giá thành. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm từ xoài như mứt, kẹo, xoài sấy… thay vì chỉ xuất tươi như hiện nay. Một giải pháp nữa mà địa phương đang hướng đến là sản xuất xoài kết du lịch trải nghiệm, tăng hiệu quả của sản vật địa phương”, ông Bảo nói.
Huyện Cam Lâm được mệnh danh là thủ phủ xoài của tỉnh Khánh Hòa cũng như khu vực Nam Trung Bộ với trên 6.000 ha. Huyện có nhiều giống xoài như cát Hòa Lộc, Bồ trắng, Bồ Xanh, Tứ quý, Đài Loan, Canh nông và xoài Úc.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gia-xoai-uc-rot-tham-chi-con-2000-4000-dongkg-post1310426.html