Giá xuất khẩu cà phê tăng gần 50%, vượt qua nhiều 'ngôi sao' ngành nông sản
Cà phê là một trong những mặt hàng có giá xuất khẩu tăng cao nhất trong 5 tháng đầu năm nay, với mức 3.482 USD/tấn, tăng 49,9% so với cùng kỳ. Mức tăng giá xuất khẩu cà phê cao hơn so với gạo, tiêu..
Theo Bộ NN&PTNT, 5 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản ước đạt 24,14 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu 6,53 tỷ USD, tăng 64,5%.
Tính chung 5 tháng, hầu hết các nhóm hàng đều tăng nên kim ngạch XK tăng, đạt 24,14 tỷ USD; đóng góp vào kết quả này có: Nông sản 13,11 tỷ USD, tăng 27,7%; lâm sản 6,58 tỷ USD, tăng 22,7%; thủy sản 3,5 tỷ USD, tăng 3,6%; chăn nuôi 199 triệu USD, tăng 5,6%. Riêng đầu vào sản xuất 756 triệu USD, giảm 1,3%.
Về giá trị XK, hầu hết các mặt hàng chủ lực đều cao hơn cùng kỳ năm trước, như: Gỗ và sản phẩm gỗ 6,14 tỷ USD (tăng 23,6%); Cà phê 2,9 tỷ USD (tăng 44,1% với lượng 833 nghìn tấn, giảm 3,9%); Gạo 2,65 tỷ USD (tăng 38,2% với lượng 4,15 triệu tấn, tăng 14,7%); Điều 1,55 tỷ USD (tăng 19,3% với lượng 288 nghìn tấn, tăng 30,6%); Rau quả 2,59 tỷ USD (tăng 28,1%); Tôm 1,3 tỷ USD (tăng 7,5%).
Giá xuất khẩu bình quân: Gạo 638 USD/tấn, tăng 20,5%; cà phê 3.482 USD/tấn, tăng 49,9%; cao su 1.504 USD/tấn, tăng 8,8%; hạt tiêu 4.308 USD/tấn, tăng 39,3%. Trong khi đó, hạt điều 5.378 USD/tấn, giảm 8,6%; chè 1.656 USD/tấn, giảm 0,8%…
Như vậy, cà phê là một mặt hàng có giá xuất khẩu cao nhất. Giá cà phê hôm nay 30/5 trong khoảng 121.000 - 122.200 đồng/kg. Giá cà phê Robusta tiếp tục được hưởng lợi từ thông tin lo ngại tình trạng khô hạn quá mức ở Brazil và Việt Nam trong thời gian qua, sẽ gây thiệt hại cho cây cà phê và hạn chế sản lượng toàn cầu.
Ông Trần Đình Trọng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Công Bằng Eatu, đánh giá vụ cà phê vừa qua đã rất thành công khi giá lên, nông dân thu lời tốt dù sản lượng có sụt giảm. Giá cao sẽ giúp người nông dân có động lực chăm sóc tốt hơn cho vườn cà phê của mình, cũng như tính tới phương án mở rộng diện tích.