Giấc mơ 1.400-1.500 điểm ngày càng xa vời với 'chứng sĩ'

Trước áp lực thuế quan mới từ Mỹ và triển vọng toàn cầu xấu đi, các chuyên gia cảnh báo những ngưỡng kỳ vọng như 1.400 hay 1.500 điểm trong năm nay đang trở nên xa vời.

 VN-Index có thể diễn biến khó lường trong tuần này. Ảnh: Việt Linh.

VN-Index có thể diễn biến khó lường trong tuần này. Ảnh: Việt Linh.

Trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua phiên giao dịch "đáng quên" nhất trong lịch sử.

Sau lời tuyên bố đánh thuế đối ứng mạnh tay lên hàng Việt Nam của Tổng thống Mỹ Donald Trump, thị trường chứng khoán trong nước đã rơi tự do. VN-Index giảm gần 107 điểm, tương đương mất 400.000 tỷ đồng vốn hóa.

Trong phiên 4/4, trước khi dòng tiền "bắt đáy" nhập cuộc và thu hẹp mức độ thiệt hại, có thời điểm chỉ số chính giảm hơn 70 điểm. Kết tuần, VN-Index đóng cửa ở mốc 1.210,67 điểm, thấp nhất kể từ đầu năm 2024.

Nhiều nhà môi giới lạc quan

Dù vậy, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ sớm cải thiện tâm lý và tìm đường cân bằng. Một số công ty chứng khoán cũng lạc quan dự báo các chỉ số sẽ phục hồi trong tuần này.

Chẳng hạn, Công ty Chứng khoán Yuanta cho rằng thị trường có thể hồi phục trong phiên kế tiếp (ngày 8/4) và VN-Index có thể thử thách mức kháng cự 1.220 điểm.

Việc chỉ số chính chưa thể xuyên thủng vùng hỗ trợ 1.165 điểm và các chỉ báo kỹ thuật tiếp tục giảm sâu vào vùng quá bán được kỳ vọng sẽ đưa dòng tiền bắt đáy sớm xuất hiện. Chỉ báo tâm lý tiếp tục giảm mạnh cho thấy các nhà đầu tư vẫn tiếp tục bi quan quá mức, kỳ vọng thị trường sẽ sớm xuất hiện nhịp hồi.

Chứng khoán Yuanta khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn hạn chế bán tháo ở vùng giá này và quan sát diễn biến thị trường ở phiên tới với tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp. Nếu nhà đầu tư đang có tỷ trọng đòn bẩy cao thì nên ưu tiên hạ bớt đòn bẩy về mức thấp và chờ mua mới.

 VN-Index tạo nến "rút chân" trong phiên điều chỉnh 4/4. Ảnh: TradingView.

VN-Index tạo nến "rút chân" trong phiên điều chỉnh 4/4. Ảnh: TradingView.

Thận trọng hơn, Chứng khoán TPBank (TPS) cho rằng theo quán tính, chỉ số có khả năng hồi về mức 1.228 điểm ở phiên giao dịch tiếp theo. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng đây là mức phục hồi kỹ thuật trong ngắn hạn và chỉ số vẫn có khả năng kiểm định lại mức hỗ trợ dài hạn quanh 1.166 điểm.

Còn theo Chứng khoán SSI, đà giảm của VN-Index chững lại đáng kể khi lực cầu giá thấp đẩy mạnh nhập cuộc. Vùng hỗ trợ quan trọng 1.180-1.200 điểm đang phát huy vai trò nâng đỡ, nhất là khi độ rộng trong phiên đã thu hẹp về vùng thấp nhất một năm.

Các nhịp rung lắc kiểm định lại khu vực trên sẽ cung cấp tín hiệu tin cậy hơn về khả năng cân bằng ngắn hạn và định hình xu hướng sắp tới. Trong kịch bản hồi phục, kháng cự tiếp theo của chỉ số xác định tại vùng 1.220-1.230 điểm.

Mốc 1.400-1.500 điểm ngày càng "xa vời"

Trên thực tế, trong ngày chứng khoán Việt Nam vẫn còn nghỉ lễ (7/4), thị trường tài chính toàn cầu đã lao dốc dữ dội. Một số thị trường như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản thậm chí phải kích hoạt cơ chế ngắt mạnh do thị trường giảm quá sâu.

Diễn biến này khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang về thị trường trong nước, đồng thời e ngại sẽ xuất hiện những phiên giao dịch khó lường sắp tới.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông Trần Đình Minh, chuyên gia phân tích từ New World Group, cho rằng: "Việc VN-Index bay sạch thành quả tích lũy từ đầu năm rõ ràng ảnh hưởng không nhỏ tới kỳ vọng thị trường chung trong năm nay".

Theo vị này, có 2 hệ quả đáng chú ý. Thứ nhất, khả năng chỉ số quay lại các mốc đỉnh cũ như 1.400 hay 1.500 điểm trong năm nay sẽ rất khó xảy ra.

Thứ hai, điều này có thể khiến mục tiêu nâng hạng thị trường Việt Nam lên nhóm thị trường mới nổi vào năm 2025 bị lung lay nghiêm trọng. Lý giải vấn đề này, ông Minh cho biết trong tiêu chí nâng hạng theo đánh giá của MSCI, một trong những yếu tố then chốt là mức vốn hóa và thanh khoản đủ lớn.

"Nếu VN-Index cứ quanh quẩn vùng 1.000-1.300 điểm như hiện tại thì rất khó cải thiện được hai yếu tố đó", ông nhận định.

Trong khi đó, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VNDirect, cho biết các xung đột thương mại kéo dài, đặc biệt là việc Mỹ áp thuế cao đối với hàng nhập khẩu, đang dần làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư, kéo theo hệ quả là tài sản trên thị trường bị chiết khấu mạnh hơn do rủi ro định giá tăng cao.

Diễn biến này chắc chắn sẽ để lại tác động không nhỏ lên thị trường chứng khoán, đặc biệt khi niềm tin nhà đầu tư vốn đã mong manh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VNDirect

"Diễn biến này chắc chắn sẽ để lại tác động không nhỏ lên thị trường chứng khoán, đặc biệt khi niềm tin nhà đầu tư vốn đã mong manh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn", chuyên gia này nhận định.

Về tác động cụ thể tới từng nhóm ngành, ông Hinh nhấn mạnh mức thuế 46% mà Mỹ áp lên hàng hóa nhập khẩu sẽ ảnh hưởng rất khác nhau giữa các doanh nghiệp, tùy theo mức độ tiếp cận thị trường Mỹ, mức độ cạnh tranh từ hàng thay thế nội địa bên Mỹ và vị thế của các đối thủ xuất khẩu khác.

Các ngành có tỷ trọng xuất khẩu vào Mỹ lớn như thủy sản, gỗ hay bất động sản công nghiệp đang đối mặt với rủi ro rõ rệt hơn. Trong đó, ngành thủy sản có thể sẽ bị bào mòn biên lợi nhuận đáng kể, ngành gỗ có thể bị loại khỏi chuỗi cung ứng nếu Mỹ tìm được nguồn thay thế, còn dòng vốn FDI chảy vào bất động sản công nghiệp có khả năng bị chững lại.

Ở chiều ngược lại, một số ngành ít phụ thuộc vào thị trường Mỹ như hạ tầng giao thông, ống nhựa hay phân bón được đánh giá sẽ không chịu ảnh hưởng trực tiếp đáng kể.

Dù vậy, vị này cho rằng những tác động tiêu cực có thể được giảm nhẹ phần nào nếu Chính phủ kịp thời triển khai các biện pháp hỗ trợ như tăng đầu tư công hay nới lỏng chính sách tiền tệ. Đây sẽ là những yếu tố cứu cánh trong ngắn hạn cho tăng trưởng và tâm lý thị trường.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/giac-mo-1400-1500-diem-ngay-cang-xa-voi-voi-chung-si-post1544129.html