Giấc mơ của người đàn bà biết yêu
Người thơ và lời thơ đang đòi giành lại quyền sống, quyền yêu. Phẩm chất nữ quyền đã hình thành trong Quỳnh Hoa những năm tuổi trẻ. Thơ chị táo bạo trong tình yêu, nhưng lại đau khổ trong tình yêu. Sự dằng xé tạo cho giọng thơ càng đọc càng day dứt...
Mỗi lần ghé Vinh, tôi lại có thêm bạn mới. Tôi nhớ có dạo một nhà thơ trẻ đưa sang tận núi Hồng Lĩnh, xuôi về Tiên Điền để thăm nhà người chưa quen, đấy là Quỳnh Hoa. Sau này mới biết Quỳnh Hoa, phu nhân của bạn tôi thời học ở Quảng Bá - nhà thơ Chử Văn Long. “Người đàn bà biết yêu” là tập thơ thứ tư của chị. Nhân vật trữ tình trong thơ chị thật cao đẹp và mạnh mẽ:
Anh
Thế giới đại ngàn bao la xanh hùng vĩ
Đêm đêm réo gọi khát khao
Em chạy như bay vượt lên mây gió
Cười khóc một mình
Hát với thông reo!
(Người đàn bà biết yêu)
Thế giới đại ngàn ấy chính là anh. Chị “luôn đặt tình yêu lên bậc cao nhất để tôn thờ”, “thế giới đại ngàn luôn hiện hữu trong từng câu thơ em viết”. Tình yêu như thế mới là tình yêu. Tình yêu con người giữa đời thường và thơ, “dẫu biết rằng tình yêu không có thực”.
Nghe ra chừng mâu thuẫn, nhưng lại vô thường lắm. “Rồi đêm nay rời cành hoa rụng/ Mai bông hoa mới xinh tươi lại thắp lửa vô thường”. (Trò chuyện cùng hoa). Cuộc đời con người vậy đó, sắc sắc không không. Quỳnh Hoa tự ví mình như loài hoamọc lưng vách núi. Không ai để ý bông hoa dại khép mình và nhỏ nhoi kia.
Một chiều “Có người nghệ sĩ đi qua/ Đề thơ tặng loài hoa vách núi/ Bông hoa bỗng dưng biết nói”. (Bông hoa biết nói). Ý nghĩ khiêm tốn, nhẹ nhàng tạo cho chị thành người thơ hồn nhiên. Thế giới của người đàn bà biết yêu không chỉ có hạnh phúc, Quỳnh Hoa chấp nhận tất cả, xem thường vất vã và bi thương. Trong bài “Giấc mơ hoàng tử” chị đã xác tín “Tôi thường mỉm cười với khổ đau hạnh phúc”:
Em là bà chủ ngân hàng của những nỗi buồn
(Ngân hàng buồn)
“Nhìn lại đống tài sản kếch xù mà kinh hãi”, giờ chỉ có một mơ ước duy nhất là được “phá sản”, ném theo chiều gió. Có ai giàu được như chị không? “Những lời lãi tháng năm lại nở ra toàn những chuyện buồn”. Sự giàu có của những nỗi buồn! Nghe rất xót xa và thân phận. Nhưng tình yêu giúp chị như cây héo trở nên xanh.
Yêu thơ như yêu anh. Có thoáng mơ hồ ghen tuông khi anh ở tận miền mong nhớ “Nỡ nào mê mãi cùng thảo nguyên xanh/ Hay say đắm nơi vòng tay bể biếc/ Không nghe cánh đồng đêm hú gọi/ Đừng để khi lòng sám hối/ Mưa ơi!”. (Giấc mơ hồng hoang). Tiếng gọi, tiếng lòng của Quỳnh Hoa luôn tha thiết, nóng hổi. Chị yêu và tình yêu đã cứu rỗi tâm hồn mình.
Người ta thường dùng hình tượng mười hai bến nước để chỉ thân phận ngươìphụ nữ. Chị cũng lấy hình tượng đó tâm sự với đứa con dở duyên của người khác, như đang tâm sự chính con mình “Thả neo vào bến mẹ ngày xưa/ Quả sú vàng rơi như thực như mơ!”. Cam phận con gái đàn bà, đành gánh lên vai bao lo toan cực nhọc, dù đấy là đôi vai “cánh hạc” chăng nữa (chữ của TCS):
Mười hai bến nước
Mười hai bến đợi con qua
Biết bến nào trong hở mẹ?
(Mười hai bến nước)
Người thơ và lời thơ đang đòi giành lại quyền sống, quyền yêu. Phẩm chất nữ quyền đã hình thành trong Quỳnh Hoa những năm tuổi trẻ. Thơ chị táo bạo trong tình yêu, nhưng lại đau khổ trong tình yêu. Sự dằng xé tạo cho giọng thơ càng đọc càng day dứt. Sáu mốt bài thơ trong tập “Người đàn bà biết yêu” - sáu mốt cung đàn tỳ bà lênh đênh? Thơ là hư ảo, chẳng có gì để chứng minh như chứng minh một tia sáng ngang qua.
Thời còn thiếu nữ, đêm ngủ bên mẹ, cô bé Quỳnh Hoa đã mơ thấy chàng hoàng tử áo xanh cưỡi con ngựa bạch như bông tuyết bay qua, rồi con ngựa đậu xuống bãi cỏbên bờ sông Lam. Chàng cầm tay nàng dìu lên lưng ngựa. Ngựa bay qua bao núi đồi, rừng rậm, sông suối, những làng quê thanh bình khói tỏa, những hàng cau, bến nước mái rạ phất phơ. Có lúc ngựa bay vút lên tới tận những chòm sao lung linh, bầu trời như đang mở hội.
Giấc mơ kỳ thật, như truyện cổ tích vậy. Những khao khát hồn nhiên đã dồn nén thời tuổi thơ, hằn sâu trong vô thức của Quỳnh Hoa. Giấc mơ thường tới trong tâm trạng mong muốn cuộc sống vui vẻ hơn. Đó chính là những kích động theo kiểu giải mã của Freud. Tôi cho rằng những giấc mơ ấy là động lực tiềm ẩn trong hồn thơ chị. Sau này Quỳnh Hoa viết:
Tôi mơ thấy mình bay trên cánh đồng cỏ biếc
Sánh vai cùng chàng hoàng tử áo xanh
Trên lưng ngựa trắng tinh như bông tuyết
Nhìn xuống nơi đâu cũng đầm ấm yên bình…
Giờ tóc đã qua vai như suối chảy
Buồn vui dài theo mỗi sợi tóc buông dài
Tôi thường mỉm cười với khổ đau hạnh phúc
Thầm mơ về những giấc mơ thôi!
(Giấc mơ hoàng tử)
Một tâm sự rất thật. Sự khát khao trong “Người đàn bà biết yêu” là tâm trạng chung của những hồn thơ dạt dào cảm xúc. Nhưng đó chỉ là “giấc mơ thôi”. Trong “mỗi sợi tóc buông dài”, chị mới hiểu cuộc sống đầy khắc nghiệt. Quỳnh Hoa hiện ra như hình ảnh một người đàn bà vừa quen vừa lạ. Chị là con người có thực trên cõi trần hay nhân vật của thơ mà chính chị đang phơi bày? Có lẽ vì nỗi khát khao ấy, đã giúp Quỳnh Hoa có nhiều tứ thơ hay chăng?
Nhưng cây tỳ bà đang réo rắt của chị bỗng dưng đứt dây. Sau tiếng đứt gãy của âm thanh, bật lênmột bài thơ riêng có, hình thức rất mơ hồ “Người ngã ngựa và cỗ xe chở cỏ”:
Người ngã ngựa tôi tới dìu đứng dậy
Rồi đưa về bằng xe gỗ con con
Xe hàng ngày tôi vẫn dùng chở cỏ
Cỏ cắt trên đồng sạch sẽ và thơm.
Ngày hai buổi tôi mải mê công việc
Thường gặp người ngạo nghễ vút ngựa qua
Người đâu biết ai còng lưng cắt cỏ
Chất đầy xe cho ngựa được no mà…
Giờ ngã ngựa
Tôi tới dìu đứng dậy
Về cùng tôi trên cỗ xe này
Xe được đóng bằng loài gỗ quý
Thứ gỗ đáng ra để dựng lâu đài
Số phận đẩy đưa ghép thành xe chở cỏ
Gắn với đời tôi suốt những tháng năm dài!
Bài thơ tự sự với ba nhân vật, người ngã ngựa thường “ngạo nghễ vút qua”, tôi là người kéo chiếc “xe gỗ con con” đi cắt cỏ hàng ngày và “chiếc xe gỗ”. Cứ xem chiếc xe gỗ là nhân vật. Họ là ai trong cuộc sống đắng cay và bề bộn này? Thông điệp bài thơ kín đáo như bức tranh siêu hình.
Phải chăng nhờ những giấc mơ ngày xưa đã sinh ra một hồn thơ tươi trẻ, mà thân phận? Thế “nhưng cuộc đời có khi nào yên ả/ Cả khi đắp lên mồ tấm chăn cỏ biếc xanh!” (Ngàn năm cỏ biếc).
30/4/2020
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/giac-mo-cua-nguoi-dan-ba-biet-yeu-595938/