Giấc mơ đi học của nữ sinh ở Afghanistan có thể bị 'tan biến' dưới thời Taliban
Giấc mơ và tương lai của nhiều nữ sinh Afghanistan đã bị dập tắt kể từ khi Taliban lên cầm quyền. Theo đó, chính quyền Taliban đã đưa ra nhiều quy định hạn chế đối với phụ nữ và trẻ em gái, trong đó có quy định cấm nữ sinh trung học đến trường.
Chính quyền Taliban cấm nữ sinh đến trường
Mùa xuân đã đến ở Afghanistan, trẻ em Afghanistan đã trở lại trường học để bắt đầu một năm học mới. Tuy nhiên, các nữ sinh trên lớp 6 trên khắp đất nước vẫn không thể theo đuổi con đường học vấn và không chắc chắn về tương lai của mình.
Hai năm trước, vào một ngày mùa xuân, hy vọng và ước mơ của các nữ sinh Afghanistan đã bị chính quyền lâm thời Taliban dập tắt. Ngày 21/3/2022, chính quyền Taliban hứa sẽ mở cửa trở lại tất cả các trường học ở Afghanistan, dường như chấm dứt lệnh cấm tạm thời đã áp đặt đối với các nữ sinh theo học cấp hai kể từ khi trở lại nắm quyền vào 7 tháng trước đó.
2 ngày sau, trong khi nhiều nữ sinh đang hào hứng chuẩn bị trở lại trường học, chính quyền Taliban đã hủy bỏ quyết định và hạn chế các bé gái trên 12 tuổi theo học tại các trường công lập.
Trong tình thế này, Bộ Giáo dục Afghanistan cho biết việc đóng cửa sẽ chỉ là tạm thời và các trường học sẽ mở cửa trở lại sau khi đưa ra các chính sách đảm bảo tuân thủ "các nguyên tắc của Luật Hồi giáo và văn hóa Afghanistan".
6 tháng sau, do không có kế hoạch mở lại trường trung học cho nữ sinh trong tương lai gần, chính quyền Taliban đã ban hành một sắc lệnh mới cấm các cô gái và phụ nữ trẻ ở Afghanistan học đại học.
Động thái này đã khiến nhiều nhà phân tích và các chuyên gia trên thế giới mời các nhà lãnh đạo Taliban suy nghĩ lại về quyết định cấm nữ sinh đến trường. Họ chỉ ra rằng, việc tước đoạt quyền được giáo dục của phụ nữ Afghanistan sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai. Đồng thời, những sắc lệnh phản giáo dục này đi ngược lại chính nền tảng của đạo Hồi.
Đáng tiếc là chính quyền Taliban đã không lắng nghe. Tháng 3 vừa qua, đúng 2 năm sau lệnh cấm tạm thời đối với các nữ sinh theo học tại các trường trung học và đại học, một năm học khác ở Afghanistan lại bắt đầu mà không có sự hiện diện của phụ nữ và trẻ em gái.
Hy vọng và ước mơ của các cô gái trẻ, những người tin rằng lệnh cấm học tập thực sự là "tạm thời" và họ sẽ được quay trở lại lớp học khi có điều kiện "phù hợp", có thể đã bắt đầu "tan biến".
Những cô gái này và gia đình của họ tin tưởng vào lời nói của các thủ lĩnh mới của Taliban. Tuy nhiên, sau 2 năm không có tiến triển gì trong việc đưa các em trở lại trường học, họ đã vô cùng thất vọng.
Afghanistan là một quốc gia vừa mới thoát khỏi nhiều cuộc xung đột vũ trang kéo dài kéo dài bốn thập kỷ, cần tất cả chung tay để đưa đất nước thoát khỏi vực thẳm kinh tế mà nước này đang gặp phải.
Năm 2021, một cuộc di cư của một số lượng lớn các chuyên gia Afghanistan đã dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám vào thời điểm đất nước này đang gặp vô số khó khăn. Do đó, việc loại một nửa dân số tham gia vào giáo dục càng làm cho Afghanistan trở nên bất lợi hơn nữa.
Làm thế nào phụ nữ có thể được chăm sóc sức khỏe tận tâm khi Afghanistan không có nhân viên y tế nữ nào được đào tạo? Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 24 phụ nữ chết mỗi ngày ở Afghanistan do các nguyên nhân liên quan đến mang thai hoặc sinh nở vào năm 2020. Đây là một trong những tỷ lệ cao nhất trên toàn thế giới.
Mặc dù số liệu thống kê này là một sự cải thiện đáng kể so với tình hình năm 2001 khi Taliban nắm quyền cuối cùng, nhưng các chuyên gia lo ngại rằng, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn và các mệnh lệnh của Taliban về việc cắt giảm giáo dục của phụ nữ trong các trường phổ thông và đại học cũng không giúp ích được gì.
Mặt khác, việc chính quyền Taliban từ chối cho phép phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan được đi học cũng là một sai lầm làm cản trở nỗ lực của chính phủ nhằm đạt được sự chấp nhận của quốc tế và tìm kiếm các đối tác đáng tin cậy có thể hỗ trợ sự phát triển kinh tế của Afghanistan.
Taliban là phong trào Hồi giáo cực đoan theo dòng Sunni, thành lập đầu những năm 1990 sau khi Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan năm 1989. Taliban chiếm được chính quyền năm 1996. Năm 2001, chế độ Taliban bị lật đổ trong chiến dịch quân sự "Tự do bền vững" của Mỹ với sự hỗ trợ của Liên minh NATO.
Trong thời kỳ Taliban cầm quyền, luật Sharia Hồi giáo khắc nghiệt nhất đã được áp dụng. Taliban đã giúp các thủ lĩnh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda ẩn náu và tiếp tục cưu mang các chiến binh của tổ chức này, sau khi chế độ Taliban bị lật đổ ở Afghanistan. Năm 2003, Liên Hiệp Quốc liệt kê Taliban vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Kể từ khi trở lại lãnh đạo đất nước vào năm 2021, Taliban đã đưa ra nhiều quy định hạn chế đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Phụ nữ Afghanistan hiện nay gần như bị loại bỏ khỏi cuộc sống công cộng của đất nước, bị tước đi công việc trong bộ máy chính phủ và được trả một phần lương trong khoản trước đây cho việc ở nhà.
Họ cũng bị cấm đi học đại học, trong khi phần lớn nữ sinh trung học không được đến trường.
Nữ giới tại Afghanistan không được phép lui tới công viên, vườn hoa, hội chợ, phòng gym cũng như nhà tắm công cộng và không được đi du lịch nếu không có người thân là nam giới đi cùng, đồng thời phải che kín mặt khi đi ra ngoài.
Nguồn: Aljazeera