Giấc mơ đoàn tụ

Trong bài viết mới đây, tờ The New York Times cho biết, 7 năm sau khi bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt giữ và hơn 2 năm sau khi IS bị đánh bại trên thực địa, nhiều thành viên thuộc cộng đồng người thiểu số Yazidi của Iraq hiện vẫn đang bị các tay súng giam giữ đâu đó tại Syria hay Thổ Nhĩ Kỳ. Người thân của họ cũng đang tìm đủ cách xoay xở với mong ước gia đình sớm được đoàn tụ.

Những khoản tiền chuộc

IS chiếm đóng 1/3 lãnh thổ Iraq và nhiều khu vực rộng lớn ở quốc gia láng giềng Syria vào năm 2014, tự tuyên bố thành lập cái gọi là “Vương quốc Hồi giáo” (Caliphate). The New York Times cho biết, tại vùng Sinjar ở miền Bắc Iraq, nơi sinh sống của những người thiểu số Yazidi, IS đã thực hiện chiến dịch diệt chủng với cộng đồng người bị chúng coi là tà đạo. Hơn 3.000 người Yazidi đã bị giết hại và khoảng 6.000 người khác bị bắt giữ. Trong khi, khoảng một nửa những người Yazidi bị IS bắt giữ đã trốn thoát hoặc được giải cứu, có khoảng 3.000 người hiện vẫn còn mất tích. Nhiều người trong số này được cho là đang sống cùng với gia đình của những tay súng IS đã chết tại các nơi ẩn náu hoặc các trại tạm giam. Trong khi đó, những người khác được cho là đang bị các nhóm cực đoan khác nhau giam giữ tại Syria hoặc Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Abbas Hussein có 3 người con trai bị IS bắt giữ vào năm 2014. Một năm sau đó, gia đình ông vay mượn được khoản tiền 30.000USD để chuộc 6 người, gồm đứa con trai út bị bắt giữ khi mới chập chững biết đi và 5 người họ hàng vốn đã bị IS đưa tới Syria, rồi sau đó là Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, từ năm 2015 đến 2020, hai người con trai lớn của ông Hussein “bặt vô âm tín”. Mùa hè năm 2020, ông Hussein nhận được tin tức từ những người họ hàng khác đang bị giam giữ rằng người con trai cả 13 tuổi đã thiệt mạng trong một vụ không kích ở thành phố Raqqa, thủ phủ tự xưng của IS ở miền Bắc Syria.

 Những người thiểu số Yazidi chạy trốn khỏi IS hồi năm 2014. Ảnh: Reuters

Những người thiểu số Yazidi chạy trốn khỏi IS hồi năm 2014. Ảnh: Reuters

Và cũng đã hơn một năm nay, ông Hussein biết được tin rằng cậu con trai còn lại cùng những người họ hàng đang bị một tay súng IS giam giữ ở miền Bắc Syria. Kể từ đó, ông đã chạy đôn chạy đáo để có tiền gửi theo yêu cầu của kẻ giam giữ, một lần là 600USD và lần khác là 1.200USD. Thế nhưng, chừng đó là không đủ để cậu bé được kẻ giam giữ cho phép thường xuyên liên lạc với bố chứ chưa nói gì tới chuyện ông Hussein chuộc được con.

Những tin nhắn thoại của cậu con trai còn sống sót đang tuổi thiếu niên khiến ông Hussein không thể cầm lòng. Cậu bé cho biết kẻ giam giữ sẽ không cho phép em liên lạc thêm nữa vì gia đình chưa gửi đủ số tiền mà y yêu cầu. “Nếu bố không có tiền cũng không sao, cứ nói cho con biết. Con sẽ làm việc và tiết kiệm tiền đưa cho người ta để có thể được nói chuyện với bố”, cậu bé nói.

Ông Hussein được biết con trai mình đang bị ép phải làm việc ở công trường xây dựng với tiền công 1USD/ngày. Kẻ giam giữ đòi ông Hussein khoản tiền chuộc 9.000USD/người. Vì bản thân đang thất nghiệp, ông Hussein không biết làm sao để đưa những người thân yêu trở về nhà. Gần đây, kẻ giam giữ có liên lạc với ông qua mạng xã hội Facebook và yêu cầu số tiền 300USD cho mỗi lần nói chuyện với người thân. “Tôi nói rằng mình không có đủ tiền nhưng đề nghị y giữ liên lạc”, The New York Times dẫn lời ông Hussein.

“Mạng lưới giải cứu”

The New York Times cho biết, Abdullah Shrim là người đã tham gia giải cứu cho khoảng 400 người Yazidi từ năm 2014 đến 2019. Trước năm 2014, ông Shrim từng buôn bán tại Syria. Sau khi nhiều họ hàng bị IS bắt giữ và đưa sang Syria, ông Shrim đã tận dụng các mối liên hệ khi xưa để thiết lập một “mạng lưới giải cứu”. Trong vài năm qua, “mạng lưới giải cứu” được duy trì dựa vào nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân cũng như số tiền ít ỏi mà gia đình nghèo khó của những người Yazidi mất tích xoay sở được.

Theo ông Shrim, mặc dù nguồn cung cấp thông tin ngày càng ít ỏi nhưng thỉnh thoảng ông vẫn nhận được tin tức về những người Yazidi còn sống sót đang bị giam giữ. Tuy nhiên, The New York Times dẫn lời ông Shrim cho biết, nếu như không có thêm “sự hỗ trợ lớn hơn”, ông và các cộng sự trong “mạng lưới giải cứu” hầu như “không thể hành động dựa trên những thông tin này”.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/giac-mo-doan-tu-673598