Giấc mơ Mỹ - Hiện thực hóa giấc mơ trở thành siêu cường số 1 thế giới – Kỳ I

Trên mảnh đất hoang vu, nghèo nàn về lịch sử, văn hóa nhưng người Mỹ đã tự làm giàu và mở ra 'một kỷ nguyên mới' cho chính mình bằng việc tạo dựng nên một nền tảng tri thức vững chắc được hun đúc từ nhiều thế hệ, với mục đích cao nhất là hiện thực hóa khát vọng 'giấc mơ Mỹ'.

Khởi đầu lịch sử nước Mỹ thường được nhắc đến với chuyến đi thám hiểm thành công đến châu Mỹ của Christopher Colombus vào năm 1492. Là một quốc gia "non trẻ" về lịch sử phát triển, nước Mỹ cũng từng phải trải qua những giai đoạn lịch sử đen tối nhất khi phải đối mặt với các vấn đề bất ổn kinh tế, chính trị, xã hội. Thế nhưng, niềm tin mãnh liệt về một "giấc mơ Mỹ" đã thôi thúc người Mỹ khát khao chinh phục và ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới, đưa nước Mỹ trở thành một cường quốc hàng đầu, có sức ảnh hưởng trên toàn cầu.

Do lịch sử nhập cư, nên tại nước Mỹ khai mở tri thức mới dường như tập trung vào việc thám hiểm. Cũng trong suốn sách nền dân trị Mỹ, Alexis De Tocqueville cũng cho rằng việc khám phá những cánh rừng ở Tân thế giới (châu Mỹ) là nhiệm vụ của người dân Hoa Kỳ. Đồng thời ông cũng nói thêm điều kiện xã hội và các thể chế dân chủ là cơ sở giúp họ có thể đạt được những kết quả khoa học thực tiễn và ngay lập tức". Chính nhờ tư duy thám hiểm cùng năng lực sáng tạo đã đưa người Mỹ tiếp cận và tham gia vào nền tri thức toàn cầu.

Người Mỹ rất tích cực tham gia vào "Kỷ nguyên khám phá vĩ đại thứ hai" hay nói cách khác đó chính là một cuộc thám hiểm trên phạm vi toàn thế giới trong đó người châu Âu cùng với người Mỹ đã khám phá, lập bản đồ, định lượng, thống kê các đại dương và lục địa trên thế giới trong suốt thế kỷ 18 và 19. Nhờ đó những phá hiện khoa học vĩ đại của nhân loại cũng được ra đời tiêu biểu như Thuyết tiến hóa của Darwin.

Những giả thuyết của Darwin đã được củng cố bằng những thống kê thu được từ cuộc thám hiểm giữa những năm 1850 của hải quân Mỹ ở Biển Bắc Thái Bình Dương, và công trình của giáo sư O.C Marsh trường Đại học Yale về về sự tiến hóa của một loài ngựa đã hóa thạch - một phương tiện sản xuất mà ông tìm thấy khi thám hiểm vùng đồng bằng phía Tây của nước Mỹ. Việc Thuyết tiến hóa ra đời đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành Khoa học tự nhiên phát triển mạnh mẽ đưa nước Mỹ chính thức tham gia vào nền văn hóa tri thức.

Trong suốt thế kỷ 19, nước Mỹ đã ủng hộ nhiệt thành các cuộc thám hiểm khoa học do chính phủ tài trợ tới khu vực trung tâm Bắc Mỹ, gần 25 cuộc thám hiểm tới các khu vực khác nhau trên các đại dương và các lục địa khác và sự hình thành Viện Smithsonian năm 1846 với tư cách là một cơ quan khoa học quốc gia và bảo tàng quốc gia. Cùng với các trạm thí nghiệm nông nghiệp trên khắp cả nước thì những cuộc thám hiểm này là những cuộc điều tra khoa học lớn ở miền Tây thời kỳ sau Nội chiến, giống như những cuộc thám hiểm của John Wesley Powell và Clarence King.

Ban đầu những cuộc thám hiểm đó là công trình nghiên cứu đa mục tiêu, tuy nhiên, sau đó với tầm nhìn xa hơn, Tổng thống Jefferson đã đưa ra những chỉ thị đặc biệt cho các nhà thám hiểm phải nghiên cứu các vấn đề cụ thể hơn như đất đa, diện mạo đất nước định vị giao thông đường thủy… Những chuyến thám hiểm này không chỉ giúp kỹ thuật đo đạc ở nước Mỹ ngày càng phát triển nhằm đáp ứng những công trình nghiên cứu phức tạp hơn mà còn là tiền đề cho ra đời hàng loạt các ngành khoa học mới như nhân học, địa tầng học,…

Thật sai lầm cho những ai nhận định nước Mỹ thời kỳ đầu là biệt lập và tụt lùi về mặt tri thức, khoa học. Ngược lại, người Mỹ đã nhanh chóng tiếp thu nền văn hóa tri thức, để rồi đưa ra những phương pháp, ngành khoa học, các thể chế, triết lý của riêng mình, sánh ngang với nền văn hóa tri thức chây Âu. Một triết lý được người Mỹ rút ra từ nền văn hóa tri thức chính là "sự vô hạn" của khoa học hứa hẹn sự tự do, và đồng nghĩa với hiện thực hóa "giấc mơ Mỹ". Chính triết lý này đã thúc đẩy họ tạo ra những thành quả vượt thường trong khoa học hiện đại, loại bỏ định kiến gán chủ nghĩa dân tộc tầm thường cho nước Mỹ. Từ đó, đem đến những cơ hộ mới cho hòa bình, thịnh vượng và hợp tác, nâng tầm vị thế nước Mỹ trong khu vực và trên thế giới.

Một trong những nhân tố nữa làm nên thành công của nước Mỹ phải kể đến đó chính là bộ phận người nhập cư. Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã đón nhận số lượng người nhập cư nhiều hơn bất kỳ một quốc gia nào, 50 triệu người và mỗi năm vẫn tiếp nhận thêm gần 700.000 người mỗi năm. Những dòng người đặt chân lên đất nước này đã tác động sâu sắc đến phẩm cách Mỹ. Để rời bỏ quê hương đến sống ở một đất nước xa lạ phải có lòng dũng cảm và tính linh hoạt do vậy, mà dễ thấy người Mỹ là những người chấp nhận rủi ro và sẵn sàng thử những cái mới, có tính độc lập cao và lạc quan.

Là quốc gia mang nhiều sắc tộc khác nhau thế nhưng người Mỹ vẫn luôn khẳng định ý thức hệ, văn hóa đặc trưng của người Mỹ và đặc biệt chính điều đó đã cố kết cộng đồng tạo nên tinh thần đoàn kết thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của nước Mỹ.

Ngay từ thửa ban sơ lập quốc, cũng chính tinh thần đoàn kết đã đưa người Mỹ thành công giành độc lập dân tộc mặc dù quân đội Mỹ thua xa quân đội Anh về kinh nghiệm và kỹ năng. Cách mạng đấu tranh giành độc lập của nước Mỹ ngày nay vẫn được nhắc đến là cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân thành công đầu tiên trong lịch sử hiện đại. Chiến thắng đã xây dựng nên một quốc gia – dân tộc thiếu đi tiền đề tối thiểu của một nhà nước. Không giống như các quốc gia tại châu Âu, Hoa Kỳ không có đường biên giới lãnh thổ tự nhiên, người dân Hòa Kỳ không có chung truyền thống dân gian cổ xưa hay nguồn gốc xuất thân. Thế nhưng, bằng cách nước Mỹ đã vươn lên vượt bậc nhờ biến "nhập cư" trở thành năng lực lõi phát triển đất nước, tạo nên sức mạnh đoàn kết dân tộc cùng nhau hiện thực hóa "giấc mơ Mỹ".

Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên trong lịch sử quyết định thực hiện nhập cư như một chính sách công nhằm khai thác những lợi thế về nguồn lực. Hiến pháp quy định thủ tục nhập tịch thống nhất và được Quốc hội khóa đầu tiên ban hành thành luật năm 1790. Bản sửa đổi của luật đó được thông qua năm 1802 và hiện vẫn còn hiệu lực. Trong đó quy định điều kiện để những người mới đến có nguồn gốc xuất thân khác nhau, cùng với người dân bản xứ, được coi là công dân của nền cộng hòa. Ở thời điểm này, không một quốc gia nào có đạo luật giống đạo luật năm 1802.

Ở Anh nơi có nền khoa học pháp lý, nhập tịch không phải là một quyền phổ thông do tòa án địa phương điều chỉnh mà nó là một món quà do nền quân chủ ban tặng, thông qua đạo luật đặc biệt của nghị viện. Hơn thế, dù là người nhập cư hay dân bản xứ, họ không được công nhận là công dân mà chỉ được thừa nhận tư cách thần dân. Đối lập với Anh và nhiều nước châu Âu khác, chính sách nhập cư cởi mở của Mỹ cùng nền chính trị dân chủ, tự do đã thu hút một dòng chảy chất xám lớn quy tụ tại Mỹ. Những người nhập cư đã góp phần công lớn vào việc đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm nhằm khai thác những nguồn lực chưa khai thác hết tại quốc gia rộng lớn này. Bên cạnh đó, họ còn làm giàu cho các cộng đồng dân tộc Mỹ bằng những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.

(Đón đọc nội dung tiếp theo: Giấc mơ Mỹ - Hiện thực hóa giấc mơ trở thành siêu cường số 1 thế giới - Kỳ II.)

P.V

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/giac-mo-my-hien-thuc-hoa-giac-mo-tro-thanh-sieu-cuong-so-1-the-gioi-ky-i-1770468.tpo