Giấc mơ Nông nghiệp xanh

Với hình thức chăn nuôi khép kín: 'Nuôi trâu vỗ béo - phân trâu nuôi giun quế - giun quế làm thức ăn nuôi gà - phân giun quế bón cỏ làm thức ăn cho trâu' cô gái Tày Hoàng Thị Thiết, Bí thư Chi đoàn thôn Nà Bây, xã Ngọc Hội (Chiêm Hóa) đã và đang hoàn thành giấc mơ xây dựng mô hình nông nghiệp xanh của mình.

Hành trình khởi nghiệp

Tốt nghiệp THPT, Thiết như bao bạn bè cùng trang lứa tìm kiếm cơ hội việc làm tại các khu công nghiệp với mong muốn có thu nhập phụ giúp gia đình. Năm 2008, chị làm công nhân tại một công ty may trong miền Nam với mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng. Gần 10 năm mưu sinh nơi đất khách, cũng là ngần ấy thời gian Thiết nuôi giấc mơ trở về quê hương lập nghiệp. Ngày trở về, chị bắt đầu với 40 m2 đất nuôi giun quế và 200 con ngan. Sau khi xuất bán 200 con ngan, thu về 13 triệu đồng tiền lãi chị dành dụm đầu tư nuôi gà. Lứa gà đầu tiên chị có 800 con gà giống. Để có kinh nghiệm nuôi gà, bản thân chị tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc ở trên mạng và tự mình đến các trang trại nuôi gà ở Phú Thọ để học tập kinh nghiệm xây dựng chuồng trại, cách chăm sóc. Chị Thiết chia sẻ, làm nông nghiệp là niềm đam mê của chị từ lâu. Sau khi học xong, chưa có điều kiện để theo đuổi đam mê nên đến giờ chị mới có cơ hội bắt đầu. Tuy nhiên, chính những năm tháng bươn chải bên ngoài lại là động lực để chị quyết tâm thực hiện đam mê và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Chị Hoàng Thị Thiết (ngoài cùng bên phải) thôn Nà Bây, xã Ngọc Hội (Chiêm Hóa) giới thiệu kỹ thuật nuôi giun quế cho đoàn viên thanh niên xã Phú Bình (Chiêm Hóa).

Chị Hoàng Thị Thiết (ngoài cùng bên phải) thôn Nà Bây, xã Ngọc Hội (Chiêm Hóa) giới thiệu kỹ thuật nuôi giun quế cho đoàn viên thanh niên xã Phú Bình (Chiêm Hóa).

Sau 4 tháng, 800 con gà của chị được xuất bán thu lãi hơn 30 triệu đồng. Lúc đó, chị được biết UBND xã Ngọc Hội đang triển khai dự án nuôi trâu vỗ béo. Chị mạnh dạn đăng ký tham gia, dồn hết vốn liếng đầu tư chuồng trại và nhận 5 con trâu theo dự án. Theo chị Thiết, nuôi trâu vỗ béo là mô hình mang lại hiệu quả cao, mỗi đợt nuôi kéo dài từ 2,5 - 3 tháng, thức ăn cho trâu chủ yếu là cỏ tươi, mía ủ lên men và bã bia. Mỗi con trâu trung bình 1 tháng cho lãi 1 triệu đồng.

Chị Thiết tự cho mình là người may mắn khi khởi nghiệp gặp thuận lợi và có được sự giúp đỡ của nhiều người. Chủ dự án nuôi trâu vỗ béo của xã là Giám đốc Hợp tác xã Tiến Quang, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) có liên kết với Công ty cổ phần Hoàng Kim (TP Tuyên Quang) là đơn vị tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp sạch. Anh Lê Văn Thứ, Giám đốc HTX Tiến Quang cho biết, thấy được sự đam mê và nỗ lực của chị Thiết, anh đã động viên chị mở rộng quy mô chăn nuôi gà và giới thiệu chị liên kết với Công ty cổ phần Hoàng Kim để được cung cấp giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm.

Nhận thấy đây là cơ hội “ngàn năm có một” của mình, chị Thiết đã bắt tay vào xây dựng 2 chuồng gà với tổng diện tích 250 m2, nuôi trên 2.500 con gà thịt. Gà giống là loại gà mới được 1 ngày tuổi nên việc chăm sóc cũng có phần vất vả hơn. Chị nhớ lại, thời điểm mới gây đàn gà là lúc trời lạnh và mưa nhiều, gà con nằm chồng lên nhau và chết khoảng hơn 100 con. Chị đã tìm cách giữ ấm cho gà, nhỏ thuốc phòng bệnh mỗi khi thay đổi thời tiết, một tuần 2 lần phun khử trùng chuồng trại và làm sạch máng ăn, uống mỗi khi cho gà ăn xong.

Những “trái ngọt” đầu tiên

Với mục đích hướng đến nền nông nghiệp xanh, chị Thiết chăn nuôi theo một vòng tròn khép kín: Nuôi trâu vỗ béo lấy phân trâu nuôi giun quế, lấy giun quế nuôi gà và phân giun quế bón cỏ nuôi trâu. Một ngày mới bắt đầu của chị ở khu chăn nuôi với các công việc: Cho trâu, gà ăn; vận chuyển phân trâu lên bể ủ làm thức ăn cho giun; dọn dẹp chuồng trại; cắt, ủ cỏ, mía..., khi kết thúc công việc cũng là lúc trời đã nhá nhem tối. Chị Thiết bảo, để làm được nghề nông bản thân phải thực sự đam mê. Đam mê xuất phát từ trong máu, thịt thì mới dành trọn công sức, tâm huyết vào công việc.

Chị Hoàng Thị Thiết, thôn Nà Bây, xã Ngọc Hội (Chiêm Hóa) chăm sóc đàn gà.

Chị Hoàng Thị Thiết, thôn Nà Bây, xã Ngọc Hội (Chiêm Hóa) chăm sóc đàn gà.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, chị đã có được những “trái ngọt” đầu tiên cho riêng mình. 2.500 con gà của chị sau 120 ngày nuôi đã được xuất bán. Công ty cổ phần Hoàng Kim hiện đang bao tiêu sản phẩm cho chị với giá 65 nghìn đồng/kg, như vậy trừ chi phí, chị sẽ thu về khoảng hơn 100 triệu đồng tiền lãi cho 4 tháng chăm sóc. Lứa trâu thứ nhất của chị sau hơn 2 tháng chăm sóc đã thu lãi 15 triệu đồng, hiện lứa trâu thứ 2 đang chuẩn bị được xuất bán. Những kết quả đó tuy chưa lớn nhưng là động lực để chị tiếp tục với ước mơ của mình. Chị Thiết cho biết, chị đang chuẩn bị trồng thêm hơn 1 ha cỏ để mở rộng mô hình nuôi trâu vỗ béo lên khoảng 10 - 15 con và vào thêm lứa gà mới với khoảng 3 - 4 nghìn con.

Mô hình chăn nuôi của chị Thiết hiện đang được nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện tham quan, học tập kinh nghiệm. Anh Triệu Khắc Điệp, Bí thư Đoàn xã Phú Bình (Chiêm Hóa) cho biết, Đoàn xã vừa tổ chức cho đoàn viên thanh niên trong xã đến học tập kinh nghiệm tại mô hình chăn nuôi khép kín của chị Thiết. Qua những chia sẻ của chị Thiết về quá trình khởi nghiệp đã giúp các bạn đoàn viên thanh niên có thêm định hướng mới cho việc thực hiện các mô hình khởi nghiệp của mình.

Thôn Nà Bây hiện có khoảng 100 đoàn viên, thanh niên, tuy nhiên tất cả đều đi làm xa. Với cương vị là Bí thư Chi đoàn thôn, chị Thiết trăn trở rất nhiều. Chị Thiết bảo: “Các bạn trẻ bây giờ cũng giống như mình ngày trước, cũng muốn đi để tìm kiếm cơ hội và thách thức bản thân. Tuy nhiên, nếu có cơ hội mình tin ai cũng muốn trở về nơi mình được sinh ra để khởi nghiệp. Vì vậy, bản thân mình muốn làm việc, muốn thành công để các bạn có động lực trở về”.

“Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường” và cô gái Hoàng Thị Thiết đã vẽ con đường khởi nghiệp của mình bằng nỗ lực và niềm đam mê với nền nông nghiệp xanh như thế.

Phóng sự: Thu Trang

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/giac-mo-nong-nghiep-xanh-131874.html