Giấc mơ ở 'vựa' rau Hưng Thành

Suối Cầu Đá bắt nguồn từ Ngòi Là (Yên Sơn) bắc nước tưới cho lúa, rau các xứ đồng Cầu Đá, Đông Sơn, Ngọc Kim, Phú Hưng, Kiều Thành của phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang). Người Hưng Thành nhìn ra lợi thế 'nhất nước' đã biến các khu đồng này thành 'vựa' rau an toàn.

Vui buồn... mùa Covid

Nắng cuối xuân trải lên triền rau xanh thẫm khiến cảnh sắc nơi này như bức tranh vẽ vội. Anh Lê Đình Trung, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ Hưng Thành người nhỏ thó, làn da đặc quánh màu nắng, nhưng giọng nói lại như lệnh vỡ. Anh học Đại học Nông nghiệp Thái Nguyên, về làm đủ việc nhưng cái việc nhà nông là anh say nhất. Bởi thế, vì không có nhiều thời gian nên anh bỏ hẳn 60 triệu đồng của mình đầu tư cho anh trai, chị dâu làm nhà lưới trồng rau an toàn.

Từ ngày trồng rau trong nhà lưới, cuộc sống của gia đình anh trai anh Trung khá hẳn lên, mỗi ngày thu cả triệu đồng. Chị Vương Thị Thu, chị dâu anh Trung cho biết, cảnh nhà trước khó khăn lắm, chồng chị đi làm ăn xa, đôi khi phải lo ăn từng bữa. “Thấy vậy, chú Trung nhà tôi lôi anh trai về làm nghề nông, hỗ trợ xây dựng nhà lưới 1.200 m2 trồng các loại rau cải, mồng tơi, rau bí, mướp. Hơn 2 năm qua, cuộc sống của gia đình đã thay đổi hẳn. Mùa này, trung bình mỗi ngày, gia đình thu 1 triệu đồng tiền rau” - Chị Thu phấn khởi nói. Vợ chồng chị Thu được học lớp trồng rau an toàn do UBND phường phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức năm kia, chị biết cách ủ hoai phân chuồng, cải tạo đất, không bón phân tươi cho rau như trước nữa. Rồi chọn thuốc trừ sâu hữu cơ phun cho rau để an toàn cho sức khỏe của mình và người tiêu dùng. Những cái đấy mà không được đi học thì không biết đâu - chị Thu bộc bạch. Chồng chị chăm rau, chị thu hái rau rồi mang đi bán ở các chợ trung tâm thành phố. Mùa này, rau bán khá được giá, các loại rau 6.000 đồng/mớ, mướp 30.000 đồng/kg giao buôn, hời lắm. Nhưng chị Thu bảo, được giá là bởi không bị thương lái ở xuôi lên cạnh tranh vì đang giãn cách xã hội để chống “con Covid-19”, chứ dân xuôi lên buôn rau thì rau nhà rớt giá thậm tệ, có khi chị còn chả muốn mang đi bán.

Gia đình chị Vương Thị Thu, đội sản xuất Cầu Đá trồng rau trong nhà lưới cho thu nhập khá. Ảnh: Thành Công

Gia đình chị Thu là hộ duy nhất thực hiện mô hình trồng rau trong nhà lưới ở phường Hưng Thành. Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ Hưng Thành Lê Đình Trung nhấn mạnh, lợi thế lớn của mô hình này là rau không bị dập nát do mưa gió, hạn chế được sâu bệnh hại, nhất là bọ nhảy hút hết chất của rau, làm rau xơ xác. Đây là mô hình điểm để phường nhân ra diện rộng trong thời gian tới. Vấn đề là vốn đầu tư ban đầu khá cao, nên nhiều hộ chưa đủ điều kiện. Hiện các hộ trồng các loại rau leo đều phải mua nứa về làm gièo chữ A rồi đan dây cước xung quanh để tránh gãy đổ. Mấy năm trước, nhiều hộ bị hỏng ăn vì làm gièo không chắc, mưa dông gièo đổ, tiền của cũng đổ theo.

Anh Trần Văn Tiềm, đội sản xuất Cầu Đá có 7.200 m2 đất trồng các loại đỗ đũa, mướp, bí, đu đủ, mồng tơi. Anh học nghề sửa chữa cơ khí, mỗi ngày làm công được 200 nghìn đồng nhưng cứ ngơi tay búa, tay máy là hết tiền. Vậy nên, năm 2017, anh quyết định về nhà trồng rau cùng vợ. Vợ anh là người xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương), nơi có truyền thống trồng rau, đấy là lợi thế mà không phải ai cũng có được - Anh Tiềm hóm hỉnh cho biết. Sẵn sức trẻ, anh thuê đất đai bạc màu của bà con, bắt tay cải tạo lại. Anh mua phân chuồng ủ hoai, khử chua đất bằng vôi bột, áp dụng các biện pháp kỹ thuật nên rau lên xanh tốt. Năm kia, bao tiền bạc của hai vợ chồng tan theo gió bão khi toàn bộ diện tích su su, đỗ đũa và rau màu khác đều hư hại do gièo nứa đổ gãy hoàn toàn. Thế là anh phải đầu tư lại, làm gièo chữ A, mua dây cước, dây thép đan vào nhau tránh gió bão làm đổ. Nhưng anh Tiềm bảo, đấy là giải pháp trước mắt, còn lâu dài phải đầu tư làm nhà lưới như nhà chị Thu mới bền vững. Rau mùa này được giá, bình quân mỗi ngày, nhà anh Tiềm thu gần 1 triệu tiền bán rau, nhưng anh Tiềm bảo, đấy là niềm vui mùa này thôi, do không phải cạnh tranh với thương lái dưới xuôi.

Trái với niềm vui rau được giá của người dân đội sản xuất Cầu Đá lại là nỗi niềm của các hộ trồng rau gia vị ở đội sản xuất Ngọc Kim. Ông Nguyễn Văn Bộ, đội sản xuất Ngọc Kim có nhiều năm trồng rau thơm đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Mấy năm trước, rau nhà ông dễ bán lắm, vợ, con cứ quẩy rau đến các nhà hàng một buổi là thu tiền trăm, thế mà vụ này hỏng ăn vì dịch, các nhà hàng đóng cửa dừng hoạt động, thế là rau thơm nhà ông cũng thừa ra. Cái món rau thơm không như rau khác, không phải là thứ rau thiết yếu, vào mùa dịch chẳng ai mua - ông Bộ thở dài.

Niềm vui, nỗi buồn của người trồng rau phường Hưng Thành mùa dịch bệnh đặt ra vấn đề không mới nhưng cần giải quyết đối với chính quyền địa phương, đó là liên kết sản xuất để phát triển bền vững.

Bắc nhịp liên kết

Anh Trần Văn Tiềm, đội sản xuất Cầu Đá nhận định, nếu so với quê vợ anh ở Vĩnh Lợi thì sản xuất rau của phường Hưng Thành kém xa. Theo anh Tiềm, tất cả các loại rau người dân quê vợ anh trồng đều có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ giống, phân bón và kỹ thuật, người dân chỉ bỏ công chăm sóc, thu hái, công ty về tận nơi thu mua, rất nhàn mà lại không tác động bởi các yếu tố khách quan. Anh Tiềm mong mỏi sản xuất rau của phường cũng được liên kết với các công ty như ở quê vợ mình, bảo đảm phát triển bền vững, để người dân làm giàu từ đồng đất quê mình.

Anh Trần Văn Tiềm, đội sản xuất Cầu Đá trồng đỗ đũa cho thu nhập khá. Ảnh: Thành Công

Anh Trần Văn Tiềm, đội sản xuất Cầu Đá trồng đỗ đũa cho thu nhập khá. Ảnh: Thành Công

Ước mong của anh Tiềm và bao người trồng rau nơi này đã “tỏ” đến lãnh đạo phường Hưng Thành. Vấn đề cốt yếu hiện giờ là tìm được công ty để tổ chức liên kết hiệu quả - ông Đào Quang Hậu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hưng Thành nhấn mạnh. Ông Hậu cho biết, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, với nhiều dự án được triển khai tại phường, diện tích đất nông nghiệp đang bị thu hẹp lại, do đó, thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng rau là yêu cầu bắt buộc để xây dựng hồ sơ rau an toàn thì mới cung ứng được cho các siêu thị lớn.

Hiện, phường có 20 ha đất trồng rau trong tổng số 24 ha đất màu được chuyển đổi từ đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng rau an toàn. Ưu thế của phường là người dân có kinh nghiệm trồng rau, thuận về nguồn nước và đường không xa để cung ứng rau cho các nhà hàng. UBND phường đã quy hoạch phát triển khu dịch vụ du lịch, trong đó xây dựng phố ẩm thực tại đường Phạm Văn Đồng để đón du khách tham quan chiêm bái chùa An Vinh. Sau này khi cầu Tình Húc hoàn thành, hình thành dự án du lịch soi Tình Húc kết nối với các trung tâm thương mại, đô thị đang được thực hiện trên địa bàn phường như tổ hợp khách sạn Hưng Thành, khu đô thị Đông Sơn, Ven Sông… sẽ tạo cơ hội lớn cho người dân phát triển rau an toàn. Nhiệm vụ của phường là tìm được đối tác để liên kết với người trồng rau. Chỉ có liên kết giá trị sản phẩm mới được khẳng định nhưng hiện giờ phường vẫn đang lúng túng trong việc tìm đối tác bao tiêu sản phẩm.

Những trăn trở của lãnh đạo phường Hưng Thành đã được tháo gỡ khi Công ty cổ phần Khoáng sản Tuyên Quang đã cử cán bộ đến vùng rau của phường Hưng Thành để khảo sát. Ông Nguyễn Thế Tuyên, Giám đốc Công ty cho rằng, lợi thế của vùng rau Hưng Thành là gần siêu thị của công ty, diện tích rộng, sản lượng đáp ứng được nhu cầu của công ty, người dân có kinh nghiệm trồng rau an toàn. Nhưng, cũng như nhiều vùng rau khác, người trồng rau ở đây không có hồ sơ để chứng minh rau an toàn, công ty không thể tiếp nhận để bán tại siêu thị được. Tới đây, khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, công ty sẽ làm việc với UBND phường triển khai các thủ tục hỗ trợ người dân xây dựng hồ sơ để làm căn cứ nhập rau bán tại siêu thị - ông Tuyên nhấn mạnh.

Khi doanh nghiệp, chính quyền và người dân bắt tay liên kết sản xuất không chỉ tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng mà còn góp phần bình ổn thị trường, hạn chế những rủi ro cho người nông dân bởi những tác động từ các yếu tố khách quan.

Ghi chép: Thùy Linh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/giac-mo-o-vua-rau-hung-thanh-131257.html