Giấc mơ 'Petroyuan' của Trung Quốc

Năm 2022, mặc dù Trung Quốc chịu nhiều thách thức từ những yếu tố bên ngoài nhưng tiến trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ (NDT) vẫn phát triển nhanh.

Đồng NDT của Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng NDT của Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Năm 2022, mặc dù Trung Quốc chịu nhiều thách thức từ những yếu tố bên ngoài như dịch COVID-19 và việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, xung đột Nga-Ukraine…, nhưng tiến trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ (NDT) vẫn phát triển nhanh.

Tháng 11/2022, chỉ số Renminbi Globalisation Index (RGI) do Ngân hàng Standard Chartered đưa ra đã thiết lập mức cao mới trong lịch sử với 3.452 điểm, đồng thời ghi nhận mức tăng 26,6% trong cả năm 2022.

USD dần đánh mất ưu thế

Chỉ số RGI được Standard Chartered công bố cách đây 10 năm, chủ yếu để theo dõi tiến trình quốc tế hóa của đồng NDT. Chỉ số tính toán những thay đổi về quy mô tiền gửi nhân dân tệ (lưu trữ tài sản), trái phiếu tổng hợp dim sum bond và chứng chỉ tiền gửi (công cụ tài chính), thanh toán thương mại và các khoản thanh toán quốc tế khác (thương mại quốc tế), cũng như ngoại hối (kênh giao dịch)… trên thị trường bên ngoài.

Cách đây 10 năm khi cơn bão cho vay thế chấp dưới chuẩn của Mỹ gây ra sóng thần tài chính toàn cầu, Fed đã tung ra chính sách tiền tệ cấp tiến lãi suất bằng 0 và nới lỏng định lượng (QE). Điều này khiến Standard & Poor's hạ bậc xếp hạng tín dụng của Mỹ, tạo ra sự sụt giảm niềm tin lẫn nhau giữa ngân hàng trung ương các nước, chẳng hạn Ngân hàng trung ương Đức tuyên bố sẽ lấy lại vàng gửi ở Mỹ theo lộ trình từng năm.

Những người am hiểu lo lắng về điều này. Giáo sư Barry Eichengreen của Đại học California đã phản ánh lịch sử thăng trầm của đồng USD trong cuốn sách nổi tiếng “Exorbitant Privilege: The Rise and Fall of the Dollar and the Future of the International Monetary System” (tạm dịch: “Đặc quyền quá mức: Sự thịnh suy của đồng USD và tương lai của hệ thống tiền tệ quốc tế”). Giáo sư Barry Eichengreen nhận thấy rằng các biện pháp tài chính quốc tế không có trách nhiệm của Mỹ đã khiến các nước khác có ánh nhìn hoài nghi đối với đồng USD.

Cùng thời gian đó, nhà nghiên cứu Arvind Subramanian của Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson nổi tiếng cũng sử dụng phương pháp kinh tế lượng trong cuốn sách “Eclipse: Living in the Shadow of China’s Economic Dominance” (tạm dịch: Nhật thực: Sống trong bóng tối của sự thống trị kinh tế Trung Quốc) và đưa ra dự báo khoảng năm 2030, lợi thế của Trung Quốc trong kinh tế toàn cầu sẽ tương tự như địa vị toàn cầu của Mỹ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai và Anh vào những năm 1870. Hơn nữa, lợi thế kinh tế của vòng tròn người Hoa sẽ thúc đẩy đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ hàng đầu.

Xét từ chỉ số RGI, xung đột Nga-Ukraine năm 2022 dường như đã trở thành “chất kích thích” mới để cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế. Một mặt, Nga với tư cách là cường quốc hàng hóa và năng lượng đã đoạn tuyệt với tài sản bằng đồng USD. Mặt khác, các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu cũng khiến các nước thấy được hậu quả của việc phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống USD.

Việc vũ khí hóa đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu đã thúc đẩy các nước đẩy nhanh chóng tìm kiếm phương án thay thế. Bên cạnh hệ thống thanh toán tài chính quốc tế do Trung Quốc, Nga tự xây dựng, các nước vùng Vịnh, các quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan… và các quốc gia Nam Mỹ cũng đang đàm phán khả năng sử dụng đồng nội tệ để tiến hành giao dịch song phương.

Lạc quan quá sớm?

Gần đây, Giáo sư kinh tế Nouriel Roubini của Đại học New York đã có bài viết đăng trên tờ The Financial Times, thẳng thắn nhấn mạnh sự trỗi dậy của đồng NDT đã hình thành “hệ thống tiền tệ nhị nguyên” và sẽ thay thế đặc quyền của đồng USD. Hơn nữa, Giáo sư cho rằng quá trình này có thể sẽ diễn ra trong 10 năm tới. Tuy nhiên, sự lạc quan (hay bi quan) của Giáo sư liệu có phải quá sớm?

Quả thực, vấn đề núi nợ khổng lồ trị giá gần 32.000 tỷ USD của Mỹ đang ngày càng tồi tệ hơn, chi phí lãi suất một năm đã hơn 600 tỷ USD, cộng thêm thâm hụt ngân sách mỗi năm lên đến 1.400 tỷ USD. Mặt khác, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của 2/3 các nước và khu vực trên toàn cầu, nên động cơ sử dụng nhân dân tệ làm đồng tiền giao dịch tăng mạnh, chẳng hạn nước này đã giao dịch quặng sắt bằng nhân dân tệ với Australia, Brazil…

Tuy nhiên, bên cạnh thương mại, nhu cầu đầu tư tiền tệ mới là mấu chốt tác động đến động cơ nắm giữ tiền tệ. Mỹ chiếm 4% dân số toàn cầu, 24% quy mô kinh tế thế giới, nhưng nắm giữ 42% giá trị thị trường chứng khoán. Tính thanh khoản của thị trường trái phiếu Mỹ đứng đầu, lượng giao dịch ngoại hối cũng chiếm vị trí chủ đạo tuyệt đối.

Giao dịch đơn phương chiếm 88% tổng giao dịch ngoại hối, bỏ xa mức 31% của đồng euro đứng thứ hai (các giao dịch ngoại hối được thực hiện theo cặp, vì vậy tổng tỷ lệ là 200%). Suy cho cùng, thói quen hiện trạng, thói quen thanh khoản và thói quen thu lợi đầu tư đều khiến cho tầm quan trọng của đồng USD rất khó bị thay thế trong ngắn và trung hạn.

Điều này cũng giải thích cho việc mặc dù đã có không ít thỏa thuận hợp tác được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh giữa Trung Quốc với các nước Arập và vùng Vịnh vào cuối năm 2022, đồng thời Trung Quốc cũng sớm thay thế Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất của Saudi Arabia (26%), nhưng giao dịch dầu thô định giá bằng đồng nhân dân tệ (Petroyuan) vẫn chưa thật sự hiệu quả.

Khái niệm “Petrodollar” (giao dịch dầu thô định giá bằng đồng USD) xuất hiện từ nửa thế kỷ trước đã xác lập vị thế thống trị của đồng USD, nhiều nước vùng Vịnh nhận được sự cam kết bảo đảm quân sự và an ninh của Mỹ đã tiến thêm một bước, neo chặt đồng tiền của mình vào đồng USD.

50 năm qua, các nước sản xuất dầu mỏ còn thông qua Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) để trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến giá dầu thô định giá bằng USD. Mặc dù quan hệ kinh tế-thương mại với Trung Quốc ngày càng mật thiết, nhưng các nước sản xuất dầu mỏ cũng không hề mong muốn trao quyền định giá vào tay nước này.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng biết rõ rằng việc vội vàng thúc đẩy “Petroyuan” để thách thức địa vị thống trị của đồng USD có thể sẽ mạo hiểm đồng thời đe dọa lợi ích của Mỹ lẫn các nước sản xuất dầu mỏ vùng Vịnh.

Hơn nữa, Nga đang bị phương Tây trừng phạt, tạo cơ hội cho Trung Quốc sử dụng nhân dân tệ để nhập khẩu các vật tư chiến lược như dầu thô, khí đốt tự nhiên… thông qua các đường ống trên đất liền một cách ổn định. Đó là những lợi ích dễ dàng thu được mà không cần đến việc phải hiện thực hóa “Petroyuan”./.

Thạch Bình (TTXVN tại Hong Kong)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giac-mo-petroyuan-cua-trung-quoc/283629.html